Luật An ninh mạng: Quan trọng là tiền kiểm
Ngày 23/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Luật An ninh mạng. Trước tình hình thông tin xấu, mã độc lấy cắp thông tin người dùng, một số đại biểu đã bày tỏ quan điểm yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu trên lãnh thổ Việt Nam.
ĐBQH phát biểu tại hội trường ngày 23/11. (Ảnh:Quang Vinh).
Phải đặt máy chủ quản lý dữ liệu tại Việt Nam
“Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu trên lãnh thổ Việt Nam”- ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nói. Từ đó ông đưa ra phân tích: Môi trường thông tin mạng không khác gì môi trường xã hội. Trong môi trường xã hội có gì thì ở môi trường mạng có cái đó, tốt cũng nhiều mà xấu cũng không ít. Cái xấu trong môi trường mạng tác động vào bộ não con người, làm băng hoại tư tưởng, làm sai lệch nhận thức, dẫn đến những hành vi sai trái.
Điều nghịch lý là các hành vi tấn công nguy hiểm như vậy nhưng người bị tấn công vẫn phải trả tiền cho nhà mạng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thu lợi nhuận rất cao, trong khi đó cơ quan quản lý nhà nước lại không quản lý được thu nhập, làm thất thoát một lượng tiền lớn của Nhà nước. Nghĩa vụ của Nhà nước là phải loại bỏ thông tin độc hại cho người dùng và phải chống thất thu thuế của Nhà nước. Cho nên Luật An ninh mạng phải góp phần giải quyết 2 nhiệm vụ đó.
“Việc cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp nước ngoài là thu lợi nhuận, đã thu lợi nhuận ở Việt Nam thì phải bình đẳng như các doanh nghiệp khác. Ta chỉ yêu cầu đặt máy chủ, quản lý người dùng Việt Nam chứ không phải đặt toàn bộ máy chủ dữ liệu vì máy chủ dữ liệu cung cấp cho nhiều quốc gia chứ không chỉ cho một nước cụ thể. Yêu cầu này đã được 14 nước trên thế giới như: Mỹ, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ… yêu cầu các nhà mạng thực hiện nhiệm vụ này. Các nước đó làm được, sao chúng ta không làm được”-ông Cầu nói.
Cùng chung quan điểm, theo ĐB Triệu Tuấn Hải (Lạng Sơn), thời gian qua hoạt động tấn công mạng vào các lĩnh vực như: Ngân hàng tài chính, quản lý bay, cơ quan nhà nước tại Việt Nam cao gấp đôi so với mức trung bình của thế giới, và đang là nước bị tấn công mạng nhiều nhất. Chưa kể các thế lực thù địch lợi dụng mạng để xâm phạm an ninh trật tự, xã hội do đó bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng là cần thiết. Vừa qua các cơ quan chức năng yêu cầu gỡ bỏ hàng chục nghìn thông tin xấu trên mạng nhưng có tình trạng doanh nghiệp nước ngoài không chấp hành. Vì vậy cần yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ Internet phải đặt máy chủ tại Việt Nam, và coi đó là một trong những điều kiện để cấp giấy phép kinh doanh.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) và ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) bày tỏ phân vân khi yêu cầu buộc doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông Internet cho người dùng ở Việt Nam phải đặt máy chủ quản lý dữ liệu tại Việt Nam. Bởi theo bà Thúy, quy định như vậy là mâu thuẫn với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Còn ông Hiếu đặt vấn đề: “Chúng ta bắt ép các công ty đặt máy chủ nhưng họ tắt máy đi và sử dụng công nghệ đám mây thì chúng ta làm gì được?, Cho nên cần tăng cường quản lý mạng xã hội, tăng cường mức phạt như ở Đức phạt tới 50 triệu Euro việc thông tin không chính xác”.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Lao Động).
Kiểm soát thiết bị nhập khẩu
ĐB Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) nhìn nhận, không gian mạng bao phủ hầu hết các vấn đề trong đời sống xã hội vì vậy cần bổ sung các quy định tác chiến mạng nhằm đáp ứng bảo vệ không gian mạng trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên theo bà Mẫn, các hành vi bị cấm trong Luật còn chung chung, trùng lặp do đó cần nghiên cứu bổ sung các hành vi vi phạm để đảm bảo tính chặt chẽ như bổ sung hành vi hướng dẫn tìm cách xâm nhập chiếm quyền điều khiển, chiếm lĩnh thông tin, khủng bố mạng… bởi thực tế có người phát hiện được lỗ hổng nhưng không xâm nhập mà hướng dẫn người khác xâm nhập nên quy định như vậy mới không bỏ lọt tội phạm.
Theo ĐB Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi), hiện nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng mạng để nói xấu chế độ, Đảng. Nhiều vụ tấn công mạng gây ảnh hưởng thiệt hại về kinh tế, xã hội nên việc ban hành Luật là cần thiết tạo cơ sở để ứng phó và xử lý. Do đó cần có chính sách đào tạo nguồn nhân lực để tác chiến trên mạng là vấn đề quan trọng, vì năng lực trình độ nguồn nhân lực là yếu tố quyết định. Cho nên cần đầu tư phát triển nguồn nhân lực có trình độ để ngăn chặn tấn công mạng từ bên ngoài vào.
Giải trình, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, việc ban hành Luật là nhằm bảo vệ quốc gia, người dân trước cuộc cách mạng công nghệ 4.0 khi tình hình an ninh mạng trên thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, nhất là tình hình gián điệp, nguy cơ chiến tranh mạng đang uy hiếp đến chế độ và cuộc sống bình yên của người dân. Do đó việc ban hành sẽ giúp cho lực lượng Công an, Quân đội, và nhân dân chủ động đấu tranh, các biện pháp phòng ngừa ngăn chặn trên không gian mạng để ngăn ngừa việc tấn công vào hạ tầng máy tính Việt Nam, vì vậy Bộ sẽ tiếp thu chỉnh lý hoàn thiện Dự thảo luật.
Bộ Tài chính đàm phán, ký kết vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài Cùng ngày, với 85,74% ĐBQH tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý nợ công sửa đổi. Luật có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng như siết chặt quy định về nợ Chính phủ vay về cho vay lại, nợ Chính phủ bảo lãnh, trách nhiệm người đứng đầu, thống nhất đầu mối quản lý nợ công. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, thay vì 3 cơ quan đầu mối như trước. Luật cũng giao Chính phủ phân công cụ thể nhiệm vụ, cơ chế phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong quản lý nhà nước về nợ công. |