Trăn trở về thực hành các nghi lễ thờ Mẫu
Sáng 16/11, Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn Hà Nội - nhận diện, bảo tồn và phát triển” tại đình Hào Nam. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa - xã hội, các nghệ nhân dân, đồng đền, thủ nhang, thanh đồng…
Trình diễn nghi thức thờ Mẫu, hát chầu văn.
Nhiều giá trị đặc sắc
Theo TS Lưu Minh Trị- chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, hội thảo đã nhận được gần 30 tham luận, trong đó có nhiều tham luận cùng nhận diện khái quát, hoặc làm rõ hơn, đi sâu hơn về tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, về mối quan hệ tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt; nhiều tham luận cùng trao đổi về những giá trị cốt lõi của các nghi lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu cũng như sự “biến tướng” hầu đồng và các dạng “lệch chuẩn” khác trong thực hành; về việc đưa nghi lễ hầu đồng lên sân khấu và các hình thức trình diễn khác.
Nhìn lại lịch sử hình thành, biến đổi và những giá trị cơ bản của tín ngưỡng thờ mẫu Việt Nam, GS.TS Ngô Đức Thịnh- giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam khẳng định, thờ Mẫu là tín ngưỡng bản địa phát triển rộng khắp cả đồng bằng, đô thị và miền núi; có nguồn gốc từ lâu đời, trải qua từ thời nguyên thủy sang thời phong kiến và đến hôm nay vẫn tiềm ẩn chiều hướng phát triển đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế thị trường và đô thị hóa, hiện đại hóa của Việt Nam.
Tục thờ Mẫu mang nhiều giá trị như giá trị nhận thức thế giới, giá trị nhân sinh và khi tín ngưỡng thờ Mẫu gắn bó với dân tộc, chủ nghĩa yêu nước đã được tâm linh hóa.
Đặc biệt, tục thờ Mẫu - hầu đồng - chầu văn là một di sản văn hóa nghệ thuật độc đáo và đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2016.
Đi sâu vào nghiên cứu về mối quan hệ của tín ngưỡng thờ Mẫu với các tín ngưỡng, tôn giáo khác ở Việt Nam, PGS TS Từ Thị Loan- nguyên viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật đã chỉ ra sự thâm nhập của của tín ngưỡng thờ Mẫu vào Phật giáo cũng như mối quan hệ với Đạo giáo và các tín ngưỡng dân gian khác như tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thành hoàng làng, cầu mùa, thờ các hiện tượng tự nhiên… bởi sự lan tỏa và tiếp thu độc đáo.
Thanh đồng Lưu Ngọc Đức- chủ nhiệm CLB Văn hóa thờ Mẫu và hát văn Hà Nội lại giới thiệu khá chi tiết về một số nghi lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ như đàn tam phủ thục mệnh, đàn lễ điền hoàn tứ phủ, đàn mừng đồng, đàn lễ thoải đồng, đàn tạ tam nhật… và đặc biệt giới thiệu sâu về nghi lễ hầu đồng.
Nghiên cứu chuyên sâu về cung văn và nhạc cung văn, PGS.TS Đặng Hoành Loan- nguyên viện trưởng Viện Âm nhạc nhấn mạnh, cung văn là người nghệ sĩ tài danh, vừa sáng tác nhạc và lời của tín ngưỡng tứ phủ và cũng là ca sĩ kiêm nhạc công.
Ông đề nghị: “Tới đây, cần có những công trình điền dã nghiên cứu kỹ lưỡng về giới nghệ sĩ cung văn – một mảng khoa học còn bị bỏ ngỏ”.
Ở vấn đề đưa nghi lễ hầu đồng lên sân khấu, nhà văn Vũ Hùng khẳng định thêm về sức hấp dẫn của nghi lễ này: “Mỗi khi có trình diễn hầu đồng ở rạp hát như rạp Kim Mã, rạp Khăn Quàng Đỏ, rạp Công Nhân hay chợ đêm Đồng Xuân, rất đông khán giả chen nhau vào xem. Dường như đây là món ăn tinh thần rất mới lạ và hấp dẫn công chúng, không chỉ có người già mà cả thanh niên, cả thiếu nhi và nhất là người nước ngoài, họ vô cùng thích thú và biểu lộ những phấn khích khi xem trình diễn…”
Còn nhiều tồn tại trong thực hành
Tuy nhiên, hội thảo cũng “nóng” lên với những tồn tại về thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu hiện nay. GS TS Ngô Đức Thịnh nêu rõ: “Nhận thức về tục thờ Mẫu của các ông đồng, bà đồng, cung văn và đông đảo quần chúng nhân dân còn mang tính tự nhiên, tự suy luận và có nhiều điều cần điều chỉnh. Tình trạng thương mại hóa tín ngưỡng thờ Mẫu đang là một thực tế nặng nề và nhức nhối, khiến cho tín ngưỡng này ngày càng bị xói mòn. Tình trạng phân tán, tản mạn, bị buông lỏng, thiếu sự quản lý cũng tạo nên bộ mặt xô bồ, thậm chí là hỗn loạn của sinh hoạt tín ngưỡng ở các đền phủ, gây mất trật tự công cộng, tạo điều kiện cho các sinh hoạt mê tín, đi ngược lại các giá trị thuần phong mỹ tục dân tộc”.
Trong khi đó, thanh đồng Lưu Ngọc Đức bày tỏ bức xúc trước những vấn đề như: Tứ phủ hóa tất cả các đền phủ; trang phục hầu thánh bị biến dạng, mai một.
Bên cạnh đó, vũ đạo hầu thánh bị nặng về biểu diễn làm mất đi sự nghiêm trang; lời tuyên phán nặng về dọa nạt, mang tính trần tục quá nhiều, nhất là nhiều lời hát văn bị cụ thể hóa trong khi phải có tính ước lệ, hư cấu, trừu tượng…
Nhà văn Vũ Hùng cũng chỉ rõ: “Đâu đó người ta còn lạm dụng hầu đồng làm cho nghi thức bị méo mó, có khi ô tạp. Nguyên nhân đáng buồn đó là do chúng ta chưa có một tổ chức chính thống, có đủ pháp nhân để quản lý vấn đề này. Đó là hậu quả của sự thả nổi đã kéo dài hàng trăm năm qua”.
Hay cung văn trưởng Hồng Tỉnh Chén - đền Cây Quế, Cầu Giấy, Hà Nội trăn trở: “Việc bảo vệ và giữ gìn các làn điệu hát văn là một việc làm cấp bách. Bởi vì, bao nhiêu tâm huyết cũng như tinh hoa của cha ông tích hợp từ những vùng miền để tạo nên nét đặc trưng riêng của hát văn sơ với hát chèo, tuồng, cải lương. Hát văn trong lịch sử có lúc thăng, lúc trầm nhưng chưa bao giờ có tình trạng lai căng, biến hóa một cách tùy tiện như bây giờ. Giới trẻ chưa thực sự nghiêm túc trong vấn đề tìm tòi, nghiên cứu để làm sao đem tinh hoa nghề ra với công chúng”.