Cơ hội cho đô thị thông minh
Giới chuyên gia nhận xét việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM gần như là một sự kiện lịch sử về cơ chế, chính sách để phát triển đầu tàu kinh tế phía Nam và cả nước. Thế nhưng, “cần câu cá” này sẽ khó phát huy hiệu quả nếu còn kéo dài tồn tại cơ chế cũ, với những rào cản, bất cập của hệ thống hành chính, nhất là tác động vào quá trình xây dựng đô thị thông minh đang được khởi động.
Bán đảo Thủ Thiêm sẽ là mô hình thử nghiệm hoàn hảo cho đô thị TP HCM, nơi người dân đô thị có chất lượng sống tốt. Ảnh: Hồng Phúc.
Cơ chế đặc thù được coi là đòn bẩy- thúc đẩy thành phố phát triển. Nhiều người đặt kỳ vọng rất lớn vào sự đổi thay toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của thành phố trong trung hạn khi nhìn vào xuất phát điểm khá tốt của thành phố. Nhất là các lĩnh vực chủ chốt của thành phố đều gắn với kinh tế nước nhà, luôn coi là sức mạnh nội lực để phát triển.
Theo giới chuyên gia, để trở thành đô thị thông minh, phải hướng tới mục tiêu dự báo trong trung hạn 10 năm có khoảng 10% người dân mặc các loại quần áo kết nối internet; 90% người dân có thể lưu trữ dữ liệu không giới hạn và miễn phí; 80% dân số hiện diện số trên internet; chiếc ô tô đầu tiên được sản xuất hoàn toàn bằng công nghệ in 3D; chiếc điện thoại di động cấy ghép trên cơ thể người đầu tiên được thương mại hóa; 90% dân số sử dụng điện thoại thông minh; 90% dân số thường xuyên sử dụng internet. TP HCM cũng sẽ không nằm ngoài xu hướng phát triển này. Tuy nhiên tùy theo sự thay đổi về hạ tầng kiến trúc để từng thời điểm có thể đến sớm hay muộn.
Điều quan trọng lúc này không phải là các tiện nghi xa vời. Các lãnh đạo thành phố đánh giá “công tác cán bộ phải đi trước” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn. Có hai lý do để công tác này được coi là công tác đi đầu. Thứ nhất, Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm các cơ chế đặc thù phát triển TP HCM và Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2020 (chuẩn bị sơ kết 5 năm) đều coi công tác cán bộ là nhiệm vụ quan trọng ưu tiên hàng đầu. Cán bộ có tài, có đức, cùng với cơ chế, chính sách đặc thù gỡ bỏ hết các điểm nghẽn, rào cản, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tất yếu kinh tế - xã hội thành phố sẽ tăng trưởng mạnh. Ngược lại, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, nếu cán bộ có tài mà không có đức thì là người vô dụng, hoặc ngược lại có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.
Công tác cán bộ phải làm tốt, bởi xây đô thị thông minh không nhằm ngoài mục đích là đem đến cái lợi cho người dân, doanh nghiệp, cho chính thương hiệu TP HCM và nguồn thu ngân sách của cả nước. Khi công bố Đề án “Xây dựng TP. HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” mới đây, chính Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh, đô thị thông minh TP HCM phải đảm bảo kinh tế thành phố phát triển bền vững; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; giải quyết các vấn đề bức xúc của thành phố (ngập nước, kẹt xe, quá tải bệnh viện, an toàn thực phẩm). Nghĩa là, một đô thị văn minh phải giải quyết dứt điểm các vấn nạn của một đô thị trên tiến trình phát triển của mình. Trong đó, người dân phải là mục tiêu cao nhất được hưởng nhiều lợi ích do nó mang lại. Ở một cách nhìn toàn diện hơn, ngoài hai mục tiêu hàng đầu nêu trên, để đạt được đô thị thông minh thực thụ thì TP HCM còn nhiều việc phải làm. Đó là vừa phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, hướng đến kinh tế tri thức, kinh tế số. Và đồng thời phải quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo, nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc, tăng cường sự tham gia quản lý của người dân, tổ chức.
Thời cơ đã đến sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 54, thế nhưng bắt đầu thế nào, những con người vận hành cơ chế đặc thù ấy là ai thì chắc chắn “Không ai làm thay cho thành phố” được. Chính Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM cũng đặt ra mục tiêu rất cấp bách vào lúc này cho hệ thống chính trị trong đó có các đoàn thể xã hội của thành phố, dựa trên truyền thống sẵn có là chủ động, sáng tạo, tích cực từng được ghi nhận trong quá khứ. Đó là phải quyết liệt, quyết tâm và có nỗ lực phấn đấu cao, nhằm đạt được kết quả mong muốn.