Vẽ rắn thêm chân?
Việc Bộ Tài nguyên & Môi trường ban hành Thông tư số 33/2017/TT -BTNMT, quy định ghi tên tất cả thành viên trong gia đình vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi chung là sổ đỏ) đang trở thành tâm điểm bàn luận của cộng đồng xã hội. Một số ý kiến đồng thuận với quy định trên vì cho rằng sẽ tránh được tranh chấp phát sinh. Song, đại bộ phận dư luận xã hội lại cho rằng, đây là việc làm vẽ rắn thêm chân, làm rối rắm thêm thủ tục hành chính.
Cụ thể, tại Điểm c, Khoản 5, Điều 6 Thông tư 33 quy định: Hộ gia đình sử dụng đất thì sổ đỏ phải ghi họ tên, năm sinh, số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình (hoặc đại diện là thành viên khác nếu chủ hộ không có quyền sử dụng chung); địa chỉ thường trú của hộ gia đình. Tiếp đó liệt kê đầy đủ, lần lượt họ tên, năm sinh, số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Tóm lại là trong sổ hộ khẩu có bao nhiêu người thì liệt kê cho bằng hết đủ cả tên, tuổi, số giấy tờ nhân thân...
Một số ý kiến cho rằng việc liệt kê danh sách tên tất cả những người trong gia đình sẽ tránh được việc sau này phát sinh tranh chấp giữa các thành viên đồng sở hữu tài sản. Với việc ghi rõ tên tuổi, giấy tờ nhân thân thì sẽ dễ dàng hơn cho cơ quan chức năng quản lý, phân định quyền về tài sản khi xảy ra tranh chấp... Nghe ra thì có vẻ hợp lý, song thực chất là việc làm thừa không cần thiết, bởi với quy định của pháp luật hiện hành thì cũng không thể xảy ra tranh chấp tài sản giữa những người được đồng sở hữu theo quy định của pháp luật.
Đơn cử, chiếu theo các đạo luật: Đất đai, Dân sự, Hôn nhân và gia đình... thì tài sản là bất động sản phát sinh trong thời kỳ hôn nhân, dù chỉ ghi tên chồng (hoặc vợ) thì khi chuyển dịch dưới các hình thức: Biếu, cho, tặng, mua, bán, sang nhượng... đều buộc phải có ý kiến và chữ ký của người còn lại (dù không có tên trong sổ đỏ). Bất kỳ công chứng viên của văn phòng công chứng nào, dù là công chứng tư hay công chứng nhà nước cũng không thể ký hợp đồng công chứng khi vắng mặt thành viên gia đình đồng sở hữu tài sản trên theo quy định của pháp luật, dù họ không hề có tên trên sổ đỏ.
Với hành lang pháp lý chặt chẽ như vậy thì làm sao có thể phát sinh tranh chấp tài sản, mà dù có phát sinh tranh chấp thì có lý gì cơ quan chức năng lại không thể phân xử êm gọn? Vậy thì việc lấy lý do tránh phát sinh tranh chấp, tạo điều kiện cho cơ quan chức năng phân xử dễ dàng quyền sử dụng tài sản là thiếu sức thuyết phục. Đó là còn chưa kể trong trường hợp gia đình tứ đại đồng đường, thậm chí ngũ đại đồng đường mà chưa tách sổ hộ khẩu, với việc quy định phải ghi tên đầy đủ các thành viên trong gia đình thì quyển sổ đỏ sẽ phải cần bao nhiêu trang để ghi cho hết tên, tuổi, số giấy tờ nhân thân?
Việc ghi đầy đủ tên, tuổi, số giấy tờ nhân thân của các thành viên trong gia đình không chỉ khiến quyển sổ đỏ dày tương đương với sổ hộ khẩu, mà còn gây phiền toái cho cả cơ quan chức năng có trách nhiệm cấp sổ đỏ cũng như những người được cấp sổ đỏ. Không phiền toái sao được khi các thành viên trong gia đình phải chứng minh nhân thân bằng cách gửi đến cơ quan chức năng đầy đủ các loại giấy tờ từ sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân... Cơ quan chức năng thay vì việc chỉ cần kiểm soát giấy tờ của một vài người chủ sở hữu thực sự của tài sản thì nay phải căng đầu ra để kiểm soát giấy tờ của cả một “huyện người”, liệu có tránh khỏi nhầm lẫn, sai sót?
Ngay cả khi những người thực thi công vụ có dồn hết tâm sức vào việc kiểm soát giấy tờ nhân thân của tất cả các thành viên trong gia đình thì liệu có đảm bảo được tính pháp lý của quyển sổ đỏ (theo quy định của Thông tư 33) khi giấy tờ nhân thân của một vài thành viên trong gia đình “có vấn đề”? Cụ thể, với trẻ chưa tròn 14 tuổi sao có thể làm được thẻ căn cước hoặc chứng minh thư nhân dân? Không lẽ trong trường hợp này sổ đỏ sẽ để trống để điền sau? Với một số trẻ có mã số định danh, còn lại nhiều trẻ không có mã số định danh, đặc biệt là người lớn thì sổ đỏ sẽ ghi thế nào? Tất nhiên là chiếu theo quy định của Thông tư 33 thì một quyển sổ đỏ mà ghi thiếu nhiều mục như vậy sẽ không có giá trị pháp lý rồi.
Còn nữa, theo quy định của Bộ luật Dân sự, tài sản được sở hữu bởi những thành viên trong gia đình có công đóng góp, gây dựng. Vậy thì đa số các trường hợp tài sản là bất động sản là của cha mẹ, chứ con cái hầu như không có đóng góp gì (mà dù có đóng góp cũng khó xác định nếu như không muốn nói là không thể xác định). Vậy thì việc quy định ghi tên của cả con cái vào tài sản chỉ do bố mẹ làm ra để “đồng sở hữu” với quyền định đoạt tương đương như nhau là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật dân sự. Chẳng thế mà Giáo sư Đặng Hùng Võ đã thẳng thắn nói rằng: Những người đề xuất quy định này chẳng hiểu gì về pháp luật dân sự.
Có thể Giáo sư Đặng Hùng Võ có hơi nặng lời, song nhận định của ông là hoàn toàn có cơ sở. Việc Bộ TNMT ban hành Thông tư 33 quy định liệt kê danh sách toàn bộ thành viên gia đình vào sổ đỏ là thiếu tính khoa học, không hợp lý, trái với quy định của một số đạo luật có liên quan. Hành lang pháp lý hiện hành đang “quản” rất tốt về việc sở hữu cá nhân, đồng sở hữu tài sản là bất động sản, vậy thì có lý gì chúng ta lại phải vẽ rắn thêm chân, tạo thêm sự rườm rà về thủ tục hành chính, gây phiền toái cho không chỉ cá nhân, hộ gia đình, mà còn khiến cơ quan chức năng vốn đã việc ngập đầu càng thêm vất vả. Cải tiến là phải cải thiện để tiến về phía trước, đừng bước giật lùi về phía sau.