Tổng thống Zimbabwe lần đầu xuất hiện sau đảo chính

17/11/2017 19:10

Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe đã có lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng tại một lễ tốt nghiệp một trường đại học ở ngoại ô thủ đô Harere trong hôm 17/11, kể từ sau khi quân đội nước này thực hiện hàng loạt các động thái được coi là một vụ đảo chính không bạo lực trong hôm thứ Tư vừa qua.


Tổng thống Mugabe (giữa) xuất hiện trong một lê tốt nghiệp đại học ở ngoại ô thủ đô Harare hôm 17/11. (Nguồn: AP).

Mugabe tái xuất

Xuất hiện tại trường đại học nọ, vị Tổng thống 93 tuổi bước đi chậm rãi trên thảm đỏ tới bục đài trong khi dàn nhạc nghi lễ ở hai bên. Ông nhận tràng pháo tay hưởng ứng và bắt đầu phiên khai mạc buổi lễ.

Sự xuất hiện của ông tiếp nối sau một tuyên bố mà phía quân đội đưa ra trong sáng hôm thứ Sáu, trong đó dẹp tan mối quan ngại ngày càng gia tăng của người dân rằng đất nước sẽ lâm vào tình trạng hỗn loạn sau đảo chính. ông Mugabe đã lên tiếng bác bỏ những lời kêu gọi ông từ chức trong khi phía quân đội cũng đối mặt với sự phản đối kế hoạch thành lập chính phủ mới của họ.

Tuyên bố của quân đội zimbabwe nói rằng họ đã đạt được một số bước tiến và đã bắt giữ "một số kẻ tội phạm thân cận ông Mugabe nhằm mang chúng ra trước công lý, đối diện với các cáo buộc gây ra sự bất ổn về xã hội và kinh tế. Một số kẻ khác hiện đang lẩn trốn".

Kể từ khi lên nắm quyền điều hành, quân đội nước này đã bắt giữ hơn một chục vị quan chức cấp cao và các thành viên cao cấp của G40, một nhóm chính trị gia thuộc đảng cầm quyền Zanu-PF trung thành với bà Grace Mugabe, vợ của Tổng thống Mugabe.

Cuộc đảo chính không bạo lực này được cho là dấy lên từ nỗi lo sợ trong số các tướng lĩnh quân đội và các đồng minh của họ rằng, đảng cầm quyền sẽ tổ chức một cuộc thanh trừng các phe phái đối lập để dọn đường cho bà Grace lên nắm quyền lực.

Một số bức ảnh được quân đội Zimbabwe công bố vào tối hôm 16/11 cho thấy ông Mugabe, 93 tuổi, đang gặp gỡ vị tướng lĩnh quân đội dẫn đầu cuộc đảo chính.

Ông Mugabe, người cầm quyền ở Zimbabwe suốt 37 năm, nhìn có vẻ thoải mái và khỏe mạnh trong các bức ảnh trên, được chụp trong lúc buổi họp diễn ra tại văn phòng Tổng thống ở Harare. Bộ trưởng Quốc phòng cùng 2 đặc phái viên đến từ Nam Phi cũng xuất hiện trong các bức ảnh này.

Một bức ảnh cho thấy ông Mugabe cùng Tướng Constatino Chiwenga, người đứng đầu các lực lượng vũ trang, cùng cười nói và bắt tay. Hiện chi tiết về các cuộc đối thoại giữa họ vẫn chưa được công bố.

Sức ép từ chức

Được biết, tuyên bố mà quân đội nước này đưa ra vẫn nhắc đến ông Mugabe trên cương vị "Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang". Tuy nhiên, có nhiều tín hiệu cho thấy sự kiên nhẫn của quân đội và các đồng minh của họ bên trong đảng Zanu-PF đang cạn dần. Các lãnh đạo của đảng này đã có cuộc họp trong hôm 17/11 để soạn thảo nghị quyết nhằm sa thải ông Mugabe vào cuối tuần này, dọn đường cho khả năng luận tội ông vào tuần tới nếu ông này từ chối từ chức.

"Không còn đường lui nữa" - Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao trong đảng Zanu-PF, nói - "Nếu ông ấy còn không chịu từ chức, chúng tôi sẽ sắp xếp để sa thải ông ta vào hôm cuối tuần này. Khi điều đó xảy ra, phiên luận tội ông ta sẽ tổ chức vào thứ Ba tuần sau".

Ngoài ra, các lãnh đạo của đảng Zanu-PF cũng đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc tuần hành nhằm kêu gọi ông Mugabe từ chức trong khoảng thời gian cuối tuần.

Trước hôm có buổi xuất hiện tại lễ tốt nghiệp đại học, ông Mugabe đã bị quân đội quản thúc bên trong khu tư dinh của mình tại khu Borrowdale ở thủ đô Harare, trong lúc mà quân đội chiếm đài truyền hình quốc gia và nhiều khu vực trọng yếu khác.

Một số nguồn tin của quân đội nước này cho hay ông Mugabe đã mô tả hành động trên là phi pháp. Ông cũng bác bỏ khả năng mở ra các cuộc đối thoại với phía quân đội nhằm vãn hồi trật tự.

Các đặc phái viên đến từ Nam Phi đang có mặt ở Harare nhằm giúp tổ chức các cuộc đàm phán và quyết định các điều kiện để ông Mugabe từ chức. Nam Phi, thế lực lớn nhất trong khu vực, đã kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của Cộng đồng Phát triển Nam Phi ở Botswana. Dù không ra được kết luận, nhưng tuyên bố cuối cùng của cuộc họp này lên án bất kỳ sự thay đổi vi hiến nào trong chính phủ của Zimbabwe.

Phía quân đội khẳng định rằng hành động của họ chỉ là biện pháp tạm thời nhằm bắt giữ "những kẻ tội phạm" thân cận ông Mugabe, giải quyết cuộc tranh giành quyền lực giữa bà Grace Mugabe và cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa.

Ông Mnangagwa được cho là đã từ Nam Phi trở về nước từ tối hôm thứ Ba. Vị cựu quan chức này đã bỏ trốn tới Nam Phi sau khi bị Tổng thống Mugabe sa thải với mục đích là dọn đường cho vợ mình lên nắm quyền.