Không thành lập được chính phủ liên minh: Đức rơi vào thế bí

Khánh Duy 22/11/2017 08:30

Đối diện với tình trạng bế tắc chính trị có khả năng kéo dài sau khi đàm phán thành lập chính phủ liên minh hôm đầu tuần sụp đổ, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho hay bà mong muốn tổ chức cuộc bầu cử mới hơn là thành lập một chính phủ mà không có nhóm đa số trong Quốc hội.

Cung Cộng hòa Thủ đô Berlin.

Bế tắc

Đức đã bị đẩy vào cuộc khủng hoảng chính trị phức tạp trong nhiều tuần qua sau khi các vòng đàm phán nhằm hình thành chính phủ tiếp theo bị sụp đổ, gây ảnh hưởng lớn đối với Thủ tướng Merkel và làm dấy lên nhiều câu hỏi về tương lai chính trị của bà.

Đảng CDU của bà Merkel, hiện thiếu nhóm đa số trong Bundestag (Quốc hội Đức), đã bỏ ra nhiều tuần qua để đàm phán với 3 đảng chính trị khác để thành lập liên minh cầm quyền. Tuy nhiên kế hoạch này đã sụp đổ hoàn toàn khi đảng Dân chủ Tự do (FDP) rút khỏi các vòng đàm phán trong hôm đầu tuần do bất đồng về hàng loạt các vấn đề chính sách.

Phỏng vấn với Đài ARD trong sáng 21/11, bà Merkel nói rằng “hướng đi thành lập chính phủ thiểu số” nên được cân nhắc “rất, rất kỹ lưỡng”. “Tôi đang rất hoài nghi và tôi tin rằng các cuộc bầu cử mới là con đường tốt hơn”- bà Merkel nói.

Thủ tướng Đức cũng xác nhận rằng bà sẽ tiếp tục dẫn dắt đảng của mình qua bất kỳ cuộc bỏ phiếu mới nào. Bà cũng không loại trừ khả năng sẽ tổ chức thêm các cuộc đàm phán với các đảng khác, tuy nhiên các bước đi tiếp theo lại thuộc quyền quyết định của Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier.

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier kêu gọi các đảng nỗ lực hình thành chính phủ mới.

Bà Merkel đã gặp gỡ với ông Steinmeier trong hôm đầu tuần để thảo luận về các lựa chọn hiện nay. Phát biểu sau cuộc họp này, ông Steinmeier đã mô tả tình hình hiện nay là chưa từng có tiền lệ và kêu gọi các đảng trong nước cùng làm việc để hình thành một chính phủ.

Tuy nhiên bà Merkel không phải lãnh đạo đảng duy nhất lên tiếng hoài nghi về hiệu quả của các vòng đàm phán tiếp theo. Ông Martin Schultz, lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội - đảng lớn thứ hai trong Quốc hội Đức chỉ sau CDU - đã nói rằng các cuộc bầu cử mới là “con đường đúng đắn” cho nước Đức.

Hiện nay, tình trạng bế tắc này đang làm dấy lên quan ngại về bất ổn chính trị ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Vì sao đàm phán sụp đổ?

Bà Merkel từng kỳ vọng sẽ xây dựng một liên minh bao gồm đảng CDU của bà, đảng Liên minh Xã hội công giáo (CSU), đảng FDP và đảng Greens. Đảng FDP rời khỏi bàn đàm phán sau khi 4 đảng khác bị lỡ thời hạn chót để giải quyết các bất đồng của họ.

“4 đối tác thảo luận đã không đưa ra được một tầm nhìn chung về việc hiện đại hóa đất nước hay niềm tin căn bản”- Christian Lindner, lãnh đạo đảng FDP nói và cho rằng: “Thà không quản lý còn hơn là quản lý yếu kém”.Phát biểu trong hôm đầu tuần, ông Lindner đã thể hiện sự nuối tiếc khi các vòng đàm phán sụp đổ, nhưng nói rằng đảng của ông sẽ không lấy các nguyên tắc cốt lõi ra để thỏa hiệp.

Được biết các đảng nói trên đã thất bại trong vòng đàm phán do bất đồng về một số chính sách - bao gồm quyền được đoàn tụ ở nước Đức của những người tị nạn và căng thẳng bắt đầu gia tăng.

Đảng FDP đổ lỗi cho liên minh CDU/CSU vì đàm phán thất bại, đảng Greens cảm ơn bà Merkel và lãnh đạo đảng CSU Horst Seehofer vì đã nỗ lực đàm phán một cách công bằng, trong khi cáo buộc đảng FDP rút khỏi đàm phán mà không đưa ra được lý do thỏa đáng.

Lựa chọn hạn chế

Sau khi không thể giải quyết bất đồng với đảng FDP, hiện nay các lựa chọn của bà Merkel rất hạn chế.

Đảng SDP, đối tác còn non trẻ của đảng CDU của bà Merkel, đã loại trừ khả năng làm mới cái mà họ gọi là “Liên minh lớn” ngay từ đêm bầu cử hồi tháng 9 vừa qua và cũng nhắc lại quan điểm này trong hôm đầu tuần. Đảng SDP cũng không mong muốn hình thành một liên minh khi đã để mất vị thế đảng đối lập lớn nhất vào tay đảng AfD.

Khối liên minh CDU/CSU của bà Merkel vẫn có thể cố gắng hình thành một chính phủ thiểu số cùng với đảng FDP hoặc đảng Greens, nhưng điều này rất khó có thể xảy ra và chưa từng thành công.

Trong trường hợp tất cả lựa chọn đều thất bại, Tổng thống Steinmeier sẽ có thẩm quyền khởi động một tiến trình phức tạp có thể dẫn tới một cuộc bầu cử mới tổ chức trong năm sau. Tuy nhiên, các lá phiếu thăm dò gần đây nhất cho thấy sự ủng hộ giành cho các đảng không khác gì như trong hôm bầu cử vừa qua, có nghĩa rằng tình trạng bế tắc hiện nay vẫn có thể lặp lại dù có tổ chức thêm một cuộc bầu cử khác.

Khánh Duy