Lo ngại sốt rét trở lại

Mai Lan 26/11/2017 06:30

Mới đây, việc một bé 5 tháng tuổi và một bé 3 tuổi ngụ tại Đăk Nông mắc sốt rét và điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.Hồ Chí Minh sau nhiều năm bệnh ít xuất hiện ở trẻ em đã gây nên lo ngại dịch có thể bùng phát trở lại. Theo các chuyên gia y tế, sốt rét biểu hiện với các cơn sốt, sau đó rét run toàn thân, thay đổi thân nhiệt, thở nhanh, khát nước... với tỷ lệ tử vong do sốt rét ác tính thể não là 20-50%.


Diễu hành tuyên truyền về phòng, chống bệnh sốt rét Ảnh: VGP/Trầm Hương


Chỉ dấu cảnh báo
Bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh- trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, hai bệnh nhi được đưa vào viện liên tiếp vài ngày qua trong tình trạng sốt cao, thiếu máu. Kết quả xét nghiệm cho thấy hai bé đều có chỉ số ký sinh trùng sốt rét rất nặng. Cả hai bé đều ở Đăk Nông song ngụ hai huyện xa nhau và không có mối liên quan nào.

“Lâu rồi mới có trẻ nhập viện vì sốt rét, đặc biệt là các cháu liên tiếp nhập viện, nên địa phương phải rất cẩn trọng có thể dịch sốt rét trở lại”- BS Khanh nhận định. Ngoài ra theo BS Khanh, do bệnh sốt rét đã nhiều năm ít xuất hiện ở Việt Nam, đặc biệt trên trẻ em, nên các dấu hiệu bệnh có thể khiến bác sĩ bỏ sót và không chỉ định xét nghiệm tìm ký sinh trùng.

Theo BS Khanh, nếu không điều trị sốt rét kịp thời, trẻ có thể diễn tiến ác tính, thiếu máu nặng, suy hô hấp, gan to, lách to, tổn thương đa cơ quan và nhanh chóng tử vong trong 72 giờ. Thông thường trẻ mắc sốt rét chỉ có biểu hiện chủ yếu là sốt nên bác sĩ thiếu kinh nghiệm có thể dễ chẩn đoán nhầm.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, khuyến cáo sốt rét do tác nhân ký sinh trùng sốt rét Plasmodium gây ra. Sốt rét thể thông thường có thể biểu hiện với các cơn sốt, sau đó xuất hiện những đợt rét run toàn thân, môi tái, mắt quầng, nổi da gà, thay đổi thân nhiệt, thở nhanh, đau đầu, khát nước, hơi đau tức vùng gan lách... Sốt rét thể biến chứng, ác tính có dấu hiệu nổi bật là rối loạn ý thức, li bì hoặc vật vã, sốt cao liên tục, mất ngủ nhiều, nhức đầu dữ dội, nôn hoặc tiêu chảy nhiều, co giật kiểu động kinh, suy hô hấp. Bệnh nhân có thể bị suy thận, tiểu ít hoặc vô niệu, urê huyết cao, tiểu ra máu do tan máu ồ ạt... Tỷ lệ tử vong do sốt rét ác tính thể não 20-50%.

Với thể ký sinh trùng lạnh, tức người lành mang trùng, xét nghiệm máu cho thấy có hiện diện ký sinh trùng nhưng không gây sốt, người bệnh vẫn sinh hoạt và lao động bình thường. Trường hợp này hay gặp trong điều tra tại vùng sốt rét lưu hành. Phụ nữ có thai mắc sốt rét dễ bị biến chứng hoặc sảy thai, thai chết lưu hoặc đẻ non. Trẻ có thể mắc sốt rét bẩm sinh khi mẹ mang thai nhiễm sốt rét, có tổn thương tế bào rau thai ngăn cách giữa máu mẹ và con. Bệnh xuất hiện sớm ngay sau trẻ chào đời, bé thường quấy khóc, sốt, vàng da, gan lách to.

Sốt rét là căn bệnh nguy hiểm do muỗi truyền, đặc biệt dễ gây tử vong ở trẻ em. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính năm 2015 có 429.000 người chết vì sốt rét, chủ yếu tập trung ở châu Phi. Hiện hầu hết biện pháp phòng chống sốt rét chỉ nhắm vào muỗi. Cách đây hai năm, văcxin sốt rét ra đời nhưng chỉ tác dụng trên một phần ba trẻ em và chưa được WHO khuyến nghị sử dụng. Năm 2016, Việt Nam có 4.000 ca sốt rét, giảm 52% so với năm 2015. Chính phủ đặt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn sốt rét vào năm 2030.

Sốt rét kéo dài có thể dẫn đến tử vong
Theo BS Trương Hữu Khanh, sốt rét là bệnh truyền nhiễm do muỗi anophen lây truyền, thỉnh thoảng xuất hiện ở người lớn Việt Nam và hiếm khi có trẻ nhỏ mắc. Sốt rét phân biệt với bệnh khác với biểu hiện các cơn sốt cao liên miên, rét run toàn thân, môi tái, mắt quầng, nổi da gà. Khi sang giai đoạn ác tính, bệnh nhân có thể rối loạn ý thức, li bì hoặc vật vã, cuồng sảng, nói lảm nhảm, sốt cao liên tục, mất ngủ nhiều, nhức đầu dữ dội, nôn hoặc tiêu chảy nhiều, thể trạng nặng... Đặc biệt, sốt rét có liên quan chặt chẽ với môi trường và điều kiện kinh tế xã hội. Trên thế giới có khoảng 422 loài muỗi anophen nhưng chỉ có khoảng 70 loài truyền bệnh sốt rét, trong đó 40 loài muỗi truyền bệnh chính. Ở Việt Nam có 15 loài anophen truyền bệnh. Bệnh sốt rét phát triển quanh năm. Các tỉnh rừng núi miền Bắc có hai đỉnh bệnh vào đầu và cuối mùa mưa. Ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, sốt rét phát triển cao trong suốt mùa mưa.

BS Lê Hải Lợi- khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho hay, bệnh sốt rét lây truyền qua đường máu. Có bốn phương thức lây truyền là từ muỗi đốt, truyền máu có nhiễm ký sinh trùng sốt rét, mẹ truyền sang con qua nhau thai bị tổn thương, bơm tiêm dính máu có ký sinh trùng sốt rét. Miễn dịch sốt rét không đầy đủ và ngắn, do vậy có thể bị tái nhiễm ngay. Không có miễn dịch chéo nên một người có thể nhiễm đồng thời hai ba loại ký sinh trùng sốt rét.

Theo BS Lợi, giai đoạn đầu của bệnh sốt rét dễ nhầm với cảm sốt thông thường và chỉ có phết máu ngoại biên, soi dưới kính hiển vi mới tìm được ký sinh trùng sốt rét. Sốt rét kéo dài có thể dẫn đến tử vong do thiếu máu nặng bởi ký sinh trùng sốt rét gây tán huyết. Do đó, BS Lợi lưu ý, người dân sống trong vùng sốt rét lưu hành khi có biểu hiện sốt kéo dài cần nghĩ đến bệnh lý sốt rét và đi khám kết hợp xét nghiệm máu để được điều trị kịp thời. Khi nghi ngờ sốt rét, người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị. Phòng bệnh bằng cách ngủ mùng và diệt muỗi, diệt bọ gậy... Các nước có bệnh sốt rét đang lưu hành thì những người vào vùng sốt rét ngắn ngày, phụ nữ có thai ở vùng sốt rét, người mới đến định cư tại vùng sốt rét... đều được uống thuốc dự phòng. Ở Việt Nam hiện nay do bệnh sốt rét đã giảm mạnh nên không khuyến cáo uống thuốc phòng mà chỉ điều trị khi có bệnh.

Đầu năm nay, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương xác nhận ký sinh trùng sốt rét kháng artemisinin xuất hiện ở năm tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa, Gia Lai, Đăk Nông, Bình Phước và cảnh báo nguy cơ lây lan toàn quốc. Trước đó, ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc cũng xuất hiện tại Thái Lan, Myanmar, Lào. Thực tế các tỉnh miền Nam Việt Nam đang xuất hiện tình trạng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc do lây nhiễm từ biên giới phía tây Campuchia.

Mai Lan