Chuyện người đàn ông tật nguyền bán vé số lấy tiền vá đường
Ngày nào cũng vậy ông Ba Dân, tên đầy đủ Nguyễn Hồng Dân (51 tuổi, ngụ khu vực 1, phường Trà Nóc), lê đôi chân tật nguyền, hì hục vật lộn với chiếc xe ba gác chở đầy xi măng, cát, đá rong ruổi trên các tuyến đường ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ để vá miễn phí các ổ gà, ổ voi, với mong muốn mọi người đi đường được an toàn.
Toàn bộ số tiền mua vật liệu vá đường đều được Ba Dân tích góp từ tiền bán vé số hàng ngày...
Ông Ba Dân tự chạy xe ba gác đi vá đường (Ảnh: Nhật Hạ).
Bán vé số để lấy tiền vá đường
Thoạt nhìn cứ ngỡ Ba Dân đã ngoài 60, bởi khuôn mặt ngăm đen, hốc hác, hằn sâu những nếp chân chim; đôi tay gân guốc chai sần; dáng người nhỏ thó. Có lẽ cuộc mưu sinh quá nhiều vất vả, gian truân đã khiến ngoại hình của ông trở nên già dặn hơn tuổi đời rất nhiều.
Bất kể mưa nắng, cứ mỗi buổi sáng trên chiếc xe đạp cà tàng, người dân ở khu vực quận Bình Thuỷ đã quen với hình ảnh của Ba Dân trên tay tập vé số với tiếng rao sang sảng - công việc thường ngày gắn bó với ông mấy chục năm qua.
Ông Ba Dân chia sẻ, cơn sốt bại liệt hồi năm 2 tuổi đã cướp đi chân phải lành lặn của ông. Bằng quyết tâm vượt lên hoàn cảnh, những năm qua, ông có thể làm được tất cả mọi việc như một người khỏe mạnh bình thường hay làm.
Chiếc xe đạp hàng ngày đồng hành với Ba Dân đi lang thang khắp các quán cà phê, quán ăn, thậm chí các chợ cá ẩm ướt để bán vé số. Vừa thấy ông hiền lành, chịu thương chịu khó nên ai cũng thương mua ủng hộ vé số.
Ông Ba Dân chia sẻ, nghề này cũng rất bấp bênh, ngày nào “hên” bán hết vé số thì kiếm được khoảng 200 ngàn đồng, hôm nào không được may mắn hoặc gặp trời mưa phải trả lại cho đại lí may ra thì huề vốn, cũng có hôm ông bị các đối tượng xấu giật toàn bộ vé số, không biết lấy tiền đâu mà bù.
Tuy gia cảnh nghèo khó là vậy nhưng cuộc sống của gia đình Ba Dân rất hạnh phúc và ông mãn nguyện vì điều này.
Ông tâm sự: “Tôi có 3 đứa con đều đã lập gia đình và đi làm ăn xa. Nhưng tụi nó lúc nào cũng hiếu thảo và nghe lời cha mẹ. Hiện tại, chỉ có 2 vợ chồng tôi thuê trọ sống ở đây. Hằng ngày tôi đi bán vé số, còn vợ tôi thì mở tiệm tạp hóa nhỏ buôn bán tại nhà trọ để kiếm đồng ra đồng vào. Tuy không khá giả như người ta nhưng cuộc sống có con cái hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận là hạnh phúc”.
Nói đến vợ ông Ba Dân, bà Ngô Thị Phường (50 tuổi) là một người phụ nữ đảm đang, bao dung. Nhớ lại chuyện hồi trẻ, khi bà và ông nên duyên vợ chồng, bà vui vẻ kể lại: “Hồi đó thấy ổng tuy tật nguyền nhưng chịu khó làm ăn, tính tình hiền lành, thật thà, không nhậu nhẹt nên bà con lối xóm ai cũng thương, rồi tôi cũng mến. Lúc đầu, cha mẹ tôi biết nên ngăn cản dữ lắm, nhưng thấy tôi quyết tâm, rồi khi tiếp xúc với ổng thấy tính tình tốt nên cha mẹ tôi dần dần có cảm tình và đồng ý cưới”.
Nặng nợ với các con đường
Theo Bà Dân cách đây gần chục năm, vợ chồng ông theo con lên Bình Dương làm ăn. Tại đây, ông cũng đi bán vé số, trên đường đi gặp nhiều ổ gà ổ voi, chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông chết người từ các ổ gà, ổ voi thấy thương tâm, từ đó ông Bà Dân phát tâm vá đường từ thiện cho đến nay. “Cuộc đời tôi giống như nặng nợ với các con đường, đi đâu cứ thấy đường hư là tôi tìm mọi cách để sửa cho bằng được...” – ông Bà Dân chia sẻ.
Dù đôi chân tật nguyền nhưng ông Ba Dân vẫn say mê với công việc thiện nguyện (Ảnh: Nhật Hạ).
Lúc đầu bàn với vợ con việc mình sẽ dùng tiền kiếm được hàng ngày để vá đường từ thiện, những tưởng sẽ vấp phải sự phản đối từ gia đình, nhưng ngược lại Ba Dân lại nhận được sự ủng hộ hết mình của mọi người trong gia đình, lại khiến ông thôi thúc làm cho bằng được. Từ đó, những con đường có vết xe đạp của Ba Dân đi qua, là nơi đó có những vết xi măng được trám xuống.
Sau một thời gian ở Bình Dương, gia đình Ba Dân lại chuyển về Rạch Giá, Kiên Giang mưu sinh. Tại đây, hễ thấy đoạn đường nào có ổ gà, ổ voi Ba Dân lại cặm cụi vá. Ban đầu, “đồ nghề” của ông chỉ có xô nước và 2 chiếc bay để trát xi măng.
Nhưng sau đó thấy ổ gà nhiều quá, ông mạnh dạn mua luôn một chiếc xe ba gác với giá 1,4 triệu đồng để chở được nhiều vật liệu vá đường hơn.
Được khoảng 2 năm, ông Ba Dân lại cùng vợ lại trở về Cần Thơ thuê trọ sống tại phường Trà Nóc, quận Bình Thủy cho đến nay. Trên đường đi bán vé số, để ý những đoạn có ổ gà ổ voi rồi đánh dấu, tính xem cần mua bao nhiêu xi măng, bao nhiêu cát đá cho đủ vá. Độc đáo hơn Ba Dân còn quan tâm đến thời tiết rồi mới tính tới ngày vá đường.
Thấy ông Ba Dân trộn hồ một cách điêu luyện lấy làm thắc mắc trước đây ông có từng làm thợ hồ không?, ông cười trả lời: “Tôi có học gì đâu, thấy người ta làm sao thì tôi làm vậy, nhắm chừng làm chứ đâu biết chia tỉ lệ xi măng, cát, đá là bao nhiêu đâu...”.
“Nghĩ cũng mắc cười, thấy tôi tật nguyền ngồi giữa đường tô tô, trét trét không ít người thắc mắc. Thậm chí có người biết tôi tự bỏ tiền ra làm đường lại có thái độ dè bỉu, nói tôi thân còn lo chưa xong mà làm chuyện bao đồng, tôi mặc kệ. Tôi thích thì tôi làm thôi” – ông Ba Dân chia sẻ.
Ông Ba Dân còn tâm sự thêm, ở quê cha có cho miếng đất. Sau này nếu có tiền mình cất một căn nhà khang trang, còn không ở nhà lá cũng được, càng mát. Giờ chỉ cần có sức khỏe để đi vá đường cho người ta đừng té là vui rồi. Ngoài ra, không mong gì hơn”.
“Cũng có lúc đang ngồi vá đường, có người đến dúi vào túi áo tôi 50 ngàn, 100 ngàn nói là phụ tiền vá đường tôi cũng vui vẻ nhận, xem như người ta đã có lòng thiện góp của, mình thì góp công” – ông Ba Dân nói.
Chị Trần Thị Phương, (46 tuổi), ngụ số 89/8 Nguyễn Chí Thanh, P. Trà Nóc chia sẻ: “Tôi thấy anh Ba đi vá đường thương lắm, nắng nôi vất vả nhưng ảnh làm vui vẻ chẳng nền hà, ảnh tự làm thôi chứ không ai ép gì đâu. Thấy ảnh vậy tôi cũng áy náy trong lòng, con người ảnh không lành lặn như người khác nhưng làm được những việc người lành lặn khác không làm được...”.
Trao đổi với Đại đoàn kết, ông Tăng Giang Sơn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Trà Nóc cho biết, “Chú Ba về sống tại địa bàn Trà Nóc gần 2 năm nay.
Mặc dù bị khuyết tật, hoàn cảnh lại khó khăn phải ở nhà trọ, nhưng với tinh thần vì cộng đồng, vì xã hội. Chú Ba bán vé số lấy tiền để dặm vá đường cho bà con đi lại thuận tiện, hạn chế tai nạn xảy ra. Đây là một tấm gương điển hình người tốt việc tốt của địa phương.
Thời gian qua, địa phương chưa hỗ trợ cho chú được gì, đôi khi thấy chú làm một mình, tôi hoặc một số anh em dân quân tự vệ cũng sắn tay vào giúp chú. Ngoài ra tôi liên hệ với các cơ sở bán vật liệu xây dựng bán giảm giá, thậm chí bán chịu để chú có vật liệu dặm vá đường...”.