Ứng dụng công nghệ thông tin giúp hạn chế trục lợi quỹ Bảo hiểm y tế
Được triển khai từ năm 2015, hệ thống thông tin giám định BHYT đã kết nối với 99,6% các cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên phạm vi toàn quốc. Ngành BHXH cũng phối hợp với ngành y tế chuẩn hóa danh mục sử dụng tại hơn 12 nghìn cơ sở y tế.
Theo BHXH Việt Nam, từ khi chính thức vận hành vào năm 2015 đến nay, hệ thống giao dịch điện tử đã giúp công tác quản lý, theo dõi trực tuyến công tác tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính về lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN công khai, minh bạch và chuyên nghiệp.
Cụ thể trong giai đoạn 2012 - 2017, BHXH Việt Nam đã triển khai 46 hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) (giai đoạn 2012 - 2015 có 21 hoạt động, giai đoạn 2016 là 7 hoạt động, kế hoạch của năm 2017 là 18 hoạt động).
Một số ứng dụng CNTT trong quản lý các lĩnh vực còn lại như quản lý nhân sự, tổng hợp và phân tích dữ liệu tập trung ngành BHXH… đang có kế hoạch triển khai trong thời gian tới.
Hệ thống thông tin giám định BHYT đã giúp công tác quản lý khám chữa bệnh, giám định và thanh toán được thực hiện minh bạch, chặt chẽ.
Hệ thống có cổng tiếp nhận, là nơi trao đổi thông tin giữa cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan BHXH, cung cấp công cụ tra cứu, quản lý thông tuyến, chuyển tuyến, kiểm tra thẻ BHYT, thông báo kết quả giám định.
Đặc biệt, các cơ sở y tế có thể liên thông các kết quả xét nghiệm, khai thác tiền sử bệnh tật, kết quả điều trị của người bệnh BHYT, tránh trùng lặp chỉ định, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả điều trị.
Bên cạnh đó, phần mềm giám định được xây dựng để thực hiện giám định điện tử 100% hồ sơ đề nghị thanh toán, tích hợp trên 200 quy tắc phát hiện hồ sơ trùng lặp, sai mức hưởng, sai danh mục, sai giá, sai các quy định về khám chữa bệnh.
Đặc biệt phần mềm giám sát cũng cung cấp các bản đồ trực quan giúp phân tích, đánh giá và phát hiện nhanh chóng các biến động bất thường, gia tăng lượt khám chữa bệnh.
Đặc biệt, bản đồ dịch tễ giúp theo dõi đánh giá tình hình bệnh tật, tỷ lệ hiện mắc, mới mắc của các bệnh mạn tính, cấp tính, đây là nguồn thông tin quan trọng để giám sát dịch bệnh và chủ động dự phòng bệnh tật.
Đến nay, hệ thống thông tin giám định BHYT đã tiếp nhận và giám định trên 120 triệu hồ sơ điện tử với gần 70 nghìn tỷ đồng đề nghị thanh toán BHYT, tỉ lệ liên thông dữ liệu toàn quốc tháng 9 đạt 95,3%.
Qua giám định tự động hồ sơ đề nghị thanh toán, hệ thống đã phát hiện 17,9 triệu hồ sơ sai sót, trong đó từ chối thanh toán 400 tỷ đồng, yêu cầu cơ sở khám chữa bệnh chuẩn hóa lại dữ liệu đã sai danh mục Bộ Y tế quy định với gần 3.000 tỷ đồng.
Về ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp, tính đến nay, BHXH Việt Nam đã cung cấp 14 thủ tục hành chính mức độ 3 và 4 với lượng hồ sơ trực tuyến phát sinh rất lớn, trong đó nhiều nhất là hơn 18,5 triệu hồ sơ của thủ tục hành chính cho đơn vị tham gia lần đầu, điều chỉnh đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Kết quả của việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của BHXH có những kết khả khá ấn tượng, số lượng thủ tục hành chính (TTHC) từ 115 TTHC năm 2015 giảm xuống còn 28 TTHC (tính đến 1/7/2017) với nhiều hình thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả để doanh nghiệp lựa chọn như: giao dịch điện tử, giao dịch qua dịch vụ bưu chính…
Các dịch vụ công trực tuyến của BHXH Việt Nam đã giúp các đơn vị tham gia BHXH chủ động thời gian nộp hồ sơ (có thể nộp hồ sơ 24/24 kể cả ngày lễ, ngày nghỉ) giúp các cá nhân, doanh nghiệp tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng chi phí đi lại, chuyển phát, in ấn.
Đặc biệt, đã giúp giảm thời gian thực hiện TTHC của các doanh nghiệp, đơn vị tham gia BHXH, BHYT từ 335 giờ/năm xuống còn 45 giờ/năm.