Thị trường Trung Đông - Châu Phi: Giàu tiềm năng nhưng không dễ tiếp cận
Trung Đông – Châu Phi là khu vực giàu tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, nhất là khi thị trường này không có nhiều tiêu chuẩn quá khắt khe đối với hàng Việt. Tuy nhiên nó tiềm ẩn khá nhiều rủi ro đối với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam khi họ không nắm được rõ thông tin và bất ổn trong vấn đề thanh toán tài chính.
Giới thiệu hàng Việt tại Trung Đông. (Nguồn: VINASA).
Ẩn chứa nhiều rủi ro
Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, năm 2016, kim ngạch nhập khẩu của Châu Phi đạt khoảng 480 tỷ USD. Dự báo đến năm 2020, Châu Phi sẽ nhập khẩu khoảng 1.200 tỷ USD hàng hóa các loại. Đối với khu vực Trung Đông, năm 2016, kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 807 tỷ USD và đến năm 2020 dự kiến sẽ lên tới 1.500 tỷ USD. Những con số này cho thấy, có rất nhiều dư địa để các DN Việt Nam xuất khẩu hàng hóa và thị trường rộng lớn này.
Tiềm năng là vậy, song để tiếp cận được khu vực thị trường này không phải chuyện đơn giản. Bộ Công thương cho biết, Bộ đã phải giải quyết khá nhiều vướng mắc của DN khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Đông, đơn cử như hàng hóa sang Ai Cập phải đăng ký với chính quyền của nước này. Không chỉ khó ở thị trường Ai Cập, tại một số nước Trung Đông khác còn tăng thuế nhập khẩu lên 10% đối với nhiều mặt hàng khiến cho sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam bị suy giảm.
Tại Châu Phi, theo bà Nguyễn Minh Phương, Vụ thị trường châu Á- Châu Phi (Bộ Công thương), khu vực này có 55 nền kinh tế với những quy định khác nhau và ngặt nghèo. Ví dụ như Nigeria, để có một mã sản phẩm dược phẩm đăng ký xuất khẩu sang thị trường này, DN phải mất 3-5 năm, thậm chí chi phí để mời cơ quan quản lý của Nigeria sang Việt Nam, DN cũng phải chi trả. Sau khi cơ quan này đi khảo sát, đánh giá và đồng ý thì DN mới được xuất khẩu. Bên cạnh đó, nhiều rào cản kỹ thuật, bảo hộ thị trường được dựng lên ở một số nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Ixraen càng khiến DN Việt Nam rất khó tiếp cận.
Một vấn đề nữa là khó khăn trong khâu thanh toán. Trên thực tế, tập quán thanh toán của DN Châu Phi, Trung Đông ít khi dùng thanh toán bằng L/C mà chủ yếu dùng D/P. Vì thế các DN Việt rất e ngại vấn đề này. Thêm vào đó, gần đây, có một vấn đề phát sinh là nhiều DN Trung Quốc khi xuất khẩu sang Ai Cập đã chấp nhận cho thanh toán chậm, cho nợ trong khi đó các DN Việt Nam luôn yêu cầu được thanh toán ngay. Trong bối cảnh nguồn thu ngoại tệ của Ai Cập giảm, nhà nước thắt chặt ngoại tệ khiến DN ít có cơ hội tiếp cận nguồn ngoại tệ thì sẽ khó tránh khỏi việc DN Ai Cập sẽ chọn DN Trung Quốc thay vì DN Việt Nam để được thanh toán sau.
Tăng cường hỗ trợ
Là một DN đã xuất khẩu một số mặt hàng nông sản, trong đó phần lớn là xuất khẩu gạo sang thị trường Châu Phi, ông Hoàng Quốc Thuận, Công ty TNHH Thương mại Quốc Thuận chia sẻ, Châu Phi là một lục địa chứ không phải là một nước. Vì thế khi kinh doanh tại châu Phi, DN cần đầu tư thời gian để nghiên cứu kỹ về luật pháp, thể chế, các quy định cụ thể liên qua đến lĩnh vực kinh doanh của mình. Tránh việc không nắm rõ thông tin tại thị trường này khiến cho DN có thể gặp phải những rủi ro khi giao dịch với các đối tác.
Giới chuyên gia kinh tế nước ngoài cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần thuê các chuyên gia Châu Phi hỗ trợ DN Việt Nam trong việc kết nối với Việt Nam xây dựng đội ngũ tư vấn luật thương mại, luật đầu tư của các nước châu Phi; tư vấn thị trường và tìm kiếm đối tác. Mặt khác, Chính phủ Việt Nam cũng cần xây dựng công cụ hỗ trợ phát triển kinh tế Việt Nam – Châu Phi như tín dụng xuất khẩu, tín dụng đầu tư, bảo hiểm đầu tư, vận tải (đường biển, hàng không...). Bên cạnh đó, thiết lập hệ thống đại lý ngân hàng trực tiếp giữa ngân hàng Việt Nam và ngân hàng Châu Phi; xây dựng mạng lưới ngân hàng Việt Nam – Châu Phi...
“DN hai nước hiện nay đang trong tình trạng không nắm được hoặc không hiểu các điều kiện kinh doanh. Điều này dẫn tới tình huống khó khăn trong kinh doanh khiến DN nản lòng. Nếu chúng ta tạo điều kiện để thông tin về các điều kiện và thủ tục pháp lý cho DN tiếp cận thì sẽ dễ dàng hơn cho các DN khi làm ăn kinh doanh, gồm các thông tin về các ưu đãi trong kinh doanh và thủ tục xin visa...” - bà Kgomotso Ruth Magau - Đại sứ nước Cộng hòa Nam Phi nêu quan điểm.