Phá bỏ điểm nghẽn để tăng trưởng
Tuần qua, Quốc hội thông qua Nghị quyết về kinh tế - xã hội với chỉ tiêu GDP đã được “mềm” hóa, không còn cứng nhắc, mang tính bắt buộc phải đạt được bằng mọi giá. Theo đó, chỉ tiêu GDP năm 2018 là tăng từ 6,5% đến 6,7%. Cho dù chỉ tiêu GDP mà Quốc hội đề ra không còn cứng nhắc, nhưng để hoàn thành chỉ tiêu này cũng cần nỗ lực rất lớn. Đặc biệt cần tiếp tục công phá những điểm nghẽn đang là rào cản sự phát triển.
Nghị quyết này được 84,93% ĐBQH thông qua ngày 10-11, chỉ có 6 đại biểu không tán thành (chiếm 1,22%). Theo ý kiến của nhiều ĐBQH, việc đặt ra hai cái đích, chứ không chỉ duy nhất một mục tiêu GDP, vừa giúp giảm sức ép để Chính phủ tập trung cho chất lượng tăng trưởng, vừa tránh được những tranh cãi không đáng về sự thực hư của GDP.
Như diễn biến tại các phiên thảo luận kinh tế xã hội những ngày qua, lẽ ra, một không khí phấn khởi bao trùm lên QH vì sau cả thập kỷ hụt đích, thì GDP nhiều khả năng sẽ đạt kế hoạch đề ra. Nhưng không, thay vào đó, lại là những tranh cãi gay gắt bởi sự hoài nghi dâng cao.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nói thẳng kết quả đạt được của tăng GDP năm nay là “kỳ lạ”, tăng trưởng giữa các quý lên xuống đột ngột không theo logic thông thường. Các quý cuối năm tăng trưởng rất cao nhưng sang quý I đầu năm sau liền kề giảm xuống rất nhanh và đột ngột. “Nếu quý IV năm 2015 cả nước hân hoan vì tăng trưởng đạt 7,01% thì quý I năm 2016 rơi thẳng xuống còn 5,48%, giảm hơn 22%. Mức tăng trưởng này nhích lên trong quý II, quý III và đạt mức cao là 6,68% ở quý IV năm 2016 nhưng lại đột ngột giảm ngay ở quý tiếp theo liền kề quý I năm 2017, giảm xuống còn 5,1%. Và GDP lại đang tăng tốc rất thần kỳ ở các quý cuối năm 2017, quý III đạt 7,46% và dự báo quý IV là 7,31%. Còn quý I năm 2018 có thoát khỏi quy luật bất thường này không thì chưa rõ”, ông Hàm kết luận, “nếu thống kê tốt không có nghi vấn gì thì tăng trưởng đã có những điểm nghẽn rất bất hợp lý”.
Chỉ ra hạn chế trong phát triển kinh tế Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, điểm nghẽn đối với sự tăng trưởng của Việt Nam là chi phí tài chính, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, hiệu quả của bộ máy hành chính… Theo tính toán, nếu hiệu quả của chính quyền tăng 10% thì GDP tăng thêm được 3,6%, vì vậy, cần nỗ lực cải cách, cắt giảm những thủ tục không cần thiết, nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan công quyền mới loại bỏ được những rào cản, điểm nghẽn bất hợp lý để phát triển.
Rõ ràng, Chính phủ đã tiếp thu, có những điều chỉnh chính sách phù hợp hơn, hiệu quả hơn, nói như Thủ tướng “cái gì cũng cần được lượng hóa chứ không thể nói nhiệt tình một cách chung chung”... Vì vậy nhiều rào cản đã dần được gỡ bỏ khiến môi trường kinh doanh sáng dần lên. Lần đầu tiên chúng ta tăng trưởng không dựa vảo khai khoáng và tín dụng mà vẫn có thể cán đích mục tiêu tăng trưởng 6,7%.
Lý giải về kỳ tích tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước mà không dựa vào khai khoáng, ông Nguyễn Bích Lâm - tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, việc chuyển đổi cơ cấu trong khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đã tạo ra giá trị của sản phẩm nông - lâm nghiệp - thủy sản tăng lên rất mạnh và giúp đảm bảo ổn định tiêu thụ cho các sản phẩm này. Hiệu quả của nhà nước kiến tạo cũng tạo ra niềm tin trong sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, vừa rồi Diễn đàn kinh doanh thế giới đã nâng hạng cạnh tranh của Việt Nam lên 5 bậc và tăng 20 bậc trong 5 năm gần đây. Ông Lâm cũng nêu một điểm sáng nữa giúp cho tăng trưởng của nền kinh tế đó là xuất khẩu. Trong 2 tháng 8 - 9, lần đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 19 tỷ USD, góp phần giúp nền kinh tế có mức tăng trưởng ngoạn mục.
Nếu như trước đây, tăng trưởng kinh tế của nước ta chủ yếu dựa vào tài nguyên khoáng sản thì nay, động lực chính là từ các doanh nghiệp. Do vậy, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục chuyên ngành là định hướng đúng đắn được Chính phủ chỉ đạo thực hiện trong thời gian qua và bước đầu có nhiều chuyển biến. Cùng với những Nghị quyết chuyên đề quan trọng về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, Thủ tướng đã ban hành kịp thời Chỉ thị số 20 về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, tạo niềm tin và sự yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp... Những quyết sách kịp thời này khiến kinh tế đất nước đã có những tín hiệu đáng mừng, nhất là ở những tháng cuối năm.
Dù bức tranh kinh tế có gam mầu sáng như vậy nhưng không thể chủ quan, bởi để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra là chặng đường đầy gian nan. Nhiều ý kiến đề nghị rằng, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong các tháng cuối năm để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,7%. Cần tiếp tục cởi bỏ các điều kiện kinh doanh để môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng. Có như như vậy nền kinh tế mới có sự tăng trưởng ổn định lâu dài.
Ông Trần Ngọc Anh.
“Phác đồ điều trị” điểm nghẽn
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Ngọc Anh (Đại học Indiana, Hoa Kỳ) lạc quan cho rằng đã có “phác đồ điều trị” các điểm nghẽn.
Theo PGS Trần Ngọc Anh, nền kinh tế khó cất cánh nếu có rất nhiều điểm nghẽn. Các điểm nghẽn tăng trưởng trước mắt nằm ở bộ máy hành chính kém hiệu quả và nạn tham nhũng; đất đai và bảo vệ quyền tài sản; chi phí hành chính cao và tiếp cận tài chính rất khó khăn. Tháo gỡ những điểm nghẽn này sẽ có tác động tích cực lớn nhất tới tăng trưởng trong ngắn hạn. Nhà nước cần phải là chủ thể chính tháo gỡ những điểm nghẽn này, sự tham gia của người dân và doanh nghiệp chỉ có vai trò hỗ trợ. Trong trung hạn, điểm nghẽn tăng trưởng nằm ở rủi ro kinh tế vĩ mô và các rủi ro thể chế vi mô liên quan tới thực thi hợp đồng, thuế, lao động, giấy phép kinh doanh. Tuy những vấn đề này chưa phải điểm nghẽn tăng trưởng trong hiện tại, nhưng có nguy cơ cao sẽ trở thành điểm nghẽn trong thời gian sắp tới.
PGS Trần Ngọc Anh cho rằng, trong dài hạn, điểm nghẽn tăng trưởng nằm ở kết cấu hạ tầng và vốn nhân lực. Đây là những rào cản với nền kinh tế, nhưng không thực sự là điểm nghẽn cho tăng trưởng trước mắt. Đối với những rào cản này, vai trò của Nhà nước cần thể hiện ở việc đề ra tầm nhìn đúng đắn trong dài hạn và xây dựng được cơ chế, chính sách linh hoạt cho phép, thu hút, khuyến khích sự tham gia của người dân, doanh nghiệp với tư cách là chủ thể chính tháo gỡ các rào cản này. Nhà nước không nên trực tiếp đầu tư nhiều nguồn lực xử lý những rào cản này trong bối cảnh căng thẳng nguồn lực hiện nay.
Chính phủ cần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo đánh giá. Hiện “phác đồ điều trị điểm nghẽn” đã và đang được Chính phủ triển khai trong xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ, hành động. Theo đó, sự cải cách, nỗ lực của Chính phủ cần được lượng hóa và do chính người dân đánh giá. Ngoài công cụ đánh giá sự hoạt động của cơ quan công quyền như hiện nay, Chính phủ cần tiếp tục xây dựng một hệ thống đánh giá hoạt động của các cơ quan nhà nước như, xây dựng chỉ số phát triển doanh nghiệp (tính bằng tổng GDP do doanh nghiệp trong địa phương tạo ra hàng năm, với những ưu điểm như dễ đo, khó bị thổi phồng…) Cùng với đó là các sáng kiến như chương trình dân chấm điểm, bệnh nhân chấm điểm… cần tiếp tục được thực hiện một cách thực chất.
Ông Nguyễn Đình Cung.
Tạo áp lực để chuyển động
Còn theo TS Nguyễn Đình Cung- viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương thì, để tháo điểm nghẽn cần tạo áp lực và trách nhiệm để cơ quan công quyền chuyển động.
Để tháo bỏ nút thắt và tạo động lực mới thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng cần tháo bỏ ngay các vướng mắc, đẩy nhanh giải vốn đầu tư nhà nước ngay từ đầu năm, không thể để tiếp tục chậm trễ như 2 năm gần đây. Tăng hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước và tư nhân trong nước.
Đối với các giải pháp cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp cần tạo áp lực và trách nhiệm đối với các bộ chuyên ngành để cắt bớt ít nhất 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh, loại bỏ ít nhất 1/2 số hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành và thay đổi cơ bản cách thức quản lý nhà nước, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Theo ông Cung, cần tục nỗ lực giảm chi phí cho doanh nghiệp bằng các biện pháp như giảm lãi suất cho vay, giảm chi phí hậu cần, giảm các chi phí công đoàn, bảo hiểm xã hội, chi phí trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp thôi việc… Việc tăng lương không quá tốc độ tăng năng suất lao động theo thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động. Quan trọng là tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng “mỗi năm doanh nghiệp chỉ chịu kiểm tra không quá 1 lần” và thay đổi thái độ và mục tiêu kiểm tra theo hướng hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ doanh nghiệp tuân thủ đúng luật pháp thay vì chủ yếu để xử phạt doanh nghiệp. Đặc biệt cần cải cách mạnh mẽ về hồ sơ, trình tự, thủ tục, rút ngắn tối đa thời hạn, giảm phí chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; miễn thuế hoặc thực hiện ưu đãi thuế đối với chuyển nhượng đất nông nghiệp. Hiện hiệu quả của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam rất cao, thậm chí gấp tới 3 lần so với doanh nghiệp nhà nước và tư nhân nếu tính theo tỷ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư. Do đó, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nội là rất cần thiết.
Theo giới chuyên gia, nếu hiệu quả của chính quyền tăng 10% thì GDP tăng thêm được 3,6%, vì vậy, cần nỗ lực cải cách, cắt giảm những thủ tục không cần thiết, nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan công quyền mới loại bỏ được những rào cản, điểm nghẽn bất hợp lý để phát triển.
Theo giới chuyên gia, nếu hiệu quả của chính quyền tăng 10% thì GDP tăng thêm được 3,6%, vì vậy, cần nỗ lực cải cách, cắt giảm những thủ tục không cần thiết, nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan công quyền mới loại bỏ được những rào cản, điểm nghẽn bất hợp lý để phát triển. |