Biến không bắt buộc thành… bắt buộc?!
Tôi không nhớ lần đầu tiên đến Ủy ban hành chính - nay là Ủy ban nhân dân, xin chứng thực lý lịch là vào năm nào, cũng không nhớ xin chứng thực để làm gì, nhưng có một điều chắc chắn là sau khi chị thư ký Ủy ban đưa cho bản lý lịch có đóng dấu màu tím hình chữ nhật thì tôi lại buồn cười, vì thấy dòng chữ cộc lốc: “Xác nhận lý lịch khai trên là đúng”.
Vì buồn cười nên tôi để ý, và thấy lý lịch của anh em, bạn bè đều được Ủy ban ghi một dòng tương tự. Về sau tôi hiểu, không ai đi xác nhận lý lịch sai, để xác nhận thì chỉ cần viết như vậy là đủ, đâu cần rườm rà. Nên tôi cũng không buồn cười nữa. Vậy mà đến gần đây, thấy báo chí công bố một số dòng xác nhận lý lịch, đại loại như: “gia đình chưa chấp hành tốt chủ trương của địa phương”, “bản thân và gia đình chưa chấp hành chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương”, “bản thân và gia đình chưa chấp hành tốt quy định của địa phương”,… thì tôi lại buồn cười, vì cái chỗ chỉ để nhận xét “là đúng” tôi vốn rất trân trọng, lại bị biến hóa thành nhận xét tiêu cực về gia đình của người được xác nhận lý lịch!
Song điều tôi quan tâm hơn là lý do dẫn tới các biến hóa đó chủ yếu vì gia đình khổ chủ chưa đóng góp các khoản tiền xây dựng nông thôn mới, như chưa đóng góp tiền làm đường, chưa nộp tiền điện chiếu sáng, thậm chí chưa hiến đất làm đường… Tò mò, tôi thử tìm hiểu xem Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới có quy định bắt buộc đóng góp phải tuân thủ hay không. Và được biết năm 2015, Thủ tướng Chính phủ có Công văn 2003/TTg-KTN về việc “Huy động vốn đóng góp để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”. Từ loại hiện tượng “một số địa phương có biểu hiện chạy theo thành tích, nóng vội, dẫn đến huy động đóng góp của dân quá mức (nhất là đối với các hộ nghèo, khó khăn, gia đình chính sách), nợ đọng xây dựng cơ bản ở nhiều xã phấn đấu đạt chuẩn; đánh giá xuề xòa, tự hạ thấp chất lượng một số tiêu chí khi xét đạt chuẩn gây dư luận bất bình trong xã hội”, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: “Việc huy động đóng góp của người dân phải được bàn bạc dân chủ; phải được sự đồng tình, nhất trí của người dân. Tuyệt đối không được yêu cầu dân đóng góp bắt buộc, quá sức dân; không huy động đối với hộ dân nghèo, người già, người tàn tật không nơi nương tựa, hộ khó khăn, gia đình chính sách, đối tượng hưởng trợ cấp xã hội”.
Cũng năm 2015, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản hướng dẫn việc phân bố nguồn ngân sách Nhà nước, huy động nguồn ngoài ngân sách để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong đó yêu cầu: “Tuyệt đối không được yêu cầu dân đóng góp bắt buộc và huy động quá sức dân; không giao chỉ tiêu huy động, không gắn việc đóng góp với việc cung cấp các dịch vụ công mà người dân được hưởng; không được yêu cầu các hộ dân nghèo, người già, người tàn tật không nơi nương tựa, hộ khó khăn, gia đình chính sách phải đóng góp”.
Chỉ đạo thì thế, nhưng xem ra ở một số nơi, xây dựng nông thôn mới đang trở thành cơ hội để bệnh hình thức thêm cơ hội phát triển, mà có lẽ cụ thể nhất là tiêu chí về giao thông và cơ sở vật chất văn hóa đã bị biến báo từ không bắt buộc trở thành bắt buộc, rồi khi không bắt buộc được người dân thực hiện thì người ta nhận xét luôn vào lý lịch của con cái? Điều này làm tôi nhớ hai cây cột cổng có gắn biển “gia đình quyết tâm xây dựng và giữ vững xã nông thôn mới” đứng trơ vơ trước căn nhà xiêu vẹo ở tỉnh nọ, cùng lời ta thán của khổ chủ: “Nhà tôi thiếu trước hụt sau nhưng cán bộ ấp tới lui nhiều lần ép phải làm cổng rào nên tôi phải vay mượn 1,2 triệu đồng để làm hai cây cột, còn phần mái trên thì chưa có tiền làm”!
Được biết nơi này nơi khác cũng có gia đình “cùn”, chây ì, thiếu nhiệt tình đóng góp tiền của, công sức cùng cộng đồng xây dựng các công trình công cộng sử dụng chung, nhưng về cơ bản là các nhà tham gia đầy đủ, tận tình. Tuy nhiên, việc huy động theo lối bắt buộc, thiếu quan tâm đến hộ nghèo, người già, người tàn tật không nơi nương tựa, hộ khó khăn và gia đình chính sách,… mà cào bằng, khoán trắng, thiếu công khai, minh bạch trong thu - chi các đóng góp của nhân dân,… đã đẩy tới sự bất bình. Và như thế thử hỏi địa phương nào đó hành xử như vậy để đạt Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới có thật sự thể hiện sự phát triển, có thật sự là niềm vinh dự?
Song có lẽ chuyện biến không bắt buộc thành bắt buộc trong việc thu nộp một số khoản phí “giời ơi” đầu năm học là rộn rã hơn cả. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì ngoài học phí bắt buộc (trừ bậc tiểu học được miễn học phí), tiền dạy học thêm trong quy định (tiền dạy buổi 2 đối với các trường dạy 2 buổi/ngày), nhà trường có thể thu hộ bảo hiểm y tế; phí Đoàn, Đội... Bên cạnh đó còn một số khoản thu được phép như tiền ăn bán trú, chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú, mua học phẩm đối với trẻ mầm non, vệ sinh, nước uống tinh khiết, đồng phục, quần áo thể thao, phù hiệu trường, thẻ học sinh,... nhưng các khoản này phải thực hiện trên nguyên tắc thỏa thuận giữa nhà trường với cha mẹ học sinh, được công bố minh bạch, công khai, thu đủ chi. Đặc biệt, ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện và các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện. Thế nhưng các năm qua trên cả nước, vào đầu năm học vẫn xuất hiện các loại tiền thu để phục vụ các mục đích khá kỳ lạ, như: ủng hộ khai giảng, ủng hộ các ngày lễ lớn, chuyên đề, lắp máy lạnh, trải nghiệm, kỹ năng sống, ghế ngồi chào cờ, khen thưởng, tu sửa khuôn viên…
Thậm chí cả trường mầm non cũng thu tiền xã hội hóa giáo dục, tiền cha mẹ học sinh, tiền xà phòng, giấy vệ sinh và đồ chơi… Nên mới có chuyện gần đây sau 9 cuộc họp căng thẳng giữa phụ huynh và lãnh đạo của một trường mầm non mà trường này đã phải hoàn trả phụ huynh hơn 520 triệu đồng thu sai quy định trong năm học 2016 - 2017!
Về mặt tâm lý, vì lo sợ con cái bị “trù úm” để ảnh hưởng đến thành tích học tập mà thường thì dù thấy phi lý, đa số phụ huynh vẫn cắn răng nộp các loại phí không nằm trong sách các khoản thu được phép. Nhất là khi ban đại diện cha mẹ học sinh thông báo các khoản phải nộp kèm theo để nghị nộp sớm để “không bị ảnh hưởng đến thi đua của lớp”, và khi người khác đã nộp răm rắp thì chả lẽ lại phản đối. Gặp lớp học nào có cha mẹ học sinh là “đại gia” coi tiền như giấy thì thôi rồi, đúng là “tậu voi chung với đức ông”. Mấy người này thường hô hào đóng góp rất to, làm mát lòng thầy cô, nhưng lại làm nhói lòng phụ huynh khác, làm bạc mặt các phụ huynh xong bữa trưa đã phải lần hồi kiếm bữa chiều. Năm thì mười họa mới có phụ huynh vì quá bức xúc mà phải lên intrrnet hoặc tìm đến báo chí để lên tiếng và sự việc được làm rùm beng ít ngày rồi lắng xuống, để sau đó lại tiếp tục diễn ra chỗ này chỗ kia. Đến mức trong giới phụ huynh, cuộc họp đầu năm học và cuối học kỳ một được định danh vắn tắt nhưng như mang cả âm hưởng bi kịch là... “đi nộp tiền”! Tại các cuộc họp như vậy, đã có phụ huynh cẩn thận mang tiền mà vẫn thiếu, phải “vay nóng” chị em nộp cho xong, hoặc là nói khó với cô “xin khất” để mai cháu đi học… nộp nốt!
Khi lập danh mục các loại phí mà phụ huynh phải nộp ở một số trường từ bắc vào nam mà tôi đã khai thác và tổng hợp, tôi thật sự kính nể các thầy cô tài năng, có khả năng tư duy độc đáo để từ đó sáng tạo nên các loại phí hoàn toàn không có mặt trong vốn từ vựng về các khoản thu của ngành tài chính. Tài tình hơn là ở chỗ, mỗi khi sự việc bị phát giác, lại có thầy cô cố tìm mọi cách để chối biến, mà chỗ dựa “có lý” của họ là đổ phéng cho xã hội hóa, là phụ huynh tự nguyện, mới chỉ là “dự thảo”,… và nhà trường vô can! Họ chỉ chịu thừa nhận lúc mọi sự rõ ràng, các khoản thu ngoài quy định đã được xác minh là có thực.
Qua đó mới thấy, khi vận hành trong thực tế, khái niệm xã hội hóa quả là trừu tượng. Nói cách khác, khái niệm xã hội hóa có thể chuyển tải vô số nội dung, từ nhân văn tới phản nhân văn, từ chính đáng tới không chính đáng, từ phù hợp luật pháp tới vi phạm luật pháp. Và tôi muốn hỏi, khi đổ phéng cho phụ huynh tự nguyện, cho xã hội hóa, mới chỉ là “dự thảo”,… chẳng lẽ họ lại không buồn quan tâm tới việc phụ huynh nhiệt tình thái quá trong việc đóng tiền là vi phạm quy định của chính ngành giáo dục?
Chẳng lẽ họ không bận tâm để thấy rằng từ vài triệu đồng đến cả chục triệu đồng là gánh nặng đối với rất nhiều gia đình, nhất là các gia đình có hai con đang ở độ tuổi đi học? Lại nhớ xưa kia tiền nhân tôn xưng đồng tiền là “anh lỗ vuông” (khổng phương huynh), và dẫn mấy câu châm ngôn đáng để suy nghĩ: “Có tiền, ta có thể mua được một chiếc giường nhưng không mua được giấc ngủ”, “Hiểu biết giá trị của tiền bạc và luôn biết hy sinh tiền bạc vì bổn phận hoặc vì nhân nghĩa, đó là một đức hạnh thực sự”!