Nỗi đau từ vùng sạt lở Nam Trà My
Dù cơn lũ dữ đã đi qua nhưng nó để lại là bao nỗi đau, mất mát đối với người dân Ca Dong ở xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Người chết, kẻ bị thương, gia đình ly tán, những tài sản có giá trị và hàng trăm kho thóc bị vùi lấp dưới hàng ngàn m3 đất đá…
Ngôi làng bị xóa sổ sau trận lở đất kinh hoàng.
Chúng tôi trở lại nơi đây sau những ngày bão lũ, sau khi tiếp cận được hiện trường vụ sạt lở đất kinh hoàng tại nóc ông Tuân, thôn 2, xã Trà Vân, chúng tôi đã tận mặt chứng kiến những nỗi đau tột cùng của bà con lâm nạn do lũ dữ.
Núi non sạt lở, cây cối, nhà cửa, của cải và cả những người thân bị chôn vùi dưới đống đất đá. Những khuôn mặt thẫn thờ, xóm làng xác xơ,… tất cả minh chứng cho nỗi đau không dễ gì bù đắp nổi. Vốn đã nghèo, đã khó giờ đây hàng trăm hộ đồng bào Ca Dong lại càng khó càng nghèo hơn xưa.
Đã hơn một tuần trôi qua, song ông Đinh Xuân Hùng cùng 78 hộ đồng bào Ca Dong ở nóc ông Tuân, thôn 2 xã Trà Vân, vẫn chưa hết bàng hoàng.
Ông Hùng nói trong nước mắt: “Vụ sạt lở đất diễn ra quá nhanh, làm mọi người trong nóc không kịp trở tay. Khi sự việc xảy ra, cả gia đình tôi bị vùi lấp dưới đống đất đá, rất may được bà con dân làng đào bới kịp thời nên 5 người trong nhà thoát chết trong gang tấc. Thật là kinh khủng, tôi không nghĩ mình còn sống để nói về tâm trạng tôi lúc này, đau đớn, kinh hoàng quá”.
Một ngôi nhà bị đất đá xô ngã ở thôn 2, xã Trà Vân.
Nhìn ra phía trời mưa gió, nơi chôn vùi cả nhà ông, ánh mắt còn thẩn thờ khiếp sợ, ông Hùng kể tiếp: “Tôi rất sợ, lúc đó tôi bị ngất tưởng chết rồi, rớt dưới hố, cả vợ con và ông già ở một chỗ luôn, lúc đó tôi lấy tay bươi đất ra rồi kêu cứu bà con vớt gia đình tôi lên. Từ khi sinh ra đến chừ chưa bao giờ nhìn thấy vụ việc nặng nề, kinh khiếp như thế này”.
Không riêng ông Hùng, mà với toàn bộ 230 hộ dân ở các nóc: Ông Tuân, ông Vinh, ông Bin…của thôn 2 xã Trà Vân, thì trận sạt lở này là điều mà họ chưa bao giờ lường trước được.
Qua thống kê sơ bộ, trận sạt lở đất chiều ngày 6/11 đã làm cho 5 người chết, 9 người bị thương, hàng chục ngôi nhà sập hoàn toàn, hàng trăm kho thóc của bà con nơi đây bị vùi lấp, hoặc cuốn trôi theo dòng nước lũ. Giờ đây, tất cả 230 hộ dân đều được chính quyền huyện Nam Trà My di dời về nơi ở tạm là các trường học và các nóc không có nguy cơ sạt lở.
Mì tôm là món ăn thứ duy nhất đối với những người dân nơi đây.
Ông Nguyễn Văn Thắng, nóc ông Vinh, thôn 2, xã Trà Nam, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam chia sẻ: “Từ hồi xưa đến chừ, thời chiến tranh cũng chưa hề gặp đất lở như thế này. Cuộc sống dân làng không thể ổn định được, không còn gì hết, đất lở bay nhà của, vườn tược cũng không còn”.
Vụ sạt lở kinh hoàng vào sáng ngày 6/11 tại nóc ông Tuân, thôn 2, xã Trà Vân, đã làm 4 người chết và 9 người khác bị thương. Giờ đây ngôi làng tan hoang không còn một bóng người. Phận người mong manh, chỉ còn biết phó thác trong cơn giận dữ của thiên nhiên.
Ông Nguyễn Văn Bá, thôn 2, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, Quảng Nam cho hay: “Có một chị tên Vệ bị thương được khiêng đi giữa đường, một thanh niên ôm theo một đứa trẻ, mình thấy tội quá, nên nói lấy dù che, nhưng họ nói nó chết rồi, che chi nữa. Tôi mới hỏi tại sao không để ở nhà chôn, họ nói bây giờ không biết chôn đâu, núi lở hết rồi. Quả thật quá là đau đớn”, nói xong mắt ông rớm lệ.
Chiếc xe đạp còn sót lại trong đổ nát.
Cuộc sống của người dân sau khi sạt lở đất thì đã vùi lấp, tan hoang và mất đi hết tất cả mọi thứ, bây giờ cuộc sống họ đang rất khó khăn và cần sự chung tay giúp đỡ của toàn xã hội.
Với người Ca Dong, bao lâu nay, kho thóc được đặt cách xa làng để đề phòng thiên tai, địch họa xảy ra với dân làng, thì vẫn còn thóc để chống đói. Thế nhưng, lần này, sạt lở đất vùi lấp nhà cửa, cuốn trôi toàn bộ các kho thóc ở xã Trà Vân, thì họ chỉ còn biết bấm bụng ăn mỳ tôm hoặc chịu đói mà thôi.
Thiên tại khó có thể ai lương hết được, nhưng những gì nó để lại thật sự là kinh hoàng với người dân nơi đây. Khung cảnh tang hoang và không khí tang thương đang bao trùm lên các ngôi làng đã bị xóa sổ do vụ sạt lở đất gây ra vào ngày 6/11 vừa qua.
Rất may chính quyền, đoàn thể sớm vào cuộc hỗ trợ bà con, đưa họ đến nơi an toàn, thăm viếng chia sẻ nỗi đau, cùng giúp họ có phần ấm lòng trong những thời khắc đau thương này.