Sự thật về ninja và thông điệp hòa hợp
Cả hai buổi gặp gỡ, trò chuyện của các giáo sư đến từ Đại học Mie (Nhật Bản) về ninja và ông Kawakami Jin-ichi – người được xem là ninja cuối cùng của Nhật Bản và thế giới tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội, ngày 16 và 17/11, đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả. Đã có không ít ngỡ ngàng trước những điều ít biết về nhân vật tuy phổ biến trên phim ảnh, văn học song vẫn còn nhiều huyền bí này.
Ông Kawakami Jn-ichi (trái) biểu diễn giao lưu cùng khán giả Hà Nội. (Ảnh: Thái Anh).
Ngay từ cách gọi, theo GS Yamada Yuji, thực ra trong lịch sử, ninja được gọi là shinobi. Shinobi là những người có các năng lực phi thường và biết thuật ninijtsu để luôn tiên phong trong các nhiệm vụ tình báo trong cuộc chiến đấu của các lãnh chúa ở Iga, Koga... vào khoảng thế kỷ 14, 15, thời kỳ Edo ở Nhật Bản. Các shinobi này hoàn toàn biến mất vào năm Kaei thứ 6 (năm 1853) khi thực hiện nhiệm vụ cuối cùng là điều tra bên trong chiến hạm đen do Perry chỉ huy tiến vào vùng biển Uraga.
PGS Yoshimaru Katsuya chia sẻ: “Cho đến nay, người ta vẫn luôn cho rằng ninja là những người phóng phi tiêu shuriken trong trang phục màu đen, tuy nhiên shinobi trong thực tế lại không mặc trang phục màu đen, cũng không phóng phi tiêu shuriken. Thực ra, những lầm tưởng này được bắt nguồn từ các vở kịch. Khi đó, các ninja thường bị coi là sự tồn tại của “cái ác” tăm tối đầy ám muội. Chỉ đến khi câu chuyện của Tamada Gyokushusai đời thứ hai vào cuối thời Minh Trị (khoảng năm 1900) và tiểu thuyết Sarutobi Sasuke (năm 1913) của Tatsukawa Bunko, hình ảnh ninja anh hùng chính nghĩa liên tục xuất hiện trong các tiểu thuyết, kịch, phim và manga”.
Trong các cuộc gặp gỡ, giao lưu này, ông Kawakami Jin-ichi đã đem đến cho công chúng sự thích thú, thán phục trước các động tác minh họa độc đáo như: phi tiêu, làm trật khớp vai, cho tay vào lửa, rèn luyện sức chịu đựng của cơ thể, các động tác di chuyển được bắt chước từ thỏ, khỉ..., cách tập luyện để tinh thần luôn vững vàng...
Đặc biệt, ông Kawakami Jin-ichi đã có bài nói chuyện hấp dẫn về làm thế nào để trở thành một ninja, ninja đã khổ công luyện tập như thế nào và lý do tồn tại của ninja... Theo ông Kawakami Jin-ichi, tuy được tiếp nhận như một nét văn hóa Nhật Bản nhưng có một sự thật là hình tượng ninja bị ngộ nhận khá nhiều (như ninja luôn thực hiện những việc mờ ám, gây chiến...). Nhất là việc nghiên cứu về kỹ thuật và tinh thần... của một ninja thực thụ hay việc giải mã chính xác lịch sử dựa trên các tài liệu lịch sử thường bị coi nhẹ đã khiến cho hầu hết các tình huống về ninja đều không được hiểu đúng.
“Thể xác và tâm hồn của ninja là một thể thống nhất, không thể tách rời. Những bí thuật chỉ là một phần của ninja, quan trọng là chữ nhẫn, chữ tâm phải đặt lên hàng đầu trong cả cách chiến đấu và cuộc sống. Hình ảnh của một ninja đích thực là một người có tấm lòng chính trực, luôn hòa hợp với thiên nhiên và con người bằng sự nhân từ và nhẫn nại. Vậy nên, học trở thành ninja là để hòa hợp hơn chứ không phải để mạnh hơn”- ông Kawakami Jin-ichi nhấn mạnh.