Kỳ vọng buýt đường sông
Ngày mai, 25/11, tuyến tàu vận tải hành khách công cộng (buýt sông) trên sông Sài Gòn từ quận Thủ Đức về quận 1 (TP HCM) sẽ chính thức khai trương đón khách.
Vẫn còn nhiều việc phải làm để xe buýt đường sông trở thành phương tiện giao thông hấp dẫn.
Đây là tuyến buýt đường sông số 1, bên cạnh nhiều tuyến nữa đã được thành phố phê duyệt với kỳ vọng nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải đường sông, kết nối các quận huyện trung tâm và ngoại thành, thậm chí với các tỉnh lân cận.
Tuy nhiên, thực tế có thu hút được hành khách hay không lại cần thời gian kiểm chứng.
Ông Bùi Xuân Cường, giám đốc Sở GTVT thành phố cho biết, hệ thống xe buýt đường sông sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để giảm tải cho giao thông đường bộ, giảm mật độ phương tiện và tránh ùn tắc cũng như tăng các giải pháp chọn lựa cho người dân.
Xe buýt đường sông cũng là một phương tiện tốt thu hút khách du lịch, ngắm thành phố từ lòng sông.
Ngoài tuyến buýt số 1 từ bến Bạch Đằng (quận 1) đi bến Linh Đông (quận Thủ Đức) thì các tuyến số 2 từ bến Bạch Đằng đi bến Lò Gốm (quận 8) và các tuyến tiếp theo được quy hoạch từ bến Bạch Đằng đi Cần Giờ, Củ Chi hay thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu)... cũng đã chuẩn bị thực hiện theo lộ trình.
Nếu thành công, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân, giao thông đường thủy sẽ là một phương tiện đặc trưng của thành phố vì nhiều ưu điểm như hệ thống sông ngòi nhiều, đan xen, kết nối và lại ngắn hơn so với đường bộ.
Ông Cường cũng cho biết, Sở GTVT sẽ điều chỉnh hoạt động một số tuyến xe buýt trên bộ để hành khách thuận lợi kết nối với buýt đường sông.
Một số tuyến xe điện nhỏ cũng được sử dụng để đưa đón khách từ các khu vực công cộng ở trung tâm quận 1 tới bến Bạch Đằng để thuận tiện cho khách đi buýt đường sông.
Về việc trợ giá, hiện chưa có quyết định chính thức vì còn chờ đánh giá hiệu quả của mô hình này.
Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty Thường Nhật thì trong 10 ngày đầu tiên, hành khách tham gia đi tàu sẽ được miễn phí toàn bộ giá vé.
Đây là chương trình nhằm thu hút và tạo điều kiện để người dân thay đổi thói quen di chuyển đường bộ sang đường thủy.
“Mặc dù chỉ có chiều dài là 10,8km nhưng tuyến buýt này có tới 9 trạm lên xuống đón trả khách. Các trạm này nằm rải rác ở các quận 1, quận 2, Bình Thạnh, Thủ Đức... nên cũng rất thuận lợi cho người tham gia giao thông bằng phương tiện này.
Với 4 chiếc chứa 80 người/tàu, buýt đường sông kỳ vọng sẽ vận tải được hàng ngàn lượt mỗi ngày, góp phần đáng kể vào việc giảm áp lực giao thông đường bộ. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay chỉ là sự hưởng ứng của người dân”, ông Toản chia sẻ.
Dù có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng thực tế đã chứng minh, không dễ để thay đổi thói quen di chuyển của người từ đường bộ sang đường thủy. Nếu không nhận được hưởng ứng của người dân thì sẽ không thể duy trì được hoạt động.
Hơn nữa, khoảng cách từ các bến tàu tới các tuyến đường bộ, khung giờ cao điểm hành khách tăng đột biến, phương tiện dự phòng chưa đủ đáp ứng cũng là nhược điểm không dễ khắc phục một sớm một chiều, khi so sánh tính hiệu quả với các phương tiện vận tải cá nhân khác.
Vì thế, mặc dù rất kỳ vọng nhưng cũng không dễ để buýt đường sông là một phương tiện tối ưu của người dân TP HCM trong ngắn hạn.