Cơ cấu lao động vẫn bất hợp lý
Tại báo cáo “Xu hướng lao động và xã hội Việt Nam giai đoạn 2012-2017” do Viện Khoa học Lao động xã hội (Bộ LĐTB&XH) vừa công bố cho thấy, tỷ trọng lao động giản đơn đã giảm nhanh sau năm 2013 từ 40,8% giảm còn 37,5% vào quý 2 năm 2017.
Đáng chú ý trong 5 năm qua, tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam thấp, chỉ tăng nhẹ từ 1,96% lên 2,26% vào Quý 2-2017. Tuy nhiên, chất lượng lực lượng lao động còn thấp với trên 23% có bằng cấp, chứng chỉ. Đặc biệt cơ cấu lao động theo các cấp trình độ đào tạo còn bất hợp lý, không thực sự phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, xã hội. Theo thống kê hiện nay, trong số lực lượng lao động có bằng cấp, chứng chỉ thì hơn 50% là có bằng cấp từ cao đẳng và đại học trở lên, trong khi số có chứng chỉ nghề trình độ trung cấp chỉ chiếm 5,42% và chứng chỉ nghề ngắn hạn chỉ chiếm 5,6% tổng lực lượng lao động.
Báo cáo cũng cho rằng dù đã có nhiều cải thiện về mặt chính sách, nhưng đến nay thị trường lao động Việt Nam vẫn còn lạc hậu với số lao động làm việc phi chính thức khá lớn, trên 18 triệu người trong quý 2/2017.
Theo thống kê, quý 2, cả nước có trên 1 triệu người di cư. Bình quân 2012-2017, lao động di cư đến thành thị tăng 18 ngàn người chủ yếu dưới 35 tuổi, trong đó thanh niên (15-24 tuổi) chiếm 41,77% lao động, lao động trẻ (25 -34 tuổi) chiếm 36,57%.
“Thất nghiệp và thiếu việc làm không phải là vấn đề lớn nhưng năng suất lao động thấp vẫn là thách thức lớn trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế đối với Việt Nam. Mặc dù năng suất lao động Việt Nam đã được cải thiện nhiều trong những năm gần đây, góp phần tăng thứ hạng về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, nhưng giá trị tuyệt đối thì mức tăng năng suất lao động Việt Nam quá khiêm tốn”- viện trưởng Viện Khoa học Lao động - Xã hội Đào Quang Vinh cho biết.
Cũng theo ông Vinh, hiện xu hướng già hóa dân số đã và đang tác động đến cơ cấu việc làm theo nhóm tuổi ở Việt Nam. Số lao động là người cao tuổi làm việc trong nền kinh tế hiện nay ngang bằng với số lao động thanh niên độ tuổi 15-24, điều này cho thấy tác động về già hóa dân số tại Việt Nam đã khá rõ nét.
“Để góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, việc gia tăng tỷ lệ lực lượng lao động có bằng cấp, chứng chỉ phải gắn liền với năng lực, khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường của người được đào tạo. Cùng với đó, thúc đẩy nhanh quá trình chính thức hóa việc làm thông qua các cơ chế hỗ trợ tín dụng, thuế, hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động đối với các cơ sở sản xuất nhỏ đăng ký hoạt động theo luật doanh nghiệp và tuân thủ tốt pháp luật về lao động, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển việc làm bền vững ở Việt Nam”- bản báo cáo kiến nghị.