Khủng hoảng Venezuela thêm trầm trọng sau khi vỡ nợ
Venezuela cùng "hòn ngọc" trong nền kinh tế vốn chủ yếu dựa vào dầu mỏ của họ, tập đoàn dầu khí PDVSA, mới đây đã bị tuyên bố phá sản bởi các công ty xếp hạng, trong khi các chủ nợ đã tổ chức nhóm họp tại New York, Mỹ để quyết định về tài sản của công ty dầu khí này.
Logo tập đoàn dầu khí PDVSA của Venezuela tại một trạm xăng ở thủ đô Caracas. (Nguồn: Forbes).
Vỡ nợ "một phần"
Hãng xếp hạng Standard&Poor trước đó tuyên bố rằng Venezuela đã vỡ nợ vì không thể trả khoản tiền lãi vay 200 triệu USD từ 2 khoản trái phiếu chính phủ, khi thời hạn kéo dài 30 ngày đã kết thúc vào ngày 12-11 vừa qua. Trong khi đó, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch cũng đặt PDVSA vào tình trạng vỡ nợ vì đã chậm một tuần lễ hạn chi trả lãi vay lên tới 2 tỷ USD.
Một hội đồng gồm đại diện của 15 công ty tài chính - đại diện cho các chủ nợ đã có cuộc gặp gỡ ở New York, Mỹ để thảo luận về việc PDVSA không có đủ khả năng để trả nợ. Tuy nhiên, hội đồng này chưa thể đưa ra một quyết định dù đã nhóm họp suốt 3 ngày qua, nhưng dự kiến sẽ đưa ra quyết định trong hôm nay (16/11).
PDVSA hiện đang đối mặt với khả năng sẽ bị các chủ nợ tịch thu các lô dầu khí hoặc các nhà máy lọc ở nước ngoài, đặc biệt ở chi nhánh của họ ở Mỹ, Citgo.
Nếu như tình trạng vỡ nợ "một phần" như hiện nay tiếp tục lan tới các trái phiếu khác, đặc biệt là khoản nợ quốc gia 150 tỷ USD của Venezuela, quốc gia Nam Mỹ này có thể sẽ phải tuyên bố vỡ nợ toàn phần.
Vỡ nợ toàn phần - tức chỉ việc Venezuela không có khả năng trả các khoản nợ khổng lồ nữa - sẽ gây ra những hậu quả to lớn đối với đất nước vốn đang phải hứng chịu cuộc khủng hoảng trong suốt thời gian qua. Động thái của các hãng xếp hạng quốc tế xuất hiện sau khi Phó Tổng thống Venezuela Tareck El Aissami tổ chức gặp gỡ các chủ nợ tại thủ đô Caracas trong hôm đầu tuần nhưng không thể đưa ra biện pháp giải quyết vấn đề.
Trong lúc đó, Trung Quốc cho hay, các khoản đầu tư tài chính của họ tới Venezuela vẫn tiến hành như bình thường và Nga cũng tiếp tục ký kết một thỏa thuận trong hôm 15-11 nhằm tái cấu trúc khoản nợ 3 tỷ USD của Caracas. Trung Quốc và Nga hiện đang là 2 nguồn rót tài chính đáng tin cậy nhất của Venezuela, với khoản đầu tư lần lượt là 28 tỷ USD và 8 tỷ USD.
S&P nói rằng, họ đã hạ xếp hạng trái phiếu chính phủ Venezuela xuống mức D (vỡ nợ) và hạ mức xếp hạng tín nhiệm đối với đồng tiền nước này xuống SD (vỡ nợ một phần), thêm rằng nước này còn khoản tiền lãi vay 420 triệu USD từ 4 loại trái phiếu khác cũng đã quá hạn, nhưng vẫn còn chờ xem xét.
Tình trạng vỡ nợ ở Venezuela không hề khiến các nhà quan sát bất ngờ, bởi chính phủ nước này từ trước đã cắt giảm các mặt hàng nhập khẩu để có tiền trả nợ, khiến cho người dân trong nước lâm vào tình trạng thiếu lương thực và thuốc men. Caracas hiện còn dưới 10 tỷ USD tiền dự trữ nhưng cần phải chi 1,4 tỷ USD để trả nợ từ nay đến cuối năm, và khoản nợ khác 8 tỷ USD vào năm sau.
Các chủ nợ nhóm họp
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã thành lập một ủy ban để tái cấu trúc lại khoản nợ công và tái cấu trúc lại cả tập đoàn dầu khí PDVSA. tuy nhiên, các chủ nợ của nước này tham gia nhóm họp tại New York lại không đưa ra đề xuất tái cấu trúc nợ nào.
Chính phủ của ông Maduro trước đó nói rằng kế hoạch tái cấu trúc sẽ tạo ra khoản tiền 1,2 tỷ USD để trả nợ từ trái phiếu của PDVSA vào ngày 2/11, tuy nhiên không rõ liệu số tiền này đã đến được các chủ nợ hay chưa.
Trong khi đó, S&P nói rằng "có khả năng lớn là Venezuela sẽ lại vỡ nợ một lần nữa chỉ trong vòng 3 tháng tới". "Chúng tôi coi việc tái cấu trúc của Venezuela là hành động đảo nợ trong vô vọng", hãng xếp hạng này nhấn mạnh.
Được biết 70% chủ nợ của Venezuela đến từ khu vực Bắc Mỹ, theo con số thống kê của chính phủ nước này. Phó Tổng thống El Aissami đã đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của Mỹ khiến cho nước này chậm hạn trả nợ. Các lệnh cấm vận bao gồm việc cấm các thể chế ở Mỹ mua lại nợ xấu từ Venezuela - một bước cần thiết để tái cấu trúc.
Thêm phần sức ép đối với Venezuela chính là việc Liên minh châu Âu (EU) cũng tuyên bố áp đặt các lệnh trừng phạt với nước này.
Được biết, tình trạng vỡ nợ của một quốc gia có thể được tuyên bố bởi các hãng xếp hạng tín nhiệm uy tín của thế giới, các chủ nợ lớn hoặc bởi chính chính phủ của nước đó.