Dự án BVĐK tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2 xin hỗ trợ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ chối
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẳng định, Dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2 không thuộc đối tượng được đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ.
Sau những “lùm xùm” và hàng loạt sai phạm tại Dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn (Báo Đại đoàn kết đã từng phản ánh), mới đây, ngày 4/10/2017, UBND tỉnh Lạng Sơn tiếp tục có Tờ trình số 95/TTR-UBND gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị hỗ trợ kinh phí thực hiện Dự án giai đoạn 2 với số tiền 761 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẳng định Dự án giai đoạn 2 không thuộc đối tượng được đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ.
Ngày 26/12/2010, Dự án BVĐK tỉnh Lạng Sơn có quy mô 700 giường bệnh được khởi công xây dựng. Dự kiến, Dự án này phải hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2015. Tuy nhiên, đến thời điểm 31/12/2015, Dự án BVĐK tỉnh Lạng Sơn thực hiện chậm tiến độ, các hạng mục thi công dang dở, trong khi ngân sách trung ương đã bố trí đủ vốn trái phiếu chính phủ là 891 tỷ 907 triệu đồng, ngân sách địa phương mới bố trí 10 tỷ đồng và còn thiếu 97 tỷ 974 triệu đồng.
Theo Bộ Tài chính đánh giá, riêng trong quá trình khảo sát địa chất không đảm bảo đã dẫn đến việc trong quá trình thi công Dự án bệnh viện gặp đá cứng phải dịch chuyển công trình làm phát sinh chi phí, gây lãng phí vốn đầu tư số tiền hơn 47 tỷ đồng.
Mặt khác, UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt điều chỉnh quy mô của Dự án, tăng tổng mức đầu tư vượt quá khả năng của nguồn vốn dẫn đến triển khai các hạng mục không đồng bộ. Đến nay, UBND tỉnh Lạng Sơn đã 8 lần phê duyệt điều chỉnh Dự án đầu tư BVĐK tỉnh Lạng Sơn. Do không có vốn, UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt điều chỉnh thành hai giai đoạn với tổng mức đầu tư là 1.760 tỷ 917 triệu đồng, tăng so với phê duyệt lần đầu là 761 tỷ 036 triệu đồng.
Giai đoạn 1 của Dự án bao gồm các hạng mục chủ yếu của Dự án (nhà A, B, C, D, E, G, nhà Cầu ) sau khi đầu tư hoàn thành chưa thể đưa vào vận hành khai thác vì thiếu thiết bị do đầu tư không đồng bộ. Ngoài ra, công tác đấu thầu thực hiện Dự án cũng xảy ra hàng loạt sai phạm. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã từng nhận xét: “Việc UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt điều chỉnh tăng quy mô, tăng tổng mức đầu tư của Dự án từ 999 tỷ 881 triệu đồng lên 1.760 tỷ 917 triệu đồng dẫn đến không đảm bảo nguồn vốn để thực hiện Dự án theo tiến độ, phải điều chỉnh Dự án thành 2 giai đoạn, thực hiện đầu tư không đồng bộ và không thể đưa công trình vào hoạt động khi Dự án hoàn thành dẫn đến nguy cơ gây lãng phí lớn và không phát huy được hiệu quả nguồn vốn trái phiếu chính phủ như đã nêu trên là chưa đúng theo Quyết định 930/QĐ-TTg ngày 30/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các bệnh viện chuyên khoa và một số bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh thuộc vùng miền núi khó khăn, sử dụng vốn trái phiếu chính phủ”.
Theo đề xuất của UBND tỉnh Lạng Sơn, Dự án giai đoạn 2 dự kiến có tổng mức đầu tư 761 tỷ 036 triệu đồng, đề xuất sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác với mục tiêu đầu tư một số hạng mục còn thiếu như Khoa truyền nhiễm, Khoa y học cổ truyền…và một số trang thiết bị.
Sau khi nhận được Tờ trình của UBND tỉnh Lạng Sơn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến rằng, Dự án được UBND tỉnh Lạng sơn phê duyệt với tổng mức đầu tư là 999 tỷ 881 triệu đồng, trong đó vốn trái phiếu chính phủ là 891 tỷ 907 triệu đồng, vốn ngân sách địa phương là 107 tỷ 974 triệu đồng. Dự án đã được bố trí đủ vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2012-2015 và 2014-2016 và cơ bản hoàn thành giai đoạn 1.
“Căn cứ vào Mục h, Khoản 5, của Nghị quyết số 62/NQ- CP ngày 17/9/2015 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2015 có quy định về đối tượng các dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2016-2020: Các chương trình, dự án mới chỉ tập trung chủ yếu cho các dự án lớn trong 3 lĩnh vực hạ tầng giao thông, thủy lợi, bệnh viện trung ương và một số địa phương từ khi đổi mới đến nay chưa được đầu tư bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh nên Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn không thuộc đối tượng được đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2017-2020. Đối với nguồn ngân sách trung ương, Dự án này không thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Lạng Sơn…”- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương khẳng định.