Khắc phục ô nhiễm sông hồ Hà Nội: Thiếu giải pháp bền vững

Tuấn Việt 29/11/2017 08:45

Sông, hồ Hà Nội nhiều năm nay đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tuy nhiên, “giải cứu” như thế nào để các con sông, hồ Hà Nội xanh sạch bền vững là bài toán vô cùng hóc búa - khi ít nhất đã 4 lần Hà Nội đề ra kế hoạch, song đâu vẫn hoàn đấy.

Hồ Linh Quang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Chỉ 2% sông hồ Hà Nội đạt tiêu chí

Vào các năm 2004, 2007, 2009, và đầu năm 2017, TP Hà Nội đã 4 lần đưa vấn đề ô nhiễm sông, hồ của TP lên bàn nghị sự nhằm tìm ra những giải pháp để tạo cảnh quan, xử lý môi trường nước, từng bước làm sống lại sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ và sông Đáy, những ao hồ của Thủ đô đang trong tình trạng ô nhiễm nguồn nước, do sự xả thải từ các khu dân cư, công nghiệp, làng nghề…

Song, có lẽ các phương án được đề cập đã vấp phải những khó khăn từ nguồn kinh phí thiếu thốn, từ hệ thống xả thải cũ kỹ, từ sự phát triển thiếu đồng bộ của nhiều lĩnh vực giao thông, xây dựng, điện, nước…

Đã 13 năm trôi qua kể từ khi Hà Nội đề ra ý tưởng cải tạo sông hồ, nhưng chỉ có cảnh quan tại khu vực sông, hồ được cải thiện, còn chất lượng nước tại các con sông bị coi là “đã chết”.

Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu và cộng đồng môi trường (CECR), trong số gần 200 sông, hồ, ao, đầm, thủy vực lớn nhỏ của Hà Nội chỉ có không đầy 10 đơn vị khảo sát đạt yêu cầu chất lượng ở các chỉ tiêu, thông số nghiên cứu, chiếm tỷ lệ gần 2%.

Còn lại phần lớn hệ thống sông, hồ, ao bị ô nhiễm chất hữu cơ, nồng độ oxy hòa tan dưới mức tiêu chuẩn cho phép.

Ngoài ra, hơn 80% hành lang bờ bị ô nhiễm và đang đứng trước nguy cơ bị lấn chiếm để xây nhà, bãi đỗ xe, trở thành bãi tập kết phế liệu hay những “thùng rác thiên nhiên” từ các khu dân cư, đô thị.

Bên cạnh đó, số liệu quan trắc cho thấy, gần 80% nguồn nước, rác thải sinh hoạt được “xả” thẳng xuống sông, hồ khiến bề mặt của “lá phổi thành phố” bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Cụ thể, hàm lượng amoni trong nước các sông, hồ hiện nay dao động thấp nhất là 0,58 mg/l và cao nhất là 51,5 mg/l, trong khi tiêu chuẩn cho phép đối với nguồn nước là 1 mg/l.

Hàm lượng BOD dao động trong khoảng 13 mg/l- 68 mg/l, trong khi tiêu chuẩn cho phép là 25 mg/l. Nguyên nhân chính là do nước thải từ các khu dân cư, khu công nghiệp, làng nghề, không được qua xử lý xả trực tiếp ra sông hồ.

Số liệu của Sở TN&MT Hà Nội mới đây cho thấy, mỗi ngày nước thải từ nội đô và khu dân cư khoảng 650.000m3/ngày/ đêm, tuy nhiên 3 nhà máy xử lý nước thải hiện nay (thêm một nhà máy chuẩn bị vận hành) mới chỉ xử lý được 250.000m3/ngày/đêm. Số còn lại tiêu thoát qua hệ thống cống, xả ra các con sông, hồ chính của Hà Nội.

Có thể kể đến sông Tô Lịch, chiều dài 14,3 km, chảy qua quận Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai và huyện Thanh Trì.

Theo báo cáo của Trung tâm Quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường (Sở TN&MT TP Hà Nội), sông Tô Lịch đang chịu sự xả thải trực tiếp nguồn nước thải từ các khu dân cư, hệ thống nhà hàng khách sạn… dọc theo bờ sông.

Chính vì vậy, tại nhiều đoạn sông, lượng DO (ô xi hòa tan) thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn cho phép. Khuẩn Coliform, tổng chất rắn TSS, hàm lượng amoni, ô xi sinh học trong nước… đều vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Nhiều đoạn trên sông Tô Lịch, bằng mắt thường có thể cảm nhận nước đen kịt. Mùi hôi thối nồng nặc.

Kết quả nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng(CECR) cho thấy, Hà Nội có 11 hồ có dấu hiệu ô nhiễm, 8 hồ ô nhiễm nặng, 6 hồ ô nhiễm rất nặng.

Như hồ Văn Chương, hồ Linh Quang, hồ Thuyền Quang, Kim Liên, hồ Ba Mẫu… Một số hồ như Linh Quang, Kim Liên, người dân còn tận dụng mặt hồ để nuôi gia cầm, khiến hồ bốc mùi xú uế. Các hàm lượng amoni, flo, phốt phát, ô nhiễm hữu cơ, dinh dưỡng, thủy sinh đều nguy hại, được hiển thị qua nhiều thông số.

Đẹp bờ nhưng chưa sạch nước

Bà Nguyễn Ngọc Lý- giám đốc CECR cho biết, cho dù cảnh quan sông, hồ được cải thiện, song các con sông “chết lâm sàng” thì những nỗ lực trên chưa mấy đắc dụng.

Có thể ví dụ người dân đi trên những con đường đẹp đẽ cạnh sông, hồ nhưng dưới mặt nước kia lại bốc mùi tạp uế khó chịu thì liệu cảnh quan bắt mắt gây dựng trên đã thực sự tương xứng với chất lượng nước sông, hồ. Bây giờ, sự đồng bộ của các giải pháp mới là điều cốt lõi.

Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Trương Mạnh Tiến- chủ tịch CLB hồ Hà Nội cho rằng, nếu chưa làm tốt các vấn đề xã hội, thì dù có đổ tiền thêm vào các sông, hồ cũng sẽ không giúp cho lá phổi xanh của Thủ đô xanh hơn, hay trong hơn.

Đó là sự lấn chiếm đô thị khiến diện tích sông, hồ biến mất, là quá trình xả thải nước sinh hoạt chưa qua xử lý trực tiếp vào ao hồ, là trách nhiệm của chính quyền và người dân trong công tác bảo vệ môi trường… hàng loạt những tiêu chí cần và đủ còn thiếu và yếu.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã coi đây là vấn đề thực sự cấp bách trong thời gian tới và yêu cầu TP Hà Nội lên kế hoạch cụ thể, dài hơi, bền vững từng bước khắc phục những tồn tại để giải cứu lá phổi xanh của TP.

Theo người đứng đầu TP Hà Nội, để gìn giữ và phát huy giá trị của sông, hồ, ngoài những giải pháp cấp thiết phải có sự tham gia tích cực hơn nữa của cộng đồng và giám sát của xã hội...

Hà Nội chi 29 tỷ đồng cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm

Chiều 28/11, tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức, ông Võ Tiến Hùng- chủ tịch - tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên thoát nước Hà Nội cho biết, phương án nạo vét cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm hoàn thành trước Tết Mậu Tuất. Tổng kinh phí dự kiến 29 tỷ đồng.

Trả lời câu hỏi nạo vét, bổ sung nước hồ Hoàn Kiếm có giữ được màu xanh nguyên thủy của hồ hay không, lãnh đạo Công ty thoát nước Hà Nội nói: “Chế phẩm xử lý nước hồ là Redoxy 3C được thử nghiệm 14 tháng, đánh giá tốt, không có mùi, không làm ảnh hưởng sinh thái hồ. Chế phẩm này đã thử nghiệm 85 hồ nội thành, 37 hồ ngoại thành, được người dân quanh hồ đánh giá chất lượng nước hồ cải thiện rõ rệt. Mục đích đặt ra với hồ Hoàn Kiếm sau khi xử lý sẽ giữ được màu xanh trong của nước hồ và tảo đặc hữu trong hồ”.

A.Anh

Tuấn Việt