Nông thôn 'khát' nước sạch
Sự kém hiệu quả của những công trình nước sạch công cộng đã xuống cấp, biến đổi khí hậu và tác hại của bão lũ, sự thờ ơ của chính quyền ở nhiều địa phương… đã đang khiến cho khu vực nông dân nông thôn, nơi chiếm gần 70% dân số cả nước đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.
Thực trạng nhức nhối ấy ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dân, tác động không nhỏ tới sự phát triển kinh tế, xã hội.
Nước sạch đến với bà con huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng (Ảnh: Văn Đức-C.X).
Chỉ 42% người dân nông thôn có nước sạch
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNN), toàn quốc có khoảng 84,5% người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Trong đó, vùng có số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh cao nhất là Đông Nam bộ với 94,5%, đồng bằng sông Hồng với 91%, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với 88%.
Tỷ lệ số dân được tiếp cận nước hợp vệ sinh thấp nhất là vùng Bắc Trung bộ, là 81%, song đây lại là vùng có số dân nông thôn cao thứ 4/7 vùng trong toàn quốc.
Tuy nhiên, theo kết quả báo cáo của Chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới (NTM), mặc dù tỷ lệ 84,5% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, song số hộ dân nông thôn thụ hưởng nước sạch đạt chuẩn của Bộ Y tế (QCVN 02/2009/BYT) mới chỉ chiếm 42%.
Cùng với đó, chỉ có khoảng 32% hộ dân được sử dụng nước từ các công trình cấp nước tập trung, còn lại 68% là từ các công trình giếng đào, giếng khoan, bể chứa nước mưa...
Nguồn nước người dân sử dụng không đảm bảo an toàn, do biến đổi khí hậu và bão lũ, đặc biệt do sự phát triển kinh tế “bỏ quên” công tác bảo vệ môi trường, khiến nguồn nước bề mặt và dưới lòng đất bị ô nhiễm nặng.
Cụ thể, theo kết quả giám sát chất lượng nguồn nước sinh hoạt của người dân nông thôn ở nhiều vùng trong toàn quốc, do Bộ TNMT quan trắc cho thấy, chất lượng nguồn nước khai thác có sự ô nhiễm vi sinh cục bộ. Nhiều vùng có sự ô nhiễm kim loại nặng.
Tỉnh Thanh Hóa, qua kiểm tra có tới 61/74 xã trong khu vực điều tra nguồn nước sinh hoạt có hàm lượng asen vượt tiêu chuẩn cho phép, tập trung ở các huyện Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Hậu Lộc, Yên Định.
Tại Bình Định, qua kiểm tra 95% các giếng khoan dân dụng bị nhiễm khuẩn với coliform và ecoli ở mức cao. Tại Hải Phòng, 56% số mẫu nước trên tổng số 100 mẫu trong khu vực có nồng độ clo dư không đạt tiêu chuẩn vệ sinh.
Tại Đông Nai, hơn 40% giếng khoan kiểm tra có nhiễm phèn. Đó là chưa kể ở hâu hết các khu công nghiệp, làng nghề, khai khoáng, điện than, phân bón… báo cáo của Bộ TNMT chỉ ra sự ô nhiễm nguồn nước đã có xu hướng mở rộng và cấp số nhân cho khu vực nông dân nông thôn.
Ông Hoàng Dương Tùng- phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) cho biết, ô nhiễm nước sinh hoạt ở nông thôn đang thực sự nhức nhối do tác động của nhiều chuỗi hoạt động từ trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất công nghiệp, làng nghề, sự phát thải từ khu công nghiệp, sản xuất, các khu đô thị giáp ranh… thiếu kiểm soát khiến nguồn nước bị đe dọa.
Sức khỏe người dân luôn đặt trong tình trạng báo động. Đã xuất hiện “làng ung thư”, làng nhiều trẻ em bị mắc bệnh tiêu hóa, đường ruột. Nguy cơ thực sự tồn tại.
Theo thống kê của Bộ Y tế, gần 90% dân cư Việt Nam bị nhiễm các loại giun, sán đường tiêu hóa. Các bệnh tiêu chảy, hội chứng lỵ, lỵ trực khuẩn là 3 trong số 10 bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất, trong đó tiêu chảy là bệnh đứng thứ 6 trong các bệnh có tỷ lệ tử vong lớn nhất. Điều đáng nói, số người mắc các bệnh này tập trung phần lớn ở khu vực nông thôn.
“Cha chung không ai khóc”
Thống kê cho thấy, hiện toàn quốc có 14.991 công trình nước sạch nông thôn, với tổng giá trị khoảng 19.654 tỷ đồng được giao cho các đơn vị, doanh nghiệp quản lý. Cụ thể, UBND xã đang quản lý 12.614 công trình (chiếm 84,6%), đơn vị sự nghiệp công lập quản lý 1.860 công trình (chiếm 12,475), doanh nghiệp quản lý 437 công trình (chiếm 2,93%).
Tỷ lệ các công trình do địa phương quản lý chiếm 84,6%, song 25% số công trình này hoạt động kém hiệu quả, thậm chí không hoạt động, tập trung chủ yếu ở 20 tỉnh thành thuộc khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Tây Nguyên (số liệu của Ủy ban quốc gia về nước sạch và vệ sinh an toàn môi trường nông thôn).
Nguyên nhân của tình trạng này là các công trình nước nông thôn ở nhóm đối tượng “cha chung không ai khóc”. Nhà nước đầu tư giao cho cấp xã, song cơ quản quản lý trực tiếp lại luôn lúng túng cơ chế sửa chữa do không có kinh phí khi công trình xuống cấp.
Người dân đổi ngược không đóng tiền. Nhiều công trình bỏ hoang hóa, sản xuất cầm chừng được chăng hay chớ, nguồn nước vì thế ô nhiễm.
Kết quả kiểm tra của Trung tâm Y tế dự phòng TP Hải Phòng về chất lượng nước của 100 công trình nước sạch nông thôn trên địa bàn cho thấy, có tới 95 công trình có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.
Tại Quảng Bình, trong 103 công trình cấp nước sạch nông thôn có tới 26 công trình không hoạt động, 14 công trình hoạt động kém hiệu quả, 36 công trình hoạt động trung bình.
Tại Thanh Hóa, nhiều nơi người dân phải đi hàng km để chở nước sinh hoạt khi giếng khoan và cung cấp nước của nhiều xã không đảm bảo.
Tại Thái Bình, mặc dù đã có dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước, cung cấp nước sinh hoạt cho 6 xã của huyện Đông Hưng nhưng hàng nghìn hộ dân vẫn chưa được sử dụng nước sạch…
Bà Hạ Thanh Hằng- phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nguồn nước và nước sạch nông thôn, Tổng cục Thủy lợi, Bộ NNPTNT cho biết, trình độ dân trí, đặc biệt công tác quản lý địa phương có quá nhiều bất cập khiến các công trình nước sạch nông thôn nhiều nơi có như không.
Để khắc phục vấn đề này, Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn việc đấu thầu các công trình nước sạch phục vụ người dân khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, vướng mắc địa phương và những chế tài “đặc thù” kiểu địa phương, đang khiến nhiều doanh nghiệp thiếu mặn mà đầu tư, đặc biệt người dân dường như chưa thích ứng với việc “phải đóng tiền” mới được dùng nước sạch.
Theo thống kê của Bộ Y tế, gần 90% dân cư Việt Nam bị nhiễm các loại giun, sán đường tiêu hóa. Các bệnh tiêu chảy, hội chứng lỵ, lỵ trực khuẩn là 3 trong số 10 bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất, trong đó tiêu chảy là bệnh đứng thứ 6 trong các bệnh có tỷ lệ tử vong lớn nhất. Điều đáng nói, số người mắc các bệnh này tập trung phần lớn ở khu vực nông thôn. |