Tương lai nhân loại: Những cảnh báo đáng sợ
Cách đây nhiều thập kỷ, giới khoa học đã đưa ra lời cảnh báo đầu tiên với nhân loại về biến đổi khí hậu, và trong tuần này, hơn 16.000 nhà khoa học đến từ 184 quốc gia và vùng lãnh thổ đưa ra lời cảnh báo thứ hai tới nhân loại, kêu gọi thế giới cần có hành động cấp thiết để cứu sống hành tinh của chúng ta.
Máy bay trực thăng tham gia dập đám cháy rừng tại vùng tây bắc Los Angeles (Mỹ). Ngọn lửa dữ dội bùng lên từ hôm 30/4/2013, kéo dài 5 ngày, hơn 1.100 ngôi nhà phải sơ tán.
Vào năm 1992, 1.700 nhà khoa học độc lập từng ký tên vào “Cảnh báo của giới khoa học thế giới tới nhân loại”. Bức thư này cảnh báo rằng loài người và thế giới tự nhiên đang đi trên con đường nguy hiểm, và nếu các hoạt động gây hại cho môi trường không được ngăn chặn, tương lai của chúng ta sẽ gặp nguy.
Cách đây 25 năm trước, bức thư này đã thu hút được rất nhiều sự chú ý, nhưng ngày nay thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường. Bởi vậy, nhà khoa học môi trường William Ripple cùng các đồng nghiệp của ông đã quyết định viết một bức thư thứ hai.
Kể từ khi nó được đăng tải trên tạp chí BioScience trong tuần này, đã có thêm hàng trăm nhà khoa học khác tham gia ký tên vào bức thư. Nội dung của bức thư nói rằng nếu xã hội không gây sức ép để thay đổi hành vi của con người, hành tinh của chúng ta sẽ hứng chịu tổn hại “không thể đảo ngược”.
“Nếu chúng ta không có một hệ sinh quyển lành mạnh, nếu cứ tiếp tục vấp phải các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu lớn, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nhân loại. Mọi người cần hiểu rằng chúng ta đang nỗ lực tự cứu mình khỏi các thảm họa diệt vong”- ông Ripple, giáo sư chuyên ngành sinh thái học thuộc ĐH Oregon, Mỹ, nói.
Dù đã đạt được một số thay đổi tích cực, nhưng các dữ liệu thống kê cho thấy rằng nhiều vấn đề môi trường đã lên tới mức “báo động” kể từ sau lời kêu gọi đầu tiên của giới khoa học.
Biến đổi khí hậu
Kể từ năm 1970, lượng khí thải CO2 đã gia tăng đột biến, ở mức 90%. Khoảng 78% đến từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, đốt than đá để lấy nhiệt lượng và sử dụng xăng để vận hành xe cộ...và thông qua nhiều tiến trình công nghiệp cơ bản của con người.
Các hoạt động của con người cũng góp phần làm tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu. 2016 được ghi nhận là năm nóng nhất trong lịch sử nhân loại; theo NASA. Trên thực tế, có đến 10 năm nóng nhất trong bản dữ liệu ghi chép suốt 136 năm qua đã xuất hiện kể từ năm 1998.
Các bản nghiên cứu mới nhất cho thấy nhiệt độ tăng sẽ gây ra tình trạng thiếu lương thực trên phạm vi toàn thế giới. Thời tiết sẽ trở nên cực đoan hơn, có thêm nhiều đợt hạn hán, lũ lụt và các cơn bão cũng dữ dội hơn. Mực nước biển sẽ gia tăng và đe dọa các thành phố ven biển.
Vùng biển chết
Bức thư mới nhất của giới khoa học cũng đưa ra các dữ liệu cho thấy số lượng các khu vực chết đã tăng tới 75% kể từ khi bức thư đầu tiên được công bố. Được biết các khu vực chết gồm nhiều khu vực trên các đại dương, các hồ và sông lớn nơi mà sự sống của sinh vật dưới nước không còn tồn tại hoặc bị xua đuổi do thiếu nguồn cung dưỡng khí.
Dù các khu vực chết có thể xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng chúng cũng được tạo ra bởi các hoạt động của con người như làm nông nghiệp hay do khí thải công nghiệp. Hiện nay có rất nhiều khu vực chết đang tồn tại dọc bờ biển phía Đông nước Mỹ, hay ở Vịnh Mexico.
Giới khoa học tin rằng hiện có ít nhất 405 khu vực chết trên toàn thế giới, bao gồm các khu vực gần Nam Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Đông nam Australia.
Đây không phải tin xấu cho loài cá mà là tin xấu đối với những người sống dựa vào nguồn cá cùng nhiều loại hải sản khác. Khu vực chết ở Chesapeake Bay (Mỹ) là một ví dụ. Nó có diện tích ngang bằng 3,2 triệu bể bơi tiêu chuẩn Olympic, nên khi trở thành vùng chết đx khiến hàng chục nghìn con cá - vốn là nguồn thực phẩm dồi dào cho cư dân lân cận - biến mất.
Nạn thiếu nước ngọt khiến nhiều quốc gia điêu đứng.
Nguồn nước cạn kiệt
Trái Đất đã chứng kiến mức giảm khối lượng nước sạch tính trên mỗi đầu người tới 26%, kể từ sau bức thư cảnh báo năm 1992. Theo UNESCO, nếu như mức độ công nghiệp hóa không thay đổi, ước tính rằng mức giảm này sẽ còn lên tới 40% trong năm 2030. Nghiên cứu mới nhất cho thấy sự gia tăng dân số toàn cầu, công nghiệp hóa, đô thị hóa và tăng tiêu thụ nước đã đe dọa các nguồn nước tự nhiên.
Hiện nay, 20% tổng số tầng ngậm nước của thế giới đang bị khai thác quá mức. Số tiền mà thế giới đầu tư vào các cơ sở hạ tầng cung cấp nước cũng gia tăng, thế nhưng giới khoa học cho rằng mức đầu tư này vẫn chưa đủ.
Đất rừng giảm
Trong khoảng năm 1990 - 2005, thế giới đã mất đi 129 triệu hecta đất rừng - diện tích tương đương với đất nước Nam Phi. Hầu hết nạn phá rừng xảy ra ở các khu vực nhiệt đới.
Thực vật đương nhiên không chỉ có tác dụng làm đẹp cho các văn phòng hay đường phố, mà chúng còn giúp làm sạch nguồn nước và không khí, cung cấp gỗ cho các công trường, tạo nên hệ sinh thái cho động vật và giúp giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, giới khoa học nói rằng thời gian qua đã có nhiều tín hiệu tích cực khi nạn phá rừng đã giảm và trên thế giới đã có nhiều khu vực đất rừng được quản lý tốt hơn. Điều này cho thấy nếu con người thực sự quan tâm đến vấn đề môi trường, những ảnh hưởng môi trường tiêu cực có thể được thay đổi.
Tuy nhiên, cũng “le lói” những tín hiệu tích cực. Trong 25 năm qua, hiện tượng suy giảm tầng Ozone đã giảm được coi là xu hướng tích cực. Trước đây, tầng ozone suy giảm do khí độc từ các lọ xịt Aerosol hay các chất trong tủ lạnh khiến nó thiếu đi khả năng hấp thụ tia cực tím. Sau năm 1987, khi mà chính phủ các nước trên thế giới cùng họp bàn để rồi ký kết Công ước Montreal của LHQ, lượng khí thải gây ảnh hưởng tới tầng ozone đã giảm đáng kể. Tầng ozone dự kiến sẽ phục hồi đáng kể vào khoảng giữa thế kỷ này. Nỗ lực cứu rỗi tầng ozone là chỉ là một ví dụ; ông Ripple nói, rằng khi con người cùng góp sức vào một vấn đề nào đó, họ có thể tạo nên sức ảnh hưởng lớn. Và đó là điều mà ông cùng các nhà khoa học tham gia ký vào bức thư cảnh báo mong muốn. |
Tăng dân số đột biến
Tính từ thời điểm bức thư năm 1992 được công bố đến nay thì dân số thế giới đã tăng 35%, đồng nghĩa với việc các nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn có hạn của thế giới chịu sức ép lớn hơn. Và xu hướng này được dự báo là sẽ không thay đổi trong tương lai.
Các nhà khoa học ước tính rằng sẽ có gần 10 tỷ người sinh sống trên Trái Đất vào năm 2050; theo con số dự báo của LHQ, trong đó phần lớn mức gia tăng dân số diễn ra ở các nước đang phát triển. Hiện nay, nhiều quốc gia đang nỗ lực giảm mức tăng dân số bằng cách đưa ra các biện pháp kế hoạch hóa gia đình tập trung.
Động vật dần biến mất
Tính từ năm 1992 đến nay, số lượng các loài động vật trên toàn thế giới đã giảm 29%. Giới khoa học nói rằng con người đang sống trong một thảm họa tuyệt chủng lớn lần thứ 6 trong lịch sử, có nghĩa rằng khoảng 3/4 số lượng tất cả các chủng loại có thể biến mất trong các thế kỷ tới.
Một nghiên cứu mới công bố đầu năm nay thực hiện trên 177 loài động vật có vú cũng phát hiện ra rằng, các loài này đã mất đi 30% khu vực sinh sống trong khoảng thời gian 1900-2015. 40% số động vật này bị giảm số lượng một cách nghiêm trọng.