Đổi mới ở thôn Đông
Từ một xã nghèo của miền trung du sỏi đá, nhờ thực hiện các cuộc vận động của Mặt trận, thôn Đông, xã Duy Phiên, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc đang vươn lên, từng bước đổi mới. Trong thành công đó có vai trò quan trọng của trưởng ban Công tác Mặt trận Vũ Xuân Lành.
Ông Vũ Xuân Lành.
Đến thôn Đông bây giờ, không còn thấy cảnh độc canh cây lúa như trước đây mà thay vào đó, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao theo hướng trở thành hàng hóa có giá trị cao như cà chua, bí, ớt và các loại rau màu khác.
Một số hộ như gia đình anh Bình Kiệm, anh Chí Hoàn, anh Vinh Toán, anh Quân Thư, ông Tính Khu… đã chuyển đổi từ trồng trọt sang thả cá, chăn nuôi thủy cầm, gia cầm, gia súc có năng suất, chất lượng cao. Một số hộ có điều kiện chuyển sang làm dịch vụ, đầu tư mua máy làm đất, máy tuốt lúa. Các hộ nói trên không những đã tạo được nguồn thu nhập ổn định cho gia đình mà còn góp phần phục vụ cho xã hội. Thôn không còn hộ đói, giảm hộ nghèo.
Có được như ngày hôm nay, phải kể đến công lao của ông Vũ Xuân Lành, trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đông. Nhiều năm qua, ông Lành đã phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp nâng cao kiến thức cho nhân dân về khoa học kỹ thuật trên các lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi, dịch vụ theo Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc về nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nhiều hộ dân ở đây đã tự nguyện hiến đất cho địa phương làm đường giao thông nông thôn, đường dân sinh nội đồng.
Từ năm 2014 đến nay, đã có hơn 90 hộ hiến đất vườn, đất canh tác để làm đường với tổng diện tích trên 12,6 nghìn mét vuông. Điển hình là gia đình ông Xuyên Thái, anh Dũng Tuấn… Ngoài ra, người dân còn đóng góp hơn 57 triệu đồng cùng xã chỉnh trang, sửa chữa nhà văn hóa.
Thực hiện nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, tang, lễ hội và kỷ niệm các ngày truyền thống, hàng năm thôn duy trì mừng thọ cho các cụ cao tuổi vào ngày mùng 4 Tết nguyên đán tại nhà văn hóa đồng thời thực hiện hương ước không tổ chức khao thọ. Đám cưới không mở loa đài quá thời gian quy định, đảm bảo vui vẻ, an toàn, tiết kiệm cho gia đình và cộng đồng.
Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn, đáp nghĩa”, “tương thân, tương ái”… Cả thôn có 11 tổ liên gia và họ đã cùng các đoàn thể vận động nhân dân ủng hộ quỹ Vì người nghèo, ủng hộ đồng bào bị thiên tai.
Từ đó, khoảng cách giầu nghèo giữa các hộ dân được rút ngắn, mọi người xích lại gần nhau hơn làm cuộc sống thêm ấm áp, vơi đi những lo toan thường ngày. Người nghèo được học tập, phổ biến để nâng cao kiến thức, được vay vốn ngân hàng và từng bước thoát nghèo, phát triển vươn lên thành hộ khá, hộ giàu.
Thôn Đông vào vụ rau đông xuân. Ảnh Quang Huy.
Trong những năm qua, 11 tổ dân cư và nhiều cá nhân tiêu biểu ở đây đã được biểu dương do có nhiều cố gắng trong phong trào của thôn. Bình quân, hàng năm thôn bình xét được 281/300 hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, chiếm 94%. Thôn nhiều năm liền đạt danh hiệu Làng văn hóa, các chi hội, chi đoàn, đoàn thể đạt đơn vị tiên tiến… 100% trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường, 100% số trẻ được tiêm đúng, tiêm đủ các loại vaccine…
Những thành tích đạt được nói trên làm thôn Đông hừng sáng, năm 2013, ông Vũ Xuân Lành đã được Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc tặng bằng khen. Ông còn được UBTƯ MTTQ Việt Nam tặng bằng khen tại Hội nghị biểu dương Chủ tịch Mặt trận cấp xã và trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc.