Tọa đàm 'Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười'

Lan Hương 23/11/2017 16:33

Chiều 23/11 tại Hà Nội, Ủy ban Hòa bình Việt Nam, Hội đồng Hòa bình Thế giới và Hội Hữu nghị Việt-Nga phối hợp tổ chức Tọa đàm “Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười”.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam Phạm Văn Chương nhấn mạnh: Cách đây tròn một thế kỷ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích Nga đứng đầu là V.I.Lênin, Cách mạng Tháng Mười thắng lợi đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử loài người.

Những người lao động đã đứng lên giành lấy chính quyền để xây dựng một xã hội hoàn toàn mới.

Cách mạng Tháng Mười không chỉ làm thay đổi số phận của nhân dân lao động Nga và cả dân tộc Nga, mà còn là nguồn cảm hứng và động lực cho các phong trào đấu tranh của những người lao động trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Đồng quan điểm khi nhắc về ý nghĩa to lớn mà cách mạng tháng 10 Nga, PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Nga cũng khẳng định: Điều làm chúng tôi cảm phục nhất là, trong lúc còn đang cam go đánh thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ngay từ năm 1953, Liên Xô đã tiếp nhận đào tạo sinh viên, thực tập sinh, nghiên cứu sinh để chuẩn bị nguồn nhân lực trí thức cho Việt Nam trong tương lai với số lượng đợt đầu là 200 người.

“Giúp Việt Nam như vậy, nhưng cuộc sống người Nga, nhất là vào những năm đầu của thập kỷ 50 còn vất vả trăm bề. Trong các chung cư, mỗi gia đình chỉ vẻn vẹn có chục mét vuông, sáng ra chỉ có bánh mì đen với cốc nước trà đen. Nhưng họ sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho các dân tộc, trong đó có Việt Nam không lời ta thán. Các công dân, cựu chiến binh, cụ già nghỉ hưu, các cháu học sinh… thường xuyên tới cơ quan sứ quán Việt Nam biểu thị tình cảm sâu nặng với nhân dân Việt Nam đang chịu nhiều hi sinh để giữ nước, nhờ chuyển những món quà bình dị, nhỏ nhoi về cho đồng bào trong nước. Nhiều cựu chiến binh cứ nằng nặc xin tình nguyện sang chiến đấu bên cạnh quân dân Việt Nam…” - PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh nói.

Cũng theo PGS TS Nguyễn Hồng Vinh tính từ năm 1953 đến hết năm 1990, Liên Xô đã giúp Việt Nam đào tạo khoảng 52.000 cán bộ khoa học - kỹ thuật, trong đó có hơn 30.000 cử nhân, hơn 3.000 phó tiến sĩ, hơn 200 tiến sĩ khoa học cùng hàng ngàn công nhân kỹ thuật.

Trong số những cán bộ đó, có nhiều người đã trở thành những cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước.

Lan Hương