Nhận bàn giao công nghệ lập bản đồ rủi ro thiên tai từ Đức
Ngày 27/11, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo quốc gia về giảm thiểu rủi ro thiên tai khu vực đô thị do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức.
Đại diện Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, đại diện Vụ Quản lý thiên tai cộng đồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức nhận bàn giao công nghệ lập tấm bản đồ QGIS. Ảnh: Trần Ngọc Kha
Theo Cao ủy Liên hợp quốc, kể từ năm 2008 trở đi, hàng năm có đến 22,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, tương đương với 62.000 người mỗi ngày mất nhà cửa vì thảm họa do thiên tai. Vì vậy, lời kêu gọi hỗ trợ quốc tế thường niên của Liên hợp quốc đang ở mức cao nhất từ trước đến nay và tăng từ 3,7 tỷ đô la (năm 2004) đã lên đến 20,1 tỷ đô la (năm 2016).
Tại Việt Nam, thời tiết cực đoan với tần suất ngày càng cao, dồn dập đã và đang gây hạn hán, xâm mặn khốc liệt tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long…
Hậu quả do rét đậm, rét hại mà đỉnh điểm diễn ra năm 2016, các cơn bão lớn đổ bộ vào nước ta hàng năm đã và đang gây ra cái chết thương tâm và mất tích của hàng chục, hàng trăm người mỗi năm. “Vì thế, việc can thiệp các biện pháp nâng cao tính chủ động ứng phó, phòng ngừa luôn là ưu tiên của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam”, Phó chủ tịch Trần Thị Hồng An nhấn mạnh trong tại hội thảo.
Với sự giúp đỡ của các Hội Chữ thập đỏ của Đức, Mỹ, hiện nay, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đang triển khai các hoạt động về giảm thiểu rủi ro thiên tai đô thị tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Bình Định.
“Các can thiệp của dự án đã và đang được kiểm chứng và thấy rõ hiệu quả tích cực qua việc ứng phó với thiên tai qua các cơn bão số 10, áp thấp nhiệt đới sau bão số 10 và bão số 12 vừa qua”, theo bà An.
Trước sự hiện diện của các đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương và địa phương của Việt Nam, Điều phối viên Dự án Giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu của Hội Chữ thập đỏ Đức, ông Jerome Faucet công bố thành công trong việc lập bản đồ số hóa rủi ro thiên tai QGIS tại tỉnh Bình Định.
Ông Jerome Faucet cho hay, rất cần thiết phải lập những bản đồ này, bởi bấy lâu nay, ở nước ta cộng đồng tự lập bản đồ rủi ro thiên tai trên giấy, theo hướng tự phát, thiếu những thông tin cần thiết, chuyên nghiệp và chính xác. “Nay nhờ tấm bản đồ số này, chính quyền các cấp địa phương này có thể xác định rủi ro, mức độ dễ tổn thương và năng lực quản lý rủi ro, làm cơ sở để xây dựng các kế hoạch phòng chống, giảm nhẹ thiên tai ở các cấp hành chính xã, phường, thành phố, huyện, tỉnh…”.
Cũng tại hội thảo, ông Jerome Faucet tuyên bố từ ngày 27/11, Hội Chữ thập đỏ Đức chính thức bàn giao công nghệ, kỹ thuật lập bản đồ QGIS nói trên cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam để từ đó, Hội có thể nhân rộng ra khắp cả nước, nhất là tại những nơi trọng điểm rủi ro thiên tai.
Đánh giá về tác dụng của tấm bản đồ QGIS nói trên, đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định Võ Trung Dũng cho rằng: “Nhờ sử dụng tấm bản đồ mà chúng tôi có thể đánh giá nhanh, chính xác những thiệt hại và nhu cầu người dân sau thiên tai. Cũng nhờ nó mà công tác tập huấn, đào tạo cho các cán bộ, người dân về cách phòng tránh, giảm nhẹ hậu quả thiên cũng được tiến hành nhanh chóng, năng suất và hiệu quả”.