Nghiêm khắc, nghiêm minh trong xét xử
Sáng 18/11, tiếp tục phiên chất vấn tại Quốc hội, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã “giải mã” những thắc mắc của dư luận về một số vụ án lớn.
Bài học từ vụ Hà Văn Thắm
Chánh án Tòa tối cao cho biết, đây là vụ án mà dư luận đánh giá là công khai minh bạch; tranh tụng đến cùng, bản án nghiêm khắc và có phân hoá tội phạm.
Từ sau khi có Nghị quyết 01 năm 2013 thì các thẩm phán rất ngại ra án treo cho án tham nhũng kinh tế, nhưng vụ này có đến 39 án treo. Bởi, đây là những cán bộ trẻ, mới ra trường, năng lực tốt, chỉ là người làm công ăn lương, không được hưởng lợi gì nên bản án cũng phân hóa để đảm bảo tính răn đe nhưng cũng nhân văn, mở đường cho những người làm công ăn lương- Chánh án nói.
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn.
Bên cạnh đó, Chánh án Nguyễn Hòa Bình còn cho biết thêm, khi xét xử sơ thẩm, tòa đã trả hồ sơ một lần. Với việc xét xử lần sau cơ quan chức năng đã truy tố đúng tội tham ô. Với vụ án này, tòa án đã làm hết chức năng của mình. Bên cạnh việc tuyên bản án nghiêm minh thì cũng đã kiến nghị khởi tố thêm.
Việc dừng thông tin “chạy” vào Quốc hội của Châu Thị Thu Nga
Theo giải thích của Chánh án Nguyễn Hòa Bình, vụ án này cũng là vụ án có tranh tụng. Trong khi xử, có dư luận báo chí nêu về việc không có lời khai, có vẻ như vi phạm tố tụng, giấu giếm điều gì. Thậm chí có báo còn nói phiên xử bị cắt điện 30 giây. Về việc này, “Chúng tôi đã kiểm tra cả hồ sơ vụ án, kỹ thuật phòng xử, yêu cầu thẩm phán báo cáo giải trình và gặp cả luật sư. Kết quả là trong phòng xét xử mọi việc vẫn diễn ra bình thường, không có sự cố gì về loa đài. Có tất cả chứng cứ tài liệu như lời khai của Nga; cả việc tách hồ sơ vụ án, biên bản đối chất của các đối tượng liên quan”- Chánh án nói.
Giải thích việc chủ tọa phiên toà dừng không cho Châu Thị Thu Nga khai “chạy” vào QH vì vụ án này đã được tách ra; như thế là được cho phép. Nói thêm, Chánh án Tòa tối cao cho biết, trong lịch sử, việc tách án đã làm nhiều, như vụ án Ngân hàng Xây dựng tách làm 3 vụ; vụ ALC II thì tách làm 6 vụ. Vì tách án nên không cần tập trung làm rõ nội dung này trong vụ này. Vì thế mới nói, việc không đề cập nội dung vụ án đã bị tách ra là theo thông lệ- ông Bình khẳng định và nói thêm: Lời khai của bị cáo Nga chắc đại biểu cũng quan tâm nhưng đều có trong hồ sơ vụ án, không có gì là giấu giếm cả.
Ngăn chặn bị can bỏ trốn
Trước việc nhiều vụ án tham nhũng bị xử lý kéo dài, trả đi trả lại hồ sơ, thậm chí nhiều bị can đã chạy trốn ra nước ngoài ngay trong quá trình xem xét vụ án như Vũ Đình Duy- nguyên tổng giám đốc PVTex; hay thậm chí Trịnh Xuân Thanh, Dương Chí Dũng trước đây... ĐBQH Lê Thị Nga (Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) đã chất vấn Chánh án Nguyễn Hòa Bình về nguyên nhân và cách giải quyết.
Trả lời, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết: Việc điều tra vụ án kéo dài, trả lại, bổ sung hồ sơ nhiều lần, thi hành án không thu hồi được tài sản vi phạm... thuộc trách nhiệm cơ quan điều tra và cơ quan truy tố. Về việc bị can chạy trốn, Bộ trưởng Bộ Công an sẽ có giải trình thêm với đại biểu.
Tiếp lời Chánh án Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa nhận việc điều tra, xử lý án tham nhũng, đặc biệt những vụ án lớn còn một số hạn chế, một số vụ án điều tra còn chậm. Nguyên nhân có nhiều, trong đó có những nguyên nhân khách quan như tội phạm này có chủ thể đặc biệt, có chuyên môn, quan hệ rộng, có thủ đoạn tinh vi. Đây thường là các vụ án đông người thực hiện, có tổ chức, lại là án truy xét, thời gian lâu mới bị phát hiện, nên lúc phát hiện ra các dấu vết, chứng cứ... rất khó xác định. Việc giám định tư pháp, xác định thiệt hại... cũng hết sức khó khăn.
Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an trả lời chất vấn
Lý giải việc các bị can bỏ trốn, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: Căn cứ vào điều 79 Bộ luật Tố tụng Hình sự, chỉ được áp dụng các biện pháp ngăn chặn với các bị can, bị cáo. Còn các đối tượng bỏ trốn trước khi cơ quan điều tra đưa ra quyết định khởi tố, nên không được áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của luật. “Cơ quan công an chưa áp dụng biện pháp ngăn chặn vào giai đoạn đó là thực hiện theo đúng quy định của luật. Tuy nhiên, sau đó, chúng tôi đã tập trung truy bắt bằng được để đưa về điều tra, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, nếu thấy có dấu hiệu tiếp tay cho đối tượng bỏ trốn cũng xử lý nghiêm”- Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.
Về việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỷ lệ thấp, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết những vụ việc này có thời gian xử lý kéo dài, suốt từ giai đoạn thanh tra, kiểm toán rồi mới chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, nên các đối tượng đã biết được việc mình bị xử lý, tìm mọi cách tẩu tán tài sản dẫn đến công tác xác minh thu hồi tài sản có nhiều khó khăn. Một số tài sản đã được chuyển trái phép ra nước ngoài, chuyển tiền mua bất động sản... nên xử lý cần phải có sự phối hợp với các cơ quan tư pháp quốc tế.