Khôi phục nét đẹp áo dài nam truyền thống
Từ lâu, chiếc áo dài đã là một trang phục gắn bó với cuộc sống sinh hoạt, văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, theo thời gian, bóng dáng của những chiếc áo dài nam truyền thống không còn xuất hiện nhiều và khiến không ít người tiếc nuối.
Ông Nguyễn Đức Bình thực hiện thao tác quấn khăn vấn, một phụ kiện đi liền với bộ trang phục áo dài nam truyền thống của người Việt.
Đừng quá cách tân
Mới đây, tại buổi tọa đàm “Áo dài nam truyền thống và tính ứng dụng trong đời sống đương đại”, các khách mời đã có những chia sẻ về hiện trạng áo dài nam Việt Nam, những nguy cơ, thách thức để giữ gìn nét đẹp vốn có của trang phục này trong đời sống hội nhập.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo chia sẻ: “Chiếc áo dài là một trang phục thông dụng cho đời sống hàng ngày cũng như các nghi thức, nghi lễ.
Ở các mức độ, tầng lớp khác nhau nó luôn mang những nét đẹp truyền thống của người Việt.
Tuy nhiên, khi người phương Tây sang nước ta khiến cho mọi thứ đều bị thay đổi, chính tà áo dài nam cũng nằm trong số đó. Nó bị lấn áp của sơ mi, của giày da, của những bộ vest cho nên phần nào bị mai một và cách tân nhiều theo thời gian”.
Ông Nguyễn Đức Bình- chủ nhiệm nhóm Đình làng Việt cho biết thêm: “Có nhiều sự nhầm lẫn về giá trị của chiếc áo dài. Ví dụ như hiện nay xu hướng may áo dài mà chúng ta hay gọi là cách tân đó, tôi không coi đó là cách tân. Bởi vì cách tân nó phải bám vào nét truyền thống, mà chiếc áo dài đó lại không hề có được điều đó, đưa những sáng tạo mới vào, đôi khi còn phảng phất những nét của Ấn Độ hay Trung Quốc… dài quá thì giống Trung Hoa còn ngắn quá thì lại giống Ấn Độ. Như vậy nét đẹp truyền thống của tà áo dài nam Việt hầu như không được các nhà thiết kế đón nhận và phát huy nó”.
Theo ông Bình, ngày xưa không bao giờ áo dài nam dùng các màu sắc quá sặc sỡ đó thể hiện tính cách của người đàn ông Việt luôn khoan thai, đứng đắn không bao giờ thích phô trương hay khoe mẽ, ngược lại rất giản dị.
Chúng ta đều biết, ranh giới giữa làm đẹp và phá hỏng là rất mong manh, nó phục thuộc rất nhiều vào cách mà người ta tạo ra chiếc áo dài cách điệu.
Bảo tồn di sản truyền thống
Ông Nguyễn Đức Bình nói: “Nam giới bây giờ có nhiều người khi mặc tà áo dài đa phần đều cảm thấy ngại ngùng, xấu hổ, tôi thấy như thế cũng hơi đáng tiếc. Chúng ta nên cảm thấy tự hào vì điều đó chứ, tự hào về đất nước ta có một bộ trang phục truyền thống đẹp như vậy chứ. Chúng ta phải thực sự coi đây là một di sản cần phải được gìn giữ, chính bản thân chúng ta cũng phải thấy rõ được những tinh hoa có trong tà áo dài nam của người Việt. Đặc biệt không nên gán ghép nó với những điều xấu, những vấn đề không tốt để dần dần có một cái nhìn tốt đẹp hơn với tà áo dài truyền thống. Có như vậy mới có thể có khả năng khôi phục được những nét đẹp truyền thống trong tà áo dài nam Việt Nam”.
Áo dài nam cũng như áo dài nữ, chúng ta có quyền được cách điệu, cách tân nó đi để sao cho phù hợp với đời sống hàng ngày cũng như xu hướng phát triển của xã hội.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá tập trung vào việc làm thay đổi cho tươi mới mà quên đi những nét đẹp truyền thống đã được ông cha ta gây dựng suốt bao đời nay.
Tùy từng cảm xúc, tùy từng suy nghĩ, thời đại mà tà áo dài góp phần cho cuộc sống sinh động hơn, nhiều màu sắc hơn. Nhưng cũng không thể bỏ quên hay làm mai một đi những di sản quý báu có từ xa xưa được. Những sự biến đổi có thể hợp lý, nhưng nó phải đi liền với những sự tinh túy nhất chứ không nên quá chạy theo cái mới.
Ông Phạm Sanh Châu- trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cũng chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng, tình yêu đối với văn hóa truyền thống, với nét đẹp của dân tộc là một tình yêu rất mãnh liệt nó có thể nhạt nhòa lúc này hoặc lúc khác nhưng nó vẫn luôn là một dòng chảy rất mạnh trong dòng máu của mỗi người Việt. Tôi hi vọng rằng, càng ở những thế hệ về sau, tinh thần yêu văn hóa đó càng được rộng lớn hơn”.
Thực tế cho thấy, tà áo dài của cả nam và nữ đã trải qua nhiều lần biến đổi tương đối ổn định và hoàn chỉnh, phần nào đó đã dần được xuất hiện nhiều hơn trong những dịp lễ, Tết của người Việt.
Tuy nhiên, có thể vì quá đam mê tới việc làm mới nó mà người ta quên đi rằng có những nét đẹp cần phải được gìn giữ và bảo tồn một cách có hệ thống và khoa học.
Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức trăn trở: “Hiện nay cũng chưa có bộ trang phục nào đại diện cho quốc phục của nước ta cả, vậy tại sao chúng ta không sử dụng những gì chúng ta đang có, những nét đẹp truyền thống hàng ngàn đời nay của dân tộc ta, chiếc áo dài nó thể hiện sự độc lập tự cường và nét đẹp của cả một đất nước, một dân tộc qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, nó xứng đáng là quốc phục của người Việt, một di sản cần phải được gìn giữ”.