Quy định chế độ BHXH một lần đối với người lao động
Bà Phùng Thị Liệu (tỉnh Nghệ An) làm nghề tự do tại tỉnh Quảng Ninh, đóng BHXH tại 1 công ty của TP Đà Nẵng, ngừng đóng BHXH hơn 1 năm. Bà Liệu hỏi, bà có thể đăng ký nộp sổ BHXH để hưởng chế độ BHXH 1 lần không?
BHXH tỉnh Quảng Ninh trả lời như sau:
Chế độ BHXH một lần được thực hiện theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH năm 2014, Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội về thực hiện chính sách BHXH 1 lần đối với người lao động và Điều 8 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ. Cụ thể, Khoản 1 Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP có quy định chi tiết về BHXH một lần:
Người lao động quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 của Nghị định này mà có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các Khoản 1, 2 và Điều 54 của Luật BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc theo các quy định tại Khoản 3 Điều 54 của Luật BHXH mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện; Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục đóng BHXH; Ra nước ngoài để định cư; Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế”.
Đối chiếu với quy định trên, trường hợp của bà Liệu đã sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục đóng BHXH nếu yêu cầu thì bà thuộc đối tượng được hưởng BHXH một lần.
Hồ sơ đề nghị giải quyết BHXH một lần nộp tại Trung tâm Hành chính công, bộ phận BHXH thành phố, thị xã, huyện nơi bà có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú gồm:
- Sổ BHXH (đã được BHXH nơi bà tham gia BHXH chốt sổ bảo lưu thời gian tham gia BHXH);
- Đơn theo mẫu số 14-HSB (bản chính).
(Hồ sơ này không quy định cho đối tượng hưởng BHXH một lần theo điểm c, d Khoản 1, Điều 8, Nghị định 115/2015/NĐ-CP)