Đức tiếp tục bế tắc chính trị khi đàm phán thành lập chính phủ liên minh chậm trễ

Khánh Duy 27/11/2017 18:43

Các cuộc đàm phán nhằm thành lập một “đại liên minh” chính phủ mới ở Đức với đảng Dân chủ Xã hội (SPD) có thể sẽ bắt đầu kể từ năm tới, một quan chức thuộc đảng cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel thừa nhận, thêm rằng tiến trình này có khả năng kéo dài và sẽ gây ảnh hưởng tới nền kinh tế lớn nhất của châu Âu.

Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tục lâm thế bế tắc khi đàm phán với đảng SPD bị hoãn tới năm sau. (Nguồn: Reuters).

Thủ tướng Merkel, người có nhiệm kỳ thứ 4 đang đi vào thế bế tắc trong suốt thời điểm tuần qua sau khi các vòng đàm phán thành lập liên minh chính phủ mới với đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Greens sụp đổ hoàn toàn, đã bắt đầu quay sang tìm cách đàm phán liên minh với đảng SPD kể từ hồi cuối tuần trước.

Dưới sức ép hết sức ghê gớm phải duy trì sự ổn định và tránh việc tổ chức một cuộc bầu cử mới, đảng SPD đã cam kết sẽ tham gia thảo luận kín về khả năng ủng hộ chính phủ của bà Merkel, làm tăng khả năng rằng đảng CDU của Thủ tướng Đức sẽ có thể tiếp tục nỗ lực hình thành một địa liên minh, hoặc trong trường hợp xấu nhất, một chính phủ liên minh thiểu số.

Tuy nhiên, bà Julia Kloeckner, Phó Chủ tịch đảng CDU của bà Merkel, đã nói rằng các cuộc đàm phán với đảng SPD có khả năng chưa thể bắt đầu mà phải chờ tới tận đầu năm sau, tức 3 tháng sau khi cuộc bầu cử ở nước Đức diễn ra với kết quả là 2 đảng lớn nhất lại chịu thất bại khi để mất ghế trong Quốc hội.

“Chúng tôi cần có sự suy tính thấu đáo hơn là đẩy nhanh tiến độ vào lúc này” - bà Kloeckner nói với kênh truyền hình ARD - “Tôi kỳ vọng rằng các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu vào năm tới”.

Trong suốt 12 năm nắm quyền lực ở nước Đức của bà Merkel, các đối tác nhỏ trong liên minh của bà chỉ nhận được số lá phiếu ít ỏi từ các cử tri nhờ việc tham gia chính phủ liên minh, và đảng SPD hiện tại không muốn lặp lại điều đó nên từ trước cuộc bầu cử đã tuyên bố sẽ loại bỏ khả năng tham gia liên minh chính phủ.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo đảng SPD sau đó đã thay đổi quyết định, cam kết sẽ đàm phán thành lập chính phủ liên minh dựa trên tinh thần trách nhiệm cao đối với nước Đức nói riêng và châu Âu nói chung. Lãnh đạo đảng SPD, ông Martin Schultz, đã cam kết sẽ ủng hộ bất cứ thành viên nào đạt thỏa thuận với đảng của bà Merkel.

Văn phòng Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier sẽ tiến hành các cuộc gặp với lãnh đạo liên minh CDU/CSU của bà Merkel và đảng SPD vào ngày 30-11 tới để thảo luận tình hình bế tắc chính trị hiện nay. Quyết định này được ông Steinmeier đưa ra sau cuộc gặp kéo dài tới 8 giờ đồng hồ với Chủ tịch SPD Martin Schultz.

Hiện nay, Tổng thống Steinmeier đang đóng vai trò trung tâm trong việc khuyến khích lãnh đạo đảng SPD tham gia đàm phán thành lập chính phủ liên minh với CDU/CSU.

Một cuộc thăm dò do hãng RTL và kênh truyền hình NTV của Đức thực hiện mới đây cho thấy 48% số thành viên của đảng SPD ủng hộ việc đàm phán thành lập chính phủ liên minh với đảng CDU/CSU, trong khi chỉ có 36% muốn thành lập một đại liên minh.

Sau thất bại trong đàm phán thành lập chính phủ liên minh, vị thế chính trị bấp bênh của Thủ tướng Merkel đang bị xem là trở lực cho tương lai của Liên minh châu Âu (EU), khiến cho những quyết định quan trọng và nỗ lực cải cách khối liên minh này tiếp tục bị trì hoãn.

Theo giới phân tích, thất bại của bà Merkel trong việc thành lập chính phủ liên minh đang dẫn đến cuộc khủng hoảng sâu sắc về vấn đề lãnh đạo trong EU, đồng thời kéo dài thêm thời kỳ bất ổn của tổ chức. Bởi hiện nay, EU vẫn nằm dưới sự dẫn dắt của một nước Đức hùng mạnh và vượt trội.

Kết quả cuộc bầu cử ngày 24/9 cho thấy Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel vẫn giữ vị thế là chính đảng lớn nhất trong Quốc hội liên bang Đức khóa 19. Tuy nhiên, ba điều được coi là bất ngờ và chưa từng có trong các cuộc tổng tuyển cử ở Đức từ năm 1949 đến này là:

- Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) lần đầu tiên đạt tỷ lệ ủng hộ thấp nhất từ trước đến nay (20,4%);

- Lần đầu tiên một đảng cực hữu, mới được thành lập cách đây hơn 4 năm, bước chân vào Quốc hội liên bang với tư cách là đảng lớn thứ 3 trong cơ quan lập pháp;

- Quốc hội Đức lần đầu tiên có tới 7 đảng phái có đại diện.

Khánh Duy