Làng Đông Ngạc

Hoài Dương 19/11/2017 07:00

Một ngày đầu đông tìm ra ngoại thành Hà Nội, hướng xe máy về phía Tây chừng 10 km, không ít người bất ngờ trước vẻ đẹp êm đềm với nhịp sống không chút vội vàng của ngôi làng cổ Đông Ngạc, còn gọi là làng Kẻ Vẽ thuộc xã Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.


Cổng một ngôi nhà trong làng.

Qua cổng làng nhuốm màu thời gian, trên con đường lát gạch nghiêng, du khách sẽ đến với một không gian yên bình và cổ kính. Khu vực làng cổ hiện còn lại chừng 120ha gồm 5 xóm với khoảng 150 nóc nhà với tuổi đời hàng trăm năm. Nhiều ngôi nhà có lối kiến trúc hoài cổ, được đục chạm kỳ công và khéo léo, trong đó nổi bật 5 ngôi nhà thờ của 5 dòng họ lớn Đỗ, Phan, Phạm, Nguyễn, Hoàng.

Những con đường lát gạch được bậc cao niên trong làng kể lại rằng, theo tục xưa, mỗi khi con gái trong làng đi lấy chồng, họ phải “nộp cheo”, tức là bỏ tiền ra mua 300 viên gạch về lát một đoạn đường, do vậy đường làng chỗ nào cũng lát gạch nghiêng. Đến Đông Ngạc, đình làng, nhà thờ họ và những mái chùa cổ là nơi du khách ghé đến thăm nhiều nhất. Đình Vẽ là một ngôi đình lớn và nổi tiếng. Đình được xây dựng từ thế kỉ XVII trên thế đất cao, đắc địa của làng. Đình thờ 3 vị thần tượng trưng cho cả “Thiên, Địa, Nhân”. Đền còn thờ tiến sĩ Phạm Quang Dung là người làng có công đứng ra trùng tu đình năm 1718 và bà Phạm Thọ Lý, người đã cung tiến đất làm đình lần đầu năm 1635.

Toàn bộ khuôn viên của đình được kiến trúc theo hình chữ Quốc. Từ cổng vào qua hai tam quan đồ sộ. Hai bái đường nội và ngoại được nối liền với nhau, mỗi tòa gồm 9 gian. Trong cùng là hậu cung, mỗi tòa có 3 gian. Tất cả được sắp xếp trong không gian tĩnh mịch, xung quanh là những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Trải qua bao sóng gió thăng trầm của lịch sử, tất cả vẫn hiên ngang thách thức cùng thời gian. Những cột gỗ to chắc khỏe, những bức hoành phi câu đối chưa phai mờ màu sơn thiếp vàng. Những bức hoành phi và câu đối sơn son thiếp vàng không hề bị phai màu theo năm tháng. Cứ đến mùng 9-2 âm lịch hàng năm, dân làng lại long trọng tổ chức lễ hội ở đình làng với nhiều nghi thức trang trọng và các tiết mục ca trù đặc sắc.

Trong làng còn có chùa Vẽ (tên chữ là Tự Khánh) rộng tới 59 gian, mang đậm nét đẹp kiến trúc nghệ thuật thế kỷ XVII. Chùa được xây dựng dưới thời vua Lê Thiền Tông (1653-1661), với kiểu kiến trúc nội tự chữ “Đinh”, ngoại tự chữ “Quốc”. Chùa Vẽ là ngôi chùa duy nhất ở Hà Nội được phong tặng danh hiệu “Toàn gia kháng chiến” trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Mái chùa còn mang đậm nét kiến trúc cổ với ngói mũi hài, đỉnh mái là hình lưỡng long chầu nguyệt, đầu mái uốn cong gắn hình rồng, qua thời gian đã nhuốm màu rêu phong. Hiện nay nhà chùa còn giữ được quả chuông đúc đồng nặng 750kg, niên đại Gia Long 16 (năm 1817) và nhiều hiện vật có giá trị văn hóa, lịch sử.


Những bức tường nhuốm màu thời gian.

Hiện trong kho thư tịch cổ còn lưu giữ được một cuốn sách quý là “Đông Ngạc xã chí” ghi chép được nhiều tư liệu liên quan. Lời tựa sách viết rằng: “Làng ta được gọi là làng Đông Ngạc là có nguyên do. Kính nghĩ! Làng ta chiếm một bầu trời, phong khí an bài, nổi tiếng quý địa. Sông dài phía trước, nước chảy xiết ở phía Đông như một con rồng; chữ phẩm phía sau, khí bốc cao ở phía Tây tựa một con hổ. Đất linh thiêng, người kiệt xuất. Cổ đã qua, nay đang tới, một làng tuấn kiệt, thiên hạ biết tên. Bởi vậy người xưa từng dựa vào đó để đặt tên làng, gọi là phường Đông Ngạc...”.

Làng Đông Ngạc còn được mệnh danh là “Làng tiến sĩ” bởi có truyền thống khoa bảng. Tính từ năm Bính Tý (1396), dưới thời vua Trần Thuận Tông, có cụ Phan Phu Tiên đỗ tiến sĩ khai khoa cho làng thì đến thời nhà Nguyễn, làng Đông Ngạc có 25 người đỗ tiến sĩ trở lên. Dân gian ca ngợi làng này bằng câu ca “Đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ” là vì thế. Điều này thể hiện ngay trên các cổng hình tháp bút, cuốn thư ở làng.

Làng cổ Đông Ngạc, tên nôm là Kẻ Vẽ, nơi có nhiều người đỗ đạt nổi danh như Đỗ Thế Giai, Hoàng Minh Giám, Phan Phu Tiên, Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Trung… Từ cổng làng, cổng ngõ đến cổng nhà đều thể hiện tinh thần hiếu học của người Kẻ Vẽ thông qua hình ảnh cây bút, cuốn thư. Các cụ xưa có câu “Đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ” để nói về truyền thống đỗ đạt ở đây. Có giai thoại kể những chiếc cổng làng Kẻ Vẽ còn có tên Đống Ếch vì học trò ngồi dưới đọc sách râm ran như tiếng ếch kêu. Bức tường gạch loang lổ, chiếc cổng hình tháp bút này cũng xuống cấp theo thời gian với những số điện thoại quảng cáo khoan cắt bê tông.

Mỗi chiếc cổng là câu chuyện về một người tài giỏi. Khách đến tham quan sẽ được người dân nơi đây kể về truyền thống của dòng họ mình. Đan xen giữa ngôi từ đường, nhà thờ họ theo lối kiến trúc truyền thống là những biệt thự được xây dựng theo kiến trúc Pháp. Những chiếc cổng cũng được pha trộn kiến trúc Đông – Tây. Đến đây, còn dễ dàng bắt gặp hình ảnh những nếp nhà lợp ngói nhuốm màu thời gian ẩn mình lặng lẽ bên những tán cây xanh mát. Trên hành trình khám phá, nếu muốn bạn cũng có thể dừng chân ở bất cứ nhà dân nào để nghỉ ngơi, trò chuyện.

Đến làng cổ Đông Ngạc, bất cứ ai cũng không thể bỏ qua ngôi nhà thờ tổ của họ Đỗ, thờ cụ Đỗ Thế Giai, một võ quan cao cấp thời Lê - Trịnh. Người được phong Vương (Đỗ Đại Vương) từ khi còn sống và tôn làm Thần (Thượng đẳng phúc thần) khi qua đời. Ngôi nhà ấy nay đã có niên đại trên 300 năm. Cánh cổng gỗ im lìm đã in hằn dấu vết thời gian, một vườn cây trước nhà, ngôi nhà cổ gần như còn giữ nguyên vẹn từ kiến trúc và các đồ vật dụng trong nhà. Ngôi nhà được coi là ngôi đình thứ hai của làng Vẽ. Đây là một trong ít các ngôi nhà trong làng còn có nhiều đồ đạc và những vật phẩm liên quan đến công đức to lớn của vị danh nhân này.

Vài năm trở lại đây, du khách tìm đến làng Đông Ngạc ngày một đông, bởi vậy làng có dịch vụ cho những người thích du lịch cộng đồng bằng xe đạp. Buổi trưa du khách có thể nghỉ chân tại các homestay. Chủ nhà sẽ chiêu đãi du khách những món truyền thống của làng như: giò, nem, mộm hoa chuối...Buổi chiều, có thể kết hợp đến thăm các di tích lớn dọc theo đê sông Hồng như đình Chèm, đình Nhật Tân, phủ Tây Hồ cùng các làng Nhật Tảo, Liên Ngạc...để trải nghiệm vùng di sản của Hà Nội.

Hoài Dương