Đào tạo sư phạm cần môi trường thực hành

Bảo Thoa 29/11/2017 08:50

Có một thực tế đang tồn tại hiện nay là việc đào tạo tại các trường sư phạm đang thiếu môi trường thực hành. Hay nói cách khác, sự tách rời môi trường sư phạm với môi trường phổ thông đang khiến cho chất lượng đào tạo của các trường sư phạm chưa hiệu quả.

Nội dung này đã được nhiều chuyên gia đề cập trong một hội thảo bàn giải pháp phát triển năng lực trường sư phạm vừa diễn ra tại Hà Nội.

Tại đây, PGS TS Lê Quang Sơn- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng chia sẻ: Sứ mạng của trường sư phạm là đào tạo và phát triển liên tục đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, nghiên cứu và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học giáo dục, phục vụ cộng đồng trong lĩnh vực giáo dục. Sứ mạng này không thể được thực hiện nếu tách rời trường sư phạm với hệ thống phổ thông.

Phân tích kỹ hơn, TS Lê Quang Sơn cho hay, muốn phát triển trường sư phạm thì việc kết nối với trường phổ thông như là một cơ sở vệ tinh là rất quan trọng.

Đây là cơ hội để phát triển năng lực của từng giảng viên, đồng thời cũng là cơ hội rất quan trọng để chúng ta tương tác về thực tiễn giáo dục; một mặt giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận với thực tiễn, mặt khác giúp giảng viên của trường sư phạm có điều kiện bắt nhịp và gắn kết chặt chẽ với sự thay đổi của thực tiễn giáo dục phổ thông.

Về vấn đề này, theo GS Đinh Quang Báo- nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo định hướng tích hợp và phân hóa và coi tích hợp là cách để giảm tải những kiến thức rời rạc, độc lập, chưa quan tâm đến việc tăng cường năng lực vận dụng tổng hợp các kiến thức vào giải quyết những vấn đề của thực tiễn cuộc sống.

Chương trình môn học thiết kế theo tích hợp vừa bảo đảm mạch logic nội dung từng đơn môn, vừa có các chủ đề tích hợp một cách logic các đơn môn đó.

Các chủ đề tích hợp vừa kết nối được các đơn môn, vừa giúp học sinh hiểu sâu từng đơn môn. Theo đó, giáo viên phải được đào tạo, bồi dưỡng sao cho vừa có tri thức đủ rộng, vừa có năng lực dạy học một môn học ở mức cao hơn, sâu hơn, gắn cụ thể hơn với một lĩnh vực ngành nghề.

Đó là giải pháp lâu dài, bền vững và đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đổi mới chương trình đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm.

Các cơ sở đào tạo giáo viên cần thiết kế chương trình sao cho người học vừa được đào tạo để dạy học các môn học tích hợp, vừa được lựa chọn để được đào tạo chuyên sâu các môn tự chọn.

Bảo Thoa