Báo chí là hạt nhân giúp đẩy lùi thông tin độc hại

M.Loan - H.Vũ 18/11/2017 07:35

Đó là giải pháp được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đưa ra khi trả lời chất vấn của ĐBQH về ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội, thông tin sai sự thật, ngày 17/11. Đã có 55 đại biểu chất vấn, 9 đại biểu tranh luận, còn 24 đại biểu chưa chất vấn gửi câu hỏi để chuyển trả lời bằng văn bản. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn, nắm chắc tình hình, đáp ứng sự mong mỏi của các ĐBQH.


Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn tại phiên chất vấn, ngày 17/11. (Ảnh: Quang Vinh).

Ngăn chặn thông tin xấu, độc

Theo ĐB Nguyễn Phương Tuấn (đoàn Ninh Bình) và ĐB Đinh Thị Kiều Trinh (đoàn Nghệ An), hiện nay có rất nhiều thông tin sai sự thật, thông tin giả mạo, thông tin xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của tổ chức cũng như cá nhân. Một số thông tin xuyên tạc các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước lan tràn trên mạng xã hội, mà các mạng này lại có tên miền đăng ký ở nước ngoài, như Facebook, Youtube. Với vai trò là tư lệnh ngành quản lý thông tin, truyền thông, Bộ trưởng đưa ra giải pháp gì để ngăn chặn các nội dung độc hại này?

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin ở khu vực. Việc mạng xã hội, internet ra đời đã mang lại nhiều tiện ích cho con người. Bên cạnh đó, những tác hại do mạng xã hội đem lại cũng không nhỏ khi có những thông tin bôi nhọ, những thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm hại đời tư, kích động bạo lực, khiêu dâm, chia rẽ dân tộc, tôn giáo ngày càng nhiều hơn. Chúng ta phải nhìn nhận phải coi mạng xã hội là một phương tiện, một công cụ cho người dùng, như một con đường chúng ta đi trên con đường đó. Trên con đường đó có rất nhiều hạng người, có người tốt, có người xấu, thậm chí có kẻ cướp nên đừng coi việc sử dụng mạng xã hội là xấu mà phải coi ý thức của người sử dụng mạng xã hội như thế nào là một vấn đề.

Cũng theo Bộ trưởng, hiện ở Việt Nam có khoảng 53 triệu người sử dụng Facebook, sử dụng internet, tức là gần 70% người dân Việt Nam sử dụng internet. Khi sử dụng Facebook thì hầu hết vẫn là người tốt, người ta vẫn rất người với nhau ở trên mạng xã hội; chỉ có một bộ phận nhỏ so với 53 triệu người, nhưng dù nhỏ song năng lượng đen, năng lượng xấu của số người sử dụng đó ảnh hưởng rất lớn đến môi trường mạng xã hội. Việc “ném đá”, nói xấu nhau, chì chiết, làm đủ cách hại lẫn nhau trên mạng xã hội là một thực trạng.

Theo Bộ trưởng, thời gian qua Bộ đã làm việc với nhiều cơ quan liên quan để phối hợp xử lý. Đồng thời làm việc với các mạng xã hội ở nước ngoài yêu cầu tuân thủ luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam, và yêu cầu gỡ bỏ khoảng gần 5 ngàn clip ở trên Youtube khi những clip đó xâm hại đến lợi ích của Đảng, Nhà nước, nhân dân, xâm hại đến quyền của cá nhân. Chúng ta quen dùng báo chí chính thống để đẩy lùi thông tin tiêu cực trên mạng xã hội. Cho nên chính báo chí phải là hạt nhân dẫn dắt những thông tin định hướng những thông tin đúng trên mạng xã hội”- Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay.


ĐBQH Cao Thị Xuân (đoàn Thanh Hóa) chất vấn tại Hội trường, ngày 17/11. (Ảnh: Quang Vinh).

Thông tin mạng xã hội có lấn át báo chí?

ĐB Cao Thị Xuân (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, hiện nay có 363 trang mạng xã hội trong nước và có 2 mạng xã hội nước ngoài do tổ chức, cá nhân tại nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Tuy nhiên, 2 mạng xã hội này lại có đông người Việt Nam sử dụng nhất. Facebook có khoảng 53 triệu thành viên, Youtube có khoảng 35 triệu thành viên tại Việt Nam. Như vậy, mạng xã hội đang được phổ cập ngày càng rộng rãi. Vậy có hay không tình trạng thông tin trên mạng xã hội đang lấn át thông tin từ báo chí chính thống?

Trước việc báo chí có bị mạng xã hội lấn át hay không? Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, nói như vậy là gần đúng vì thực tế thông tin trên mạng xã hội không lấn át thông tin trên báo chí nhưng tốc độ truyền tin nhanh chóng, thậm chí áp đảo. “Nhưng người dân tin vào thông tin của báo chí hơn mạng xã hội, lấy thông tin trên báo chí là đáng tin cậy chứ không ai lấy thông tin trên mạng xã hội. Lấy báo chí là hạt nhân để đẩy lùi thông tin độc hại, lấy cái tốt để lấy lùi cái xấu”- Bộ trưởng cho hay.

Đưa ra giải pháp lâu dài, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, chỉ có Nga có phần mềm tìm kiếm riêng trên internet, Trung Quốc có mạng xã hội riêng còn các nước khác hầu hết phụ thuộc vào Facebook, Google. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã xây dựng mạng xã hội cạnh tranh với Facebook, Goolge nhưng do tiềm lực tài chính kém nên đã đóng cửa sau 2 năm hoạt động. Để doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạng xã hội cạnh tranh được mạng toàn cầu thì chính sách phải đồng bộ, ưu tiên giảm thuế, phí, phát triển nội dung số để hình thành hệ sinh thái số lớn mạnh thì khi đó mới có cơ sở tin tưởng doanh nghiệp trong nước xây dựng được mạng xã hội cạnh tranh, thay thế Facebook, Goolge trong 5-7 năm tới. Đồng thời, phải thực hiện mô hình “4 nhà” gồm nhà mạng viễn thông, nhà mạng xã hội, nhà quảng cáo và nhà phát triển nội dung trong nước cùng vào cuộc một cách tập trung. Tuy nhiên đây là vấn đề khó vì thói quen dùng và tính tương tác lớn của 2 mạng xã hội toàn cầu hiện nay.

“Google có chính sách chia sẻ tiền quảng cáo cho người đăng trên Youtube, một số người dân coi đó là việc nhẹ nhàng, nhưng có thu nhập, các tin tức bịa đặt, bôi nhọ cũng được dùng phục vụ mục đích này. Việc ngăn chặn nguồn tiền bất hợp pháp đó rất cần thiết, nhưng đang gặp khó khăn. Vì nguồn thu từ quảng cáo qua các mạng này rất lớn, hơn 100 triệu USD một năm nhưng không đóng một đồng thuế nào. Do đó Bộ đang yêu cầu các nhà sản xuất nội dung trong nước cân nhắc nghiêm túc việc đưa sản phẩm độc quyền lên nền tảng xuyên biên giới, vì qua đó vô tình góp phần giúp các mạng xã hội toàn cầu lấy đi cơ hội phát triển nhà mạng Việt Nam”- Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay.

Sai phạm không làm biến dạng dòng chảy báo chí cách mạng

Theo ĐB Mong Văn Tình (đoàn Nghệ An) và ĐB Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình), báo chí có vai trò quan trọng trong cung cấp thông tin định hướng dư luận xã hội. Tuy nhiên báo chí nước ta do nhiều nguyên nhân có hạn chế, các vi phạm chủ yếu là thông tin sai sự thật, chưa chính xác làm uy tín nghề báo bị giảm, làm ảnh hưởng đến hàng ngàn con người từ thông tin chưa chính xác. Vậy giải pháp nào khắc phục tình trạng trên?.

Trả lời, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, vai trò của báo chí từ trước đến nay đã thể hiện rất rõ ràng, nếu không có báo chí thì mọi mặt của đời sống xã hội không được phản ánh đầy đủ như hiện nay. Từ khi Đảng thành lập đến nay, báo chí luôn luôn đồng hành và phản ánh mọi mặt hoạt động của Đảng, Nhà nước, của nhân dân. Ở những nơi khó khăn nhất đều có vai trò của báo chí, báo chí đi tiên phong, góp phần tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, đưa đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Tuy nhiên gần đây có những sai phạm của báo chí nhưng những sai phạm đó cũng không thể làm biến dạng dòng chảy chính của nền báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay, dòng chảy chính của báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay vẫn là dòng chủ lưu.

Đưa ra giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện vai trò tăng cường quản lý nhà nước đối với lĩnh vực báo chí. Rà soát lại tôn chỉ mục đích của các cơ quan báo chí, rà soát lại việc cấp thẻ nhà báo cho các phóng viên báo chí khi không đủ yêu cầu thì phối hợp với cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí để rút thẻ nhà báo đối với những trường hợp vi phạm kỷ luật phải rút thẻ nhà báo. “Bộ Thông tin và Truyền thông cũng kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định liên quan đến việc cấp các loại giấy tờ và các loại thẻ nhầm lẫn với thẻ nhà báo”- Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay.

Tạo điều kiện phát triển nhưng không được gieo rắc thông tin xấu

Phát biểu giải trình, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, về báo chí và mạng xã hội chúng ta tạo điều kiện phát triển mạnh nhưng đi đôi với quản lý. Cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì kiểm soát theo đúng pháp luật với thái độ cương quyết hơn. Thế giới có 52% sử dụng mạng internet, 42% số người dùng mạng xã hội. Nước ta có 67% người dùng internet và 60% số người dùng mạng xã hội. Thị trường này ở nước ta gần như là của công ty nước ngoài như mạng xã hội chiếm 95%, công cụ tìm kiếm 92%, thư điện tử cũng 98% là của Yahoo và Gmail, thương mại điện tử 80% nước ngoài. Chỉ có trò chơi điện tử ta có 60%. Thị trường quảng cáo trực tuyến như Facebook, Youtube chiếm 80%, năm vừa rồi là 350 triệu USD. Do đó, ta cần có thái độ cương quyết hơn, và các nước họ cũng làm thế.

Theo Phó Thủ tướng, Trung Quốc hoàn toàn sử dụng mạng trong nước, một số nước quản lý tốt như Nga thì Facebook đứng thứ 5 danh sách các nhà mạng xã hội có nhiều người dùng. Tương tự ở Nhật Bản là thứ 6 và Hàn Quốc thứ 7. Các nước có công cụ pháp luật, họ cố gắng tạo ra các nhà cung cấp để chống độc quyền, hoặc dùng các biện pháp kỹ thuật để chặn, lọc, làm chậm lại và tuyên truyền giáo dục. Do đó, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ ngành phải có thái độ rõ ràng, kiên quyết, phù hợp với luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam. Tạo điều kiện phát triển nhưng phải đảm bảo ổn định của chính trị, không được xuyên tạc, bôi xấu, chia rẽ, gieo rắc thông tin đi ngược lại chủ trương của Đảng, Nhà nước, văn hoá Việt Nam.

“An toàn an ninh thông tin là vấn đề rất lớn. Chúng ta không thể không ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng không đảm bảo an toàn thì nguy hại vô cùng. Hiện nay, về ứng dụng công nghệ thông tin nước ta đứng ở vị trí hơn 80 nhưng an toàn thông tin đứng trên 100, là mức trung bình yếu”- Phó Thủ tướng cho hay và nhấn mạnh, công nghệ thông tin là công cụ phục vụ cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử. Do đó phải quyết tâm ứng dụng để xây dựng Chính phủ điện tử, không chỉ là biên chế, tiết kiệm thời gian cho người dân, doanh nghiệp mà trên hết là công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng.

PV

Kiến nghị sớm kết luận thanh tra vụ Mobifone mua AVG


ĐB Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đặt câu hỏi: Từ nhu cầu nào và dựa trên cơ sở nào mà Mobifone sử dụng vốn nhà nước để mua AVG? Giá trị chính xác trong vụ chuyển nhượng này là bao nhiêu? Từ khi mua AVG về thì hoạt động ra sao, có tương xứng với số tiền bỏ ra mua không? Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đây là vấn đề đang được thanh tra, do vậy phải chờ khi nào có kết luận thanh tra mới có cơ sở để báo cáo. Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành tranh tra toàn diện nội dung trên từ tháng 9/2016 đến nay. Bộ cũng đã có văn bản kiến nghị sớm có kết luận thanh tra. “Đến nay chúng tôi cũng chưa nhận được dự thảo kết luận thanh tra để tiếp thu, giải trình theo quy định. Theo quy định của Luật Thanh tra khi chưa có công bố kết luận thanh tra, chúng tôi chưa có nội dung gì hơn để thông báo về nội dung thanh tra”- Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết.

M.Loan - H.Vũ