Luật Giáo dục cần đột phá để đổi mới toàn diện
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục, trong đó đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo.
Ảnh minh họa. (Nguồn VGP).
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, sau hơn 11 năm thực hiện Luật Giáo dục, tổ chức và hoạt động giáo dục đã ổn định và phát triển phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao.
Tuy nhiên, thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội đã đặt ra cho nền giáo dục những yêu cầu mới về chất lượng, trình độ nguồn nhân lực, sự đổi mới hệ thống và phương thức giáo dục đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Bởi vậy, Luật giáo dục cần phải tạo ra những cơ chế, chính sách mang tính đổi mới, tạo bước đột phá nhằm định hướng và tạo hành lang pháp lý đầy đủ phục vụ cho sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Do vậy, việc sửa đổi bổ sung Luật giáo dục là cần thiết.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu rõ những nội dung cơ bản của dự thảo Luật. Theo đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo. Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 4. Hệ thống giáo dục quốc dân. Việc sửa đổi, bổ sung hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo.
Hệ thống giáo dục được thiết kế theo hướng đơn giản hóa các luồng di chuyển của người học trong hệ thống; tạo điều kiện cho người học có thể dễ dàng chuyển đổi giữa chương trình, trình độ đào tạo; người dân có cơ hội tích luỹ kiến thức và học tập suốt đời.
Đảm bảo tính tương thích với các hệ phân loại giáo dục chung của quốc tế và đảm bảo tính so sánh được của các trình độ, các loại văn bằng. Thiết lập được hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng tạo điều kiện tối đa cho người học. Hệ thống giáo dục sẽ là hệ thống mở, linh hoạt, phục vụ người học, phục vụ xã hội; tạo cơ hội để mọi người học tập suốt đời theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW.
Việc sửa đổi, bổ sung quy định về hệ thống giáo dục quốc dân bảo đảm tính thống nhất, liên thông, liên kết, phù hợp giữa các ngành nghề, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bảo đảm tính ổn định và tính thống nhất tương đối của các quy định pháp luật về hệ thống giáo dục tại các luật về giáo dục đào tạo (Luật giáo dục, Luật giáo dục đại học, Luật giáo dục nghề nghiệp).
Bên cạnh đó, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định về giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên để đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở, định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông; xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc sửa đổi, bổ sung quy định của Luật về chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa nhằm: Tạo ra sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông thông qua việc xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hoá và hội nhập quốc tế; tiếp cận trình độ giáo dục phổ thông của các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới…