Khỏe từ gốc rễ
Hơn 400 doanh nghiệp, hiệp hội tham gia Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2017, diễn ra ngày 27/11cho thấy không chỉ nhu cầu cần đối thoại chính sách mà còn hiện hữu những rào cản chủ quan chưa được gỡ bỏ.
Nhiều doanh nghiệp phản ánh còn gặp các quy định phiền hà, gây khó khăn và làm tốn kém chi phí sản xuất kinh doanh. Quá trình giải quyết thủ tục hành chính cán bộ hải quan còn yêu cầu một số văn bản, giấy tờ ngoài quy định.
Thời gian giải quyết thủ tục hải quan đôi khi kéo dài hơn trên thực tế. Khó có thể cải cách hành chính, cắt giảm các điều kiện nếu không bắt nguồn từ “gốc rễ” là đạo đức công vụ của cán bộ.
Chi cục Hải quan Tuyên Quang cải cách thủ tục hành chính hỗ trợ doanh nghiệp (Nguồn: Báo Tuyên Quang).
Thực tế một Chính phủ kiến tạo, liêm chính được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề ra đã có một sự chuyển động mạnh mẽ được thế giới ghi nhận và đánh giá cao.
Đơn cử như Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 vừa được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, Việt Nam được xếp hạng thứ 55/137 nền kinh tế (tăng 5 bậc, vượt qua Philippines và đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN). Tính chung trong 5 năm, Việt Nam tăng tới 20 bậc.
Xếp thứ 55 cũng là vị trí cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Còn theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2017, Việt Nam tăng 9 bậc, từ vị trí thứ 91 lên vị trí thứ 82/190 nền kinh tế; duy trì vị trí thứ 5 trong khu vực ASEAN. Đây là mức tăng bậc nhiều nhất kể từ năm 2008.
Điều đó cho thấy thể chế về kinh tế đã từng bước được hoàn thiện, nhằm cởi trói cho doanh nghiệp để đầu tư kinh doanh. Bởi, nó được ví như là “mạch máu” của nền kinh tế và cũng bởi doanh nghiệp có khỏe, các mạch máu vận hành trơn tru, lưu thông thì cơ thể mới khỏe mạnh; hay nói cách khác là nền kinh tế mới tăng trưởng và bền vững.
Ở góc độ xây dựng thể chế, ngành thuế rà soát hơn 300 thủ tục hành chính; phối hợp với 46 ngân hàng kết nối thuế điện tử và có 96% doanh nghiệp tham gia; thực hiện kê khai thuế điện tử với hơn 622.000 doanh nghiệp; hoàn thuế điện tử với với hơn 2.000 doanh nghiệp với số thuế hơn 30 nghìn tỷ đồng.
Còn trong triển khai hải quan điện tử, đến nay có trên 8,6 triệu tờ khai xử lý trên hệ thống; triển khai cổng thanh toán điện tử; kết nối với 40 hãng hàng không để nắm thông tin hàng hóa nhập khẩu.
Những cải cách chính sách thuế, hải quan đã góp phần giúp môi trường kinh doanh Việt Nam tăng thêm 14 bậc.
Thế nhưng một câu hỏi được đặt ra là tại sao khi các thủ tục hành chính đã được đơn giản, gọn nhẹ mà doanh nghiệp vẫn than phiền?
Bởi một lý do không hề mới là…bị cán bộ vòi vĩnh, gây phiền hà? Đó là câu hỏi cần có lời giải dẫu thời gian qua Văn phòng Chính phủ cũng triển khai tích cực các nhiệm vụ theo yêu cầu của Nghị quyết 19 như nâng cao hiệu quả hoạt động của Diễn đàn tiếp nhận các ý kiến phản biện chính sách của doanh nghiệp và người dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp tại địa chỉ http://doanhnghiep.chinhphu.vn và Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân tại địa chỉ http://nguoidan.chinhphu.vn
“Thực tế doanh nghiệp vẫn e sợ thủ tục hải quan do công chức cán bộ Hải quan có thể viện lý do quá tải, giải quyết hồ sơ tồn đọng trước đó mà làm chậm hồ sơ của mình hoặc hay bắt lỗi nhỏ nhặt của doanh nghiệp để làm khó, nên doanh nghiệp phải bồi dưỡng cho công chức cán bộ Hải quan. Chi phí ngoài quy định quá nhiều vì còn quá nhiều khâu doanh nghiệp phải trực tiếp làm việc với phía hải quan”-là lời nói thẳng băng được Phó Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI Đoàn Duy Khương chỉ ra.
Đây cũng được xem là cốt lõi của tình hình mà doanh nghiệp đang phải đối mặt. Và 1.001 kiểu bắt lỗi doanh nghiệp nhiều khi nằm ở công văn trả lời cho các vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp còn chung chung, chủ yếu đưa ra các thông tư, nghị định mà không có câu trả lời rõ ràng và các hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp.
Quá trình giải quyết thủ tục hành chính cán bộ hải quan còn yêu cầu một số văn bản, giấy tờ ngoài quy định, thời gian giải quyết thủ tục hải quan đôi khi kéo dài hơn trên thực tế.
Nói đến công vụ là nói đến trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ nhằm mục tiêu phục vụ người dân và xã hội.
Trách nhiệm công vụ là việc cán bộ, công chức tự ý thức về quyền và nhiệm vụ được phân công cũng như bổn phận phải thực hiện các quyền và nhiệm vụ đó. Một nền công vụ hiệu lực, hiệu quả đều dựa trên cơ sở đề cao tính trách nhiệm với tinh thần tận tụy, mẫn cán và làm tròn bổn phận của cán bộ, công chức.
Bất kỳ Nhà nước nào cũng phải xây dựng một nền công vụ hiệu lực, hiệu quả và nhấn mạnh đến vấn đề trách nhiệm công vụ.
Một Nhà nước pháp quyền, điều hành quản lý dựa trên khuôn khổ quy định của pháp luật nhưng lại đang có một bộ phận đứng trên pháp luật bằng việc yêu sách những giấy tờ…ngoài quy định hay kéo dài thời gian.
Sức cạnh tranh của doanh nghiệp một phần dựa vào thời gian thông quan, chậm một ngày là hàng hóa bị ì trệ đưa vào sản xuất, chưa kể đến còn bị phạt nếu muộn thời gian, quá thời gian trong hợp đồng kinh tế.
Vì thế đành phải “móc ví bôi trơn” cho cán bộ, cho những khoản chi phí không chính thức. Khi bị cơ quan thuế “sờ” đến, doanh nghiệp ít khi dám phản kháng lại mà thường răm rắp chiều theo những “gợi ý” của cán bộ thuế.
Sự linh hoạt hiệu quả của bộ máy được ví như đôi chân. Một chân là “thể chế pháp luật”, một chân là “sự thực thi pháp luật của cán bộ”.
Khó có khỏe mạnh khi “chân thể chế” được kiện toàn, còn “chân cán bộ” không được cải thiện. Một sự “nóng trên, lạnh dưới” vẫn đang còn tồn tại khi suy nghĩ vòi vĩnh vẫn hiện hữu trong tâm thức của cán bộ, là “gốc rễ” của mọi vấn đề. Một cây khó có thể xanh tươi khi “bộ rễ” yếu cộng với sâu bệnh phá hoại.
Do đó điều quan trọng chính là phải cải thiện từ “gốc rễ” thay vì chỉ tăng cường bổ sung “lân, đạm” thông qua việc cắt giảm các thủ tục hành chính.
Bởi suy cho cùng pháp luật được thực thi đều nằm ở cán bộ. Điều cần thiết vào lúc này không gì khác bằng việc tiếp cận các phản hồi của doanh nghiệp và người dân đối với những cán bộ còn có thái độ và biểu hiện vòi vĩnh, chung chi với doanh nghiệp.
Thông qua đó tăng cường xử lý, bắt bỏ những “con sâu hại” ra khỏi bộ máy. Lúc đó mới góp phần đồng hành cùng doanh nghiệp trong sự nghiệp sản xuất, kinh doanh.