Da giày vào EU: Chủ động xây dựng hệ thống phân phối

Thanh Giang 20/11/2017 08:50

Bà Phan Thị Thanh Xuân – phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội da giày – Túi xách Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang đứng ở vị trí top 3 những nhà sản xuất (sau Trung Quốc, Ấn Độ) và xuất khẩu (sau Trung Quốc) lớn nhất thế giới.

Ảnh minh họa.

Theo số liệu Hiệp hội da giày – Túi xách Việt Nam, xuất khẩu toàn ngành da giày 9 tháng đầu năm 2017 đạt 13,1 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó giày dép đạt 10,6 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2016.

“Ngoài thị trường truyền thống lớn nhất là Hoa Kỳ, hiện EU đang được đánh giá là thị trường tiềm năng”, bà Xuân nhận định.

Hiệp hội da giày – Túi xách Việt Nam dẫn chứng, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU đạt gần 4 tỷ USD, giày dép chiếm tỷ trọng 31%, túi xách chiếm tỷ trọng 26,1%.

Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu da giày vào thị trường EU chưa dừng lại con số trên và tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Doanh nghiệp (DN) cần đẩy mạnh sản xuất, tận dụng tốt cơ hội nhằm tiếp cận thị trường tốt hơn.

Đặc biệt, đầu năm 2018 khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam EU (EVFTA) có hiệu lực thì thuế quan sẽ giảm mạnh.

Cụ thể, hầu hết các dòng thuế nhập khẩu ba lô, túi, cặp và hơn 40% các dòng thuế nhập khẩu giày dép vào thị trường EU sẽ giảm về 0%.

Trong vòng 7 năm khi Hiệp định có hiệu lực toàn bộ dòng thuế giày dép sẽ được cắt giảm về 0%. Đây là thời cơ để ngành da giày phát triển thị trường EU.

Nhận định về cơ hội cho ngành da giày Việt Nam tại thị trường EU, chuyên gia quốc tế Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU – MUTRAP) nhận định, ngành da giày Việt Nam có rất nhiều cơ hội tại thị trường EU. Người tiêu dùng thị trường EU tập trung chủ yếu là số lượng và mẫu mã chứ không đòi hỏi nhiều về thương hiệu.

Đánh giá khá cao cơ hội, tiềm năng thị trường EU song chuyên gia nước ngoài khẳng định, muốn phát triển tốt ở thị trường EU đòi hỏi DN trong ngành da giày Việt phải có kế hoạch, chiến lược cụ thể.

Ngoài việc đáp ứng quy định xuất xứ hàng hóa, cần thiết xây dựng cho được hệ thống phân phối.

Tránh tình trạng hàng hóa đến được thị trường EU nhưng không thể phân phối. Theo các chuyên gia nước ngoài, nói là thị trường EU nhưng có đến 27 thị trường thành viên nằm trong một khối. Mỗi thị trường có nhu cầu và tiêu chuẩn khác nhau.

Sản phẩm da giày có thể không thỏa mãn nhu cầu, thị hiếu ở các nước thành viên này nhưng lại phù hợp với thị trường khác trong khối.

Đơn cử, tiêu chuẩn da giày vào thị trường Đức cao hơn thị trường Ý. Do vậy, DN cần có chiến lược tập trung vào từng thị trường cụ thể, đồng thời sử dụng hiệu quả các kênh phân phối tại các thị trường này thông qua việc kết nối với các nhà phân phối đưa hàng và các siêu thị lớn và các cửa hàng bán lẻ.

Mặc dù, Anh sắp dời khỏi khối EU nhưng các nước thường đặt trung tâm ở đây. Đơn cử, chuỗi Tesco F&F là chuỗi siêu thị chính. Ở đây bán mặt hàng thời trang, cao cấp, tầm trung, phổ thông.

GS Sangeeta Khorana – chuyên gia quốc tế dự án EU – MUTRAP cho hay, DN Việt Nam có thể tiếp cận các cửa hàng thời trang, hoặc các cửa hàng nhượng quyền thương hiệu.

Ngoài các hệ thống phân phối hiện đại, cửa hàng bán lẻ, DN có thể tự bán hàng trên các trang mạng xã hội.

“Có nhiều thương hiệu tốt của Việt Nam chưa tiếp cận được với người tiêu dùng. DN nên tận dụng kênh bán hàng rất hiệu quả hiện nay là internet để tiếp cận người tiêu dùng. Giao dịch trên mạng hoàn toàn có thể thực hiện được”, GS. Sangeeta Khorana chia sẻ.

Bên cạnh việc đáp ứng xuất xứ hàng hóa, mở rộng hệ thống phân phối bán lẻ tại thị trường EU, DN cần chú ý đến tình trạng chống bán phá giá và chống trợ giá xuất khẩu của EU.

Khi sản phẩm bị nước nhập khẩu phát hiện chống phá giá và áp thuế chống phá giá phía nhà xuất khẩu phải chứng minh rõ không gây thiệt hại đáng kể cho các DN nội địa.

Trong trường hợp không chứng minh được nhà xuất khẩu phải chịu thuế chống phá giá lên sản phẩm xuất khẩu. Nếu như để rơi vào tình trạng này không những không được hưởng thuế suất bằng 0% mà còn phải chịu cao hơn.

Thanh Giang