Nghệ sĩ múa Tricia Nguyen: Múa dành cho người lo âu và trầm cảm
Là con gái của họa sĩ danh tiếng Nguyễn Thanh Bình, nhưng không đi theo sự nghiệp của bố, Tricia Nguyễn (Trang Nguyễn - sinh năm 1991 ) đi theo con đường riêng - múa đương đại. Tháng 9 này, tại TP. HCM, Trang cùng ekip tổ chức vở múa đầu tiên, nằm trong chuỗi dự án Wintercearig, nhằm thông qua nghệ thuật múa đương đại để khơi gợi nhận thức về vấn đề sức khỏe tâm lý đang tồn tại ở Việt Nam.
Trang sinh ra tại TP Hồ Chí Minh. Bốn tuổi, cô bắt đầu theo học múa trong lớp “Những ngôi sao nhỏ” của cô Kim Dung và vợ chồng nghệ sĩ Đặng Hùng, Vương Linh. Ngay từ những ngày đầu tiên, Trang đã cảm thấy, mình thuộc về múa hơn bất kì loại hình nghệ thuật nào khác. “Tôi thấy múa là một nghệ thuật mà bản thân có thể theo suốt cuộc đời. Múa mang lại niềm vui không thể diễn tả nổi đối với tôi.
Khi múa, tôi cảm thấy tự do. Múa làm cho suy nghĩ của tôi trong sáng hơn, đồng thời quên đi những nỗi đau bên trong. Tôi thích tính chất của hình thức thể hiện và cảm xúc múa mang lại, bao gồm âm nhạc đi kèm. Tất cả làm cho tôi cuốn theo điệu múa và cho tôi một không gian riêng tư để có thể thật sự là chính mình” - Trang chia sẻ.
Đi theo con đường khác biệt với truyền thống gia đình, tuy nhiên, Trang nhận được sự ủng hộ của bố và mẹ, dù bố mẹ từng phân vân về việc theo múa, liệu Trang có được một cuộc sống ổn định hay không, và ông bà cũng nghĩ rằng, nghề múa không thích hợp với môi trường xã hội hiện tại. Tuy nhiên, bố mẹ cũng không phản đối hay ngăn cản ước muốn của các con, đồng thời tạo mọi điều kiện và hỗ trợ để các con đi theo con đường đã chọn của mình:
“Tôi đã học được nhiều điều từ những gì bố tôi đã trải nghiệm và vượt qua trong nghề, từ đó, mang lại cho tôi một cách suy nghĩ tích cực hơn, thoáng hơn và rộng mở hơn trong nghệ thuật, cũng như trong cuộc sống.”
Năm 2000, Trang theo học nội trú ở Lancashire (Anh Quốc), khi đó Trang mới 9 tuổi.
“Vì từ nhỏ đã đi xa nhà, nên tôi học được cách tự lập, cách cư xử, nề nếp và văn hoá Châu Âu rất nhiều. Thời gian ở bên đó tôi cũng rất cô đơn, vì những năm đầu không biết tiếng Anh nên không nói được gì với mọi người. Thời tiết thì rét và cực kỳ lạnh lẽo, mưa và buồn quanh năm suốt tháng, ảnh hưởng khá nhiều đến tâm lý. Tôi gặp khá nhiều khó khăn trong quan hệ với bạn bè, thầy cô giáo và nhiều thứ khác nữa” - Trang nhớ lại.
Hết năm thứ nhất ở trường đại học, Trang về Fashion và Textile Design tại Đại Học Huddersfield. Cuối năm 2010, Trang quay trở về Việt Nam, làm việc về thời trang tại Hà Nội và TP HCM được hơn ba năm thì dừng lại vì thấy không hợp. Năm 2014, Trang thành lập một phòng tranh nhỏ The Open House, để trưng bầy những bức tranh của bố cô - hoạ sĩ Nguyễn Thanh Bình. Một năm sau, Trang được nhận vào học tại Trường Múa thành phố Hồ Chí Minh, tốt nghiệp đạt kết quả xuất sắc. Giữa năm 2016, cô bắt đầu làm việc bán thời gian với Nhà Hát Giao Hưởng. Đến bây giờ, Trang làm việc với Hanoi Contemporary Dance Group và biểu diễn tại The Factory.
Với Trang, “Múa là một ngôn ngữ nghệ thuật được truyền đạt qua động tác thể hình và nhịp điệu chuyển động theo giai điệu của cơ thể, nhằm thể hiện một ý tưởng, một chủ đề. Nó là cách để tôi có thể nói lên câu chuyện của mình mà không cần lời nói. Múa có thể biểu hiện nhiều hơn và sinh động hơn ngôn ngữ tiếng nói, bởi động tác và sự chuyển động của toàn bộ cơ thể trong không gian có thể lột tả trọn vẹn những gì mà ngôn ngữ thông thường không tả hết, hoặc không thể nói ra bằng lời thí dụ như những cảm xúc riêng tư. Múa là một ngôn ngữ trừu tượng, vì không có lời, nhưng hết sức cụ thể bởi hình tượng mà cơ thể tạo ra thông qua biên đạo và được hỗ trợ bởi âm nhạc”.
Bởi múa đã gắn bó với Trang từ khi còn rất nhỏ, đồng thời cô luôn tâm niệm rằng, sẽ luôn đi trên con đường này, dù có chuyên nghiệp hay không. Múa đã trở thành máu thịt, đã nằm trong cuộc sống của Trang từng ngày, từng giờ:
“Múa, như một phương thức chẳng những hỗ trợ mà còn là niềm an ủi những lúc tôi cần, lúc lo sợ, rối loạn trong đời sống, giải tỏa những nỗi đau trong lòng. Múa mang lại cho tôi sự tự tin cũng như giúp tôi trong nhiều sự việc. Múa lấy đi sự bất hạnh, sự đau đớn, những rủi ro trong đời sống thường ngày. Với tôi, múa là một người bạn thân, luôn luôn bên cạnh và không bao giờ trách cứ tôi”.
Trong hai ngày trình diễn, 21 và 22 tháng Chín sắp tới, bên cạnh vở múa còn có phần trình bày tranh của nữ hoạ sĩ Nguyễn Ngọc Đan, nghệ thuật trình diễn, đồng thời có chuyên viên của Ethos Asia đến trò chuyện với khán giả về hai căn bệnh tâm lý phổ biến: lo âu và trầm cảm. Vào ngày 23 tháng Chín, sẽ diễn ra 3 buổi workshops, gồm có vẽ, múa và đan móc và một phần trò chuyện với chuyên gia về vấn đề này, tại The Factory, Quận 2.
Để có được chương trình đầu tiên này, khi Trang nêu ra ý tưởng, hầu hết mọi người đều lo lắng, vì quy mô của dự án khá lớn, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều nhân lực, đồng thời, dự án sẽ kéo dài, từ khán phòng đến với cộng đồng, đặc biệt cần được tiếp xúc trực tiếp với những người đang rối loạn tâm lý, nên chi phí để duy trì là không nhỏ. Bên cạnh đó, đưa múa phối hợp một số loại hình nghệ thuật khác đến với công chúng không phải chỉ để thưởng thức, thư giãn, mà mục đích là tác động lên tâm lý của người xem, mong thay đổi được những quan điểm nhận thức về những diễn biến cảm xúc tiêu cực đang tồn tại, và chuyển hóa chúng, trong đó có lo âu và trầm cảm.
Tuy nhiên, bằng ý chí của mình, Trang dần kết nối được các nghệ sĩ, nhận được sự giúp đỡ tích cực, từ biên đạo múa, họa sĩ cùng các đồng nghiệp… đồng thời, cô chuẩn bị tất cả hồ sơ tài liệu cho việc trình bày dự án với các nhà tài trợ, mà chủ yếu là các trung tâm nghệ thuật đương đại, trung tâm văn hóa nước ngoài - nơi yêu cầu rất cao về hai mặt nội dung và nghệ thuật. Bên cạnh đó, Trang tự mình kết nối với nhà tổ chức, đồng thời tham gia dàn dựng vở múa, tập luyện…
Từ một ý tưởng cá nhân, để có được một chương trình mở đầu cho dự án với sự đa dạng và tương đối hoàn hảo, là một nỗ lực lớn của ý chí. Và nghệ sĩ múa 27 tuổi này đã thực hiện được những gì cô mong muốn và theo đuổi:
“Ý tưởng cho dự án Wintercearig này được nảy sinh ra từ chính bên trong tôi. Tôi đã trải qua rất nhiều những sự khổ sở, cô đơn, buồn bã. Từ khi về Việt Nam, quá nhiều sự không tốt đã xảy ra với tôi, cùng chuyện rất đau buồn khi mẹ tôi mất vì ung thư. Nhờ có múa, tôi có thể tiếp tục con đường sống của mình, giúp tôi có thể gắn bó hơn với những gì đang có trong cuộc đời. Từ đó, tôi dần hình thành nên dự án này. Dự án là tổng hợp của nhiều loại hình nghệ thuật . Tôi muốn mọi người hiểu được rằng có nhiều phương án để có thể giúp bản thân mình vượt qua những trạng thái tâm lý tiêu cực và tránh được rủi ro trong cuộc sống hàng ngày”.
Khó khăn cho việc thực hiện vở diễn nghệ thuật này, Trang chia sẻ, “đó là sự hoà đồng và cảm nhận được nhau khi biểu diễn, đi cùng một hơi thở, cùng một nhịp điệu và phải giữ được và thể hiện cảm xúc sâu bên trong mình một cách đồng nhất trong một thời gian dài suốt quá trình thực hiện, đòi hỏi sự tập trung và tinh tế của mỗi cá nhân tham gia. Ngược lại, những cái khó đó sẽ đem lại cho mỗi cá nhân cách hiểu rõ bản thân và cảm nhận tối đa về ngôn ngữ cơ thể của mình, nó muốn nói lên cái gì, mối liên kết với mọi người như một tổng thể thống nhất như thế nào, nó sẽ giúp cho mọi người thoát ra khỏi “cái khuôn” của thói quen cá nhân, chấp nhận con người của mình và thật thà hơn với nó”.
Qua chương trình, Trang mong sẽ mang đến cho mọi người một cách nhìn khác, một sự hiểu biết rõ hơn và nhận thức tốt hơn về vấn đề sức khoẻ tâm lý đang tồn tại, đồng thời giúp cho mọi người hiểu rằng có rất nhiều loại hình có thể làm và mở rộng con đường để ai cũng có thể bộc bạch những gì đang vướng mắc trong lòng mà muốn được thoát ra qua các “trị liệu” giải tỏa tâm lý như vẽ, múa, đan móc... Đồng thời, dự án Wintercearig tiếp tục được kéo dài giúp mọi người hiểu biết sâu hơn về các vấn đề tâm lý tiêu cực đang tồn tại bên trong của chính mình.