Cần Thơ Hướng đến nền Giáo dục nghề nghiệp 4.0
Phát huy những thành quả đạt được trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) những năm, TP Cần Thơ đang từng bước tạo nên những bước đột phá để hướng đến nền GDNN đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo cho xu hướng nền công nghiệp 4.0.
Bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LĐTB&XH Cần Thơ kiểm tra mô hình dạy nghề may công nghiệp tại quận Bình Thủy.
Năm 2017, Sở Lao động thương binh và xã hội(LĐTB&XH) thành phố đã tích cực tuyển mới đào tạo trong lĩnh vực GDNN cho 41.520 học sinh, sinh viên, với 73 ngành nghề đào tạo, hoàn thành tổng chỉ tiêu giáo dục nghề nghiệp đề ra.
Trong đó, tuyển sinh cao đẳng nghề là 8.514 sinh viên - chiếm 20,51%; tuyển trung cấp nghề là 1.986 học sinh - chiếm 4,78% , tuyển mới sơ cấp nghề là 15.765 học sinh - chiếm 37,97%.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn và giáo dục nghề nghiệp thường xuyên dưới 3 tháng cho 15.255 người (chiếm 36,74%).
Cơ cấu các ngành, nghề tuyển sinh được thành phố chuyển hướng mạnh theo nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Theo đó, tuyển sinh tập trung vào các lĩnh vực mà thành phố đang cần như: nhóm ngành nghề công nghệ thông tin (chiếm 18,3%); nhóm ngành kỹ thuật (12,2%); nhóm ngành giao thông (10,6%), nghề du lịch, khách sạn, nhà hàng (9,3%)...
Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho GDNN được thành phố tăng cường đầu tư đáp ứng ngày một tốt hơn cho việc dạy và học.
Nhiều cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố đã tiến hành xây mới, sửa chữa, nâng cấp trụ sở làm việc, phòng học lý thuyết, xưởng thực hành; mua sắm máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, đồ dùng dạy học....
Năm 2017, từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia đã phân bổ 55 tỷ đồng (từ nguồn dự án Đổi mới và Phát triển dạy nghề là 35 tỷ đồng và dự án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 20 tỷ đồng) đã tiến hành hỗ trợ đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy nghề cho các đơn vị.
Đến nay, mạng lưới GDNN thành phố từng bước được củng cố và hoàn thiện. Hiện thành phố Cần Thơ có 81 cơ sở giáo dục nghề nghiệp do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý gồm: 07 Trường Cao đẳng; 03 phân hiệu Cao đẳng; 14 Trường Trung cấp; 25 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp; 32 cơ sở doanh nghiệp trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Công nghệ ô tô; Điện tử công nghiệp; Công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm); Quản trị mạng máy tính; Điện công nghiệp; Cắt gọt kim loại…
Mô hình dạy nghề đan nhựa tại quận Ô Môn.
Về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2017 của thành phố cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo đó, đã tổ chức thực hiện được 109 lớp dưới 3 tháng và sơ cấp nghề cho 4.725 lao động nông thôn (trong đó dạy nghề phi nông nghiệp là 3.850 người (chiếm 81,48%), dạy nghề nông nghiệp là 875 người (chiếm 18,52%). Tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ học nghề đối với người lao động trên 12 tỉ đồng.
Thời gian qua, chất lượng đào tạo nghề của các đơn vị trên địa bàn ngày càng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài thành phố.
Tỉ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau khi học nghề của năm 2017, bình quân đạt 72,63% tổng số học sinh tốt nghiệp, đặc biệt có một số nghề trình độ cao đẳng, trung cấp tỉ lệ học sinh, sinh viên ra trường có việc làm đạt trên 86%.
Năm 2018, thành phố đề ra chỉ tiêu thực hiện tuyển mới đào tạo GDNN cho 44.000 người. Đồng thời, tiến hành đổi mới GDNN theo hướng gắn kết chặt chẽ với thị trường lao động và xã hội, chuyển mạnh đào tạo gắn kết với việc làm và tạo việc làm bền vững, xuất khẩu lao động và an sinh xã hội.
Xây dựng hệ thống GDNN mở, linh hoạt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi đối tượng người học; phát triển các trường chất lượng cao, nghề trọng điểm.
Chia sẻ về mục tiêu đào tạo GDNN của thành phố trong thời gian tới, ông Châu Hồng Thái – Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Cần Thơ cho biết: Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của các cơ sở GDNN sẽ phải đối mặt với những yêu cầu về cải cách và cạnh tranh mới.
Trước xu thế máy móc tự động hóa thay thế con người, nguồn nhân lực phải trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.
Các hoạt động đào tạo cần phải được gắn kết với doanh nghiệp nhằm rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo, nghiên cứu và triển khai.
Theo đó, GDNN cần có những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế sáng tạo và hội nhập.
Thành phố đang đẩy mạnh phát triển đào tạo tại doanh nghiệp, phát triển các trường trong doanh nghiệp để đào tạo nhân lực phù hợp với công nghệ và tổ chức của doanh nghiệp.
Tăng cường việc gắn kết giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp, trên cơ sở trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, hướng tới doanh nghiệp thực sự là “cánh tay nối dài” trong hoạt động đào tạo của cơ sở GDNN, nhằm sử dụng có hiệu quả trang thiết bị và công nghệ của doanh nghiệp phục vụ cho công tác đào tạo, hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học trong quá trình đào tạo và thực tập tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác điều tra, khảo sát thị trường lao động để điều chỉnh cơ cấu ngành, nghề đào tạo đặc biệt là nghiên cứu đào tạo phục vụ cho các nghề công nghiệp ưu tiên và công nghiệp mũi nhọn của thành phố, từng bước tạo uy tín và thương hiệu.
Chuyển mạnh từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở GDNN sang đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động.
Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm thông qua việc ký kết các hợp đồng cung ứng lao động với các doanh nghiệp trong và ngoài thành phố. Đi liền với đó, là thực hiện tự kiểm định chất lượng GDNN nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo.