Về thăm quê của trạng Quỳnh

Khuynh Diệp 23/11/2017 08:15

Qua cầu Nguyệt Viên bắc sông Mã, chúng tôi sang xã Hoàng Lộc ở huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), không khỏi không ngỡ ngàng trước truyền thống hiếu học cùng những câu chuyện huyền thoại về một vùng đất bên tả ngạn hạ nguồn sông Mã.

Ông Nguyễn Trường Thành (phải) Chủ tịch Hội khuyến học xã Hoàng Lộc giới thiệu truyền thống hiếu học của xã.

Ông Nguyễn Trường Thành, Chủ tịch Hội khuyến học xã Hoàng Lộc tự hào kể: Để cổ vũ tinh thần học tập của con em trong xã, từ xưa người Hoàng Lộc đã biết xây dựng “mô hình học tập” độc đáo gọi là “Làng văn”.

“Làng văn” là nơi tập hợp những người hiếu học để làm nhiệm vụ khuyến khích, cổ vũ con em đi học và khi thi phải đạt điểm cao.

Làng còn có trách nhiệm thay nhau thắp hương nơi có bia Văn chỉ và tổ chức các buổi bình thơ như một loại tao đàn ở nông thôn.

Không dừng ở sinh hoạt “Làng văn”, người Hoàng Lộc góp tiền, góp công xây dựng “Bảng môn đình” - địa chỉ dành cho những người đỗ đạt trong các kỳ thi hoặc biết nuôi chí lập nghiệp bằng con đường học tập và thi cử.

Theo truyền thống, người dân xã Hoàng Lộc thi đỗ cao hay thấp, làm quan to hay nhỏ nhưng thanh liêm chính trực lại biết thương dân nghèo. Họ là những người được rèn luyện tài và đức ngay từ lúc còn ở quê.

Đặc biệt, Nguyễn Quỳnh (Trạng Quỳnh) tuy chỉ đỗ Hương cống thời Lê nhưng khí tiết thẳng thắn cộng trí thông minh thiên phú, ông đã sử dụng rất hiệu quả những sáng tác văn, thơ của mình đả kích trực diện bọn tham quan ô trọc cùng những thói hư, tật xấu đời thường. Nhân dân phong cho ông hai từ đầy cảm phục: “Trạng Quỳnh”.

Nguyễn Quỳnh sinh ngày 1/1/1677 tại thôn Hương Tiến, xã Hoàng Lộc, mất ngày 28/1/1748. Ba thế kỷ đi qua, ngôi nhà ba gian, mái ngói và những cánh cửa ván rêu phong vẫn khép hờ như chờ đón Trạng Quỳnh về với cố hương.

Ông Thành cho biết, Hoàng Lộc là đất học, dù có làm nông cũng phải lấy kiến thức khoa học kỹ thuật áp dụng...

Người Hoàng Lộc muốn giàu có phải lấy trí thức của sự học mà làm ăn, không thể bám vào sản xuất nông nghiệp đơn thuần được.

Trong tổng số 1.617 hộ và gần 5.000 nhân khầu của toàn xã chỉ có 30% sống bằng nghề nông. Cuộc sống còn khó khăn nhưng sự học vẫn được người dân ở đây đặt lên hàng đầu.

Ở đây, hầu như nhà nào cũng chăm sóc con cái học hành. Cách đây 71 năm ở Hoàng Lộc đã có trường tư thục Nghĩa Hưng, năm 1957 đổi thành trường Tố Như. Nơi đây đã ghi dấu ấn nhiều giáo sư danh tiếng.

Ông Thành tổng kết: “Hơn 60 năm, người Hoàng Lộc đã góp cho đất nước 39 Giáo sư – tiến sỹ và trên 1.000 người có trình độ đại học”.

Để giữ gìn tinh thần hiếu học, dẫu có thành đạt nơi đất khách, người Hoàng Lộc vẫn dành tình cảm và vật chất đối với quê hương như một sự tri ân, góp phần nhỏ nuôi dưỡng phong trào khuyến học Hoàng Lộc.

Doanh nhân Nguyễn Đức Thắng - Chủ tịch một tập đoàn bất động sản là một ví dụ. Từ năm 2015 ông đã ký hợp đồng với Hội khuyến học Hoàng Lộc mỗi năm hỗ trợ 40 triệu đồng để thưởng học sinh giỏi thi đoạt giải cao và chăm sóc con em nhà nghèo hiếu học.

Khuynh Diệp