TP HCM khuyến khích sử dụng công nghệ đốt – phát điện trong xử lý chất thải rắn

Thành Luân 26/11/2017 17:50

Tham dự Hội nghị chuyên đề kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt – phát điện, tổ chức ngày 26/11 tại Hội trường TP HCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, thành phố vừa được trao cơ chế đặc thù để phát triển, xây dựng đô thị thông minh, do đó trong thu hút đầu tư sẽ theo hướng thay đổi công nghệ xử lý rác và đến năm 2020 sẽ áp dụng các công nghệ biến rác thành năng lượng.


Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị.

Tại Hội nghị, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, để đối mặt với nhiều thách thức về ô nhiễm môi trường như kẹt xe, chống ngập và môi trường, TP HCM đang hướng đến việc quản lý chất thải rắn đô thị không đơn thuần là quản lý chất thải rắn sinh hoạt mà còn bao gồm vấn đề quản lý chất thải rắn công nghiệp, nguy hại, xây dựng y tế...

Trong đó, phương pháp xử lý chất thải rắn sẽ thay đổi phương pháp truyền thống hiện nay là chôn lấp. Bởi vì, phương pháp này ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế, lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng đến môi trường nước ngầm, đất và không khí.

Đại diện Sở Tài nguyên – Môi trường TP báo cáo tình hình thực tế khi thành phố đang phát sinh mỗi ngày khoảng 8.700 tấn rác thải, chủ yếu phát sinh từ các nguồn như khu vực dân cư, cơ quan, khách sạn, nhà hàng, cơ sở sản xuất. Hiện số rác thải được thu gom, vận chuyển về các khu liên hiệp xử lý chất thải của thành phố gồm khu xử lý rác Đa Phước, Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Công ty Vietstar, Công ty Tâm Sinh Nghĩa...

Theo dự báo năm 2020, chất thải rắn sinh hoạt tại TP HCM là 10.082 tấn/ngày, chất thải nguy hại 549 tấn/ngày; chất thải y tế 30 tấn/ngày. Đến năm 2025, chất thải rắn sẽ là 12.864 tấn/ngày; chất thải nguy hại 807 tấn/ngày; chất thải rắn y tế 50,5 tấn/ ngày.

Từ thực tế trên, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân kêu gọi sự chia sẻ của các nhà đầu tư trong việc đầu tư những nhà máy xử lý rác thải thông minh, vừa xử lý rác vừa tạo ra năng lượng, an toàn cho môi trường, thiết kết đẹp như những công trình văn hoá nghệ thuật.

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, TP HCM đang thay đổi công nghệ xử lý rác, thay đổi chuyển từ chôn lấp là chính, đến năm 2020 áp dụng các công nghệ biến rác thành năng lượng.


Các khu liên hợp xử lý rác của TP HCM sẽ phải đảm bảo các quy chuẩn mới của thành phố trong thời gian tới. (Ảnh: Hồng Phúc).

“Từ thực tế hoạt động của mình, các nhà khoa học chỉ ra rằng có đủ khả năng về công nghệ để xử lý rác. Đồng thời, qua đó chứng minh có những lĩnh vực không cần Nhà nước đầu tư, mà có thể áp dụng phương thức xã hội hoá đầu tư, nhà nước chỉ trả bằng phí dịch vụ. Với cơ chế đặc thù vừa được Quốc hội thông qua, TP HCM sẽ tạo điều kiện hơn nữa cho các nhà đầu tư, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Qua đó, chọn nhà đầu tư phù hợp nhất”, Bí thư TP HCM nhấn mạnh.

Cũng tại Hội nghị này, UBND TP HCM đã giới thiệu các dự án xử lý rác cần đầu tư, các chính sách ưu đãi đầu tư, giá mua bán điện tại thành phố.

Trong đó, thành phố sẽ ưu đãi với các dự án thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải tập trung thuộc địa bàn huyện Củ Chi và Bình Chánh mà đáp ứng quy mô, tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định thì được miễn 11 năm tiền thuê đất hoặc giảm 70% tiền thuê đất phải nộp.

Ngoài ra, TP HCM sẽ hỗ trợ cơ sở hạ tầng (đường giao thông, điện, nước) đến chân tường rào dự án của nhà đầu tư; các chính sách về hỗ trợ giá mua, bán điện; về nguồn vốn, về thuế.

Chia sẻ về chiến lược xây dựng đô thị nêu trên của TP HCM, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông hoan nghênh các đổi mới, sáng tạo, nhất là tư duy luôn đón đầu của thành phố từ nhiều năm qua.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông tin tưởng, các ngành công nghiệp sạch của TP HCM trong tương lai sẽ là mô hình để nhiều thành phố học hỏi kinh nghiệm trong thu hút đầu tư, phát triển bền vững, hạn chế trình trạng các hợp đồng xử lý rác lâu dài nhưng cứ ôm để đó, không đổi mới công nghệ.

Thành Luân