TP Hồ Chí Minh: Nhiều tiềm năng du lịch còn ngủ say
Ngoài các địa điểm du lịch lịch sử - văn hóa sẵn có như: bến Nhà Rồng, chợ Bến Thành, Dinh Độc Lập, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố… các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, thế mạnh về du lịch vẫn còn rất tiềm tàng ở đô thị đông dân nhất nước. Nếu biết khai thác sẽ đem đến các nguồn thu đáng kể cho ngành du lịch TP Hồ Chí Minh.
Chợ Bình Tây được cho là có tiềm năng về du lịch. (Ảnh: Hồng Phúc).
Tiềm năng chưa khai thác
Di tích chùa Ngọc Hoàng nằm một bên đường Mai Thị Lựu (Q.1, TP HCM), là một trong những địa chỉ du lịch của TP HCM còn ít người chú ý cho đến khi diễn ra sự kiện Tổng thống Mỹ Barack Obama ghé thăm trong chuyến công du Việt Nam vào ngày 24/5/2016. Thạc sĩ Nguyễn Đông Triều (Trường ĐH KHXH&NV TP HCM) cho biết, ngôi chùa này được xây dựng cách đây hơn 100 năm. Dù đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng chùa Ngọc Hoàng vẫn giữ được kiến trúc ban đầu và bảo lưu được nhiều cổ vật quý, trong đó có nhiều tranh, tượng, hoành phi, câu đối, biển ngạch, thể hiện rõ giáo lý đạo Minh sư.
Nhà nghiên cứu Thích Minh Chương nhìn nhận, giá trị du lịch văn hóa, du lịch tín ngưỡng của chùa Ngọc Hoàng là rất to lớn, cần được ngành du lịch TP HCM để tâm tới. Theo nhà nghiên cứu này, tọa lạc tại một quận trung tâm TP, chùa Ngọc Hoàng nằm giữa một không gian rộng rãi (diện tích hơn 2.300m2), xanh mát, với nhiều cây cối, chim muông, cùng những cảnh quan nhân tạo như hồ nuôi rùa, hồ nuôi cá. Không gian thiên nhiên, kết hợp với không khí trang nghiêm giúp người đến chiêm bái tìm được phút giây bình yên tĩnh lặng giữa phố thị ồn ào.
Một địa điểm du lịch văn hóa – lịch sử khác là huyện Cần Giờ, với lễ hội Nghinh Ông được tổ chức thường niên. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài Thanh (Khoa Việt Nam học, ĐH KHXH&NV TP HCM) cho biết, lễ hội đã thu hút một lượng du khách trong và ngoài nước rất lớn đến với huyện ven biển của TP HCM mỗi năm.
Đáng kể nhất là lễ hội Nghinh Ông – Cần Giờ trở thành một nghi lễ truyền thống và lớn nhất của người dân nơi đây. Họ xem lễ hội này như một dịp tết thứ hai trong năm sau tết cổ truyền của người Việt. Hàng năm, đến dịp rằm tháng 8 âm lịch, hàng trăm ghe thuyền háo hức trang trí cờ hoa chuẩn bị ra biển rước Ông và cầu mong một mùa đánh bắt bội thu, cuộc sống ấm no.
Cần đánh thức tiềm năng
Đại diện Sở Du lịch TP HCM cho biết, tính từ lúc tách ra từ Sở VHTT&DL TP HCM thì Sở này đã nhìn nhận Cần Giờ chính là tài nguyên du lịch biển duy nhất mà TP. may mắn có được, cần được khai thác hiệu quả. Nắm được cơ hội đó, UBND huyện Cần Giờ thời gian qua đã phục dựng và duy trì thường xuyên lễ hội Nghinh Ông để có thể phát triển du lịch, góp phần vào sự phát triển chung của TP. Theo Sở Du lịch TP HCM, mỗi năm Cần Giờ đón hàng chục ngàn du khách, số lượng du khách đông nhất vào các dịp lễ tết và lễ hội Nghinh Ông.
Nói về du lịch văn hóa – lịch sử của vùng đất Sài Gòn – Gia Định, PGS TS Đoàn Lê Giang (ĐH KHXH&NV TP HCM) cho rằng, tài nguyên quý giá này còn chưa được khai thác đúng với tiềm năng của nó. Hiện nay, ở nhiều địa điểm thư viện của TP HCM, trong đó có Thư viện Khoa học tổng hợp còn lưu giữ các tài liệu quý về báo chí, lịch sử, trong đó có các tác phẩm của dịch giả văn học phương Tây trên Gia Định Báo, tờ báo Quốc ngữ lâu đời nhất tại Việt Nam. Nhiều bản lưu giữ cho đến nay đặc biệt quý hiếm đối với không chỉ công tác nghiên cứu, mà còn có giá trị giáo dục, thăm quan du lịch nếu biết tổ chức khai thác bài bản.
Một số địa điểm du lịch khác như phố Tây, hầm Thủ Thiêm, Bến Bạch Đằng, khu phố người Hoa – TP HCM, chợ Bình Tây (chợ Lớn), phố đi bộ Nguyễn Huệ, quảng trường Lê Duẩn (quảng trường Norodom cũ)… cũng đã được Sở Du lịch TP HCM đưa vào danh sách các địa điểm du lịch nổi bật của TP HCM.
Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu văn hóa lâu năm về TP HCM thì sự đầu tư quản lý, khai thác các địa điểm du lịch này còn rất khiêm tốn. Trái lại, “vốn” tài nguyên du lịch của TP HCM hiện nay còn rất tiềm tàng và cần được tận dụng một cách hiệu quả hơn nữa trong bối cảnh thế giới kết nối…