Đàm phán biến đổi khí hậu dậm chân tại chỗ

Duy Long 18/11/2017 07:35

Các cuộc đàm phán của LHQ về việc thực thi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris đã khép lại trong hôm 17/11 sau 2 tuần lễ bị đàm phán chậm chạp do Mỹ ra sức bảo vệ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.


Ảnh minh họa.

Đại diện đến từ gần 200 quốc gia, trong đó có cả phái đoàn đến từ Mỹ, đã tụ họp tại hội nghị Bonn, Đức để đàm phán về các điều khoản, dự kiến sẽ được áp dụng vào năm tới, thực thi thỏa thuận Paris từng được ký kết năm 2015. Tuy nhiên các phái đoàn đưa ra nhiều kết luận khác nhau, thể hiện sự chia rẽ giữa các nước giàu và các nước đang phát triển.

Một trong những vấn đề khúc mắc chính là việc rót nguồn vốn hỗ trợ cho các nước nghèo để giúp họ chuẩn bị đối phó với ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu - những cơn siêu bão, hạn hán, mực nước biển gia tăng...

Một chướng ngại khác là việc một nhóm các quốc gia phát triển - do Mỹ dẫn đầu - một mực kêu gọi tất cả các nước cần phải đưa ra cam kết đồng đều theo thỏa thuận Paris.

Hội nghị được tổ chức từ ngày 6 đến 17/11 là hội nghị về khí hậu đầu tiên mà LHQ tổ chức kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận Paris. Tuyên bố này nói rằng Mỹ sẽ chỉ rút khỏi thỏa thuận từ nay cho tới tháng 11/2020, và trong thời điểm đó vẫn sẽ tham gia các vòng đàm phán về biến đổi khí hậu.

Một sự việc khác khiến cho bầu không khí hội nghị Bonn thêm ảm đạm là việc giới chức Nhà Trắng tổ chức một sự kiện bên lề với các ông chủ của các tập đoàn năng lượng trong hôm đầu tuần này nhằm bảo vệ lợi ích của họ khi sử dụng nhiên liệu hóa thạch - than đá, dầu và khí tự nhiên.

Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đề ra mục tiêu giảm thiểu lượng khí thải CO2. Thỏa thuận yêu cầu các nước tham gia ký kết hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C, và tiến tới mức hạn chế dưới 1,5 độ C, nhằm đảo ngược ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Duy Long