Số hóa để bảo tồn tranh dân gian Hàng Trống
Dự án Tập hợp, số hóa tranh Hàng Trống để bảo tồn của các bạn trẻ đam mê giá trị truyền thống được thực hiện với mục đích lưu giữ những họa tiết của dòng tranh Hàng Trống trên môi trường số hóa. Đồng thời đây là sự bổ sung cho nguồn tư liệu thiết kế thời trang, đồ họa, nội thất và thủ công mỹ nghệ.
Cuốn sách Họa Sắc Việt, một phần dự án bảo tồn và phát triển họa tiết tranh Hàng Trống theo phương thức số hóa.
Theo nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê, tranh Hàng Trống từng có thời kỳ phát triển cực thịnh. “Nhà nhà làm tranh, bán đủ mọi loại hình từ chúc tụng (Tứ quý, Thất đồng, Phúc - Lộc - Thọ) cho tới tranh thờ (Tam phủ công đồng, Tứ phủ công đồng). Tranh Hàng Trống thời xưa cùng thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ là những vật phẩm không thể thiếu trên bàn thờ dịp Tết”, ông Khuê cho biết.
Tuy nhiên, hiện nay phần lớn người trên phố Hàng Trống đã chuyển qua bày bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác, chỉ còn một gia đình (số 5 Tô Tịch) bán tranh.
Tổ chức S River tập hợp các bạn trẻ đam mê các giá trị truyền thống đã thực hiện ý đồ táo bạo: Tập hợp, số hóa tranh Hàng Trống để bảo tồn.
Trước hết, những họa tiết tranh Hàng Trống cổ sẽ được lưu trữ trên môi trường số hóa một cách toàn diện và bảo đảm chính xác so với tác phẩm thực, loại bỏ nguy cơ hư hại, mai một bởi tác động vật lý. Song quan trọng hơn, theo đại diện nhóm Trịnh Hồng Vân: “Các hoa văn tranh Hàng Trống sẽ có điều kiện ứng dụng vào các lĩnh vực thiết kế thời trang, đồ họa, nội thất và thủ công mỹ nghệ”. Đây là sự bổ sung vô cùng quan trọng cho nguồn tư liệu thiết kế truyền thống vốn ít ỏi hiện nay.