Đổi thay nhờ trồng rau hữu cơ
Trồng rau là một trong những hoạt động tạo thu nhập quan trọng ở Bến Tre, tuy nhiên việc sử dụng thuốc trừ sâu và các loại hóa chất đang ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của con người và môi trường.
Trồng rau hữu cơ đã đem lại thu nhập ổn định cho người dân nghèo huyện Ba Tri, Bến Tre.
Chính vì vậy, cuối năm 2016, dự án RADCC đã hỗ trợ người dân xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri chuyển đổi từ phương pháp trồng trọt truyền thống sang trồng trọt theo hướng hữu cơ. Nhờ mô hình này cuộc sống người dân đã dần ổn định và thoát nghèo.
Bà Huỳnh Thị Nhin (55 tuổi) là một trong những nông dân đã tham gia dự án và chuyển từ trồng rau truyền thống sang canh tác hữu cơ.
Sống ở ấp An Bình 2, bà Nhin cùng chồng quản lý 1.000 mét vuông đất trồng rau, gồm dưa chuột, rau muống, cải xanh, hành tươi và nhiều loại cây trồng khác mà thị trường có nhu cầu cao.
Hệ thống tưới nước tiết kiệm mà dự án hỗ trợ sử dụng nước từ sông, góp phần bảo tồn nguồn nước ngầm.
Bên cạnh đó, con dâu của bà Nhin hiện đang nuôi dê và bò, đây là nguồn nguyên liệu phân hữu cơ để thay thế cho phân hóa học, góp phần bảo vệ sự phát triển bền vững của đất và nước tại địa phương.
Bà Nhin đã lường trước rằng sản lượng trong giai đoạn đầu chuyển đổi sẽ thấp hơn song nhờ có tập huấn và hỗ trợ kỹ thuật từ Dự án nên sản lượng đã tăng theo thời gian.
Việc lựa chọn lợi ích dài hạn thay vì những lợi ích ngắn hạn trước mắt khiến cho bà cảm thấy vui. Chỉ sau một năm, kinh tế của gia đình bà đã ổn định hơn nhờ bán được rau hữu cơ với giá cao hơn, đồng thời bà đã không còn phải tốn chi phí để mua các loại phân bón hóa học nữa.
Bà cũng đã nhận thấy lợi ích về sức khỏe mà phương pháp trồng trọt này mang lại cho chính gia đình bà và cho môi trường xung quanh.
Cũng theo bà Nhin, giai đoạn đầu, Dự án đã tập huấn kỹ thuật về quy trình trồng rau hữu cơ; cách gieo hạt, bón phân ra sao, rồi trồng hoa như thế nào để thu hút côn trùng, ngăn chúng không làm hại cây trồng.
Đồng thời tập huấn về cách kết nối với các cơ hội thị trường, các kỹ năng đàm phán để đảm bảo giá bán công bằng. Bên cạnh đó, mỗi hộ dân cũng được hỗ trợ một bộ lưới và hệ thống tưới tiêu phục vụ cho canh tác rau hữu cơ.
Theo ông Nguyễn Chánh Bình - phó giám đốc Trung tâm Phát triển Nông nghiệp: Canh tác hữu cơ ở Việt Nam được chứng nhận dựa trên các Tiêu chuẩn PGS (Hệ thống Đảm bảo có sự tham gia) của Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam.
Theo tiêu chuẩn này những người nông dân được yêu cầu phải nộp mẫu phân tích (đất, nước và cây trồng) để đảm bảo rằng các mẫu này đáp ứng được các yêu cầu. Quy trình này bao gồm ba bước và kéo dài 12 tháng, kết thúc quy trình, người nông dân sẽ được cấp chứng nhận.
Dự án RADCC đang hỗ trợ cho hợp tác xã thực hiện quy trình này, dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2018. Khi đã có chứng nhận, các sản phẩm sẽ có giá trị kinh tế cao hơn và giúp những người nông dân có thu nhập ổn định hơn.
Các hộ dân chia theo thành 3 nhóm để tham gia vào các cuộc họp hàng tháng và hỗ trợ lẫn nhau để đạt được kết quả mong đợi.
Các hộ dân sẽ được cấp giấy chứng nhận hữu cơ với tư cách là một hợp tác xã chứ không phải với tư cách cá nhân, do vậy trong nhóm đã hình thành tinh thần đoàn kết và trách nhiệm tập thể cao, các thành viên sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm về các thực hành tốt và giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn.
Hiện nay trung bình mỗi ngày, Hợp tác xã Rau hữu cơ An Tâm bán được khoảng 150 kg rau, thậm chí có thể lên tới 300 kg.
So với các loại rau truyền thống, có giá bán trung bình là 12,000đ/kg, hợp tác xã hiện bán các sản phẩm hữu cơ của mình cho một công ty ở TP HCM với mức giá 18,000đ/kg, nhờ vậy đã giúp cho các hộ gia đình nâng cao thu nhập.
Mặc dù người mua có thể thay đổi theo thời gian, nhưng việc bán hàng về lâu dài cũng không có gì đáng quan ngại vì hiện nay hợp tác xã là một trong rất ít nơi sản xuất rau hữu cơ ở địa phương và hợp tác xã cũng đã xây dựng được uy tín trong chuỗi giá trị.
Trong tương lai, việc mở rộng canh tác hữu cơ ở huyện Ba Tri cũng như ở tỉnh Bến Tre là rất tiềm năng. “Việc tiếp tục phát triển canh tác định hướng hữu cơ sẽ dần thay đổi các hình thức sản xuất tại địa phương thông qua thay đổi thói quen sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu sang sử dụng các sản phẩm hữu cơ. Việc này sẽ giúp tận dụng được các cơ hội thị trường ngày càng tăng, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững của địa phương, đặc biệt với các sản phẩm chất lượng cao. Hoạt động này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn bảo vệ môi trường và sức khỏe cho người sản xuất”- ông Bình nói.
Sau một năm thực hiện đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020, có 51 trong tổng số 164 xã, phường, thị trấn triển khai đạt kết quả tốt. Toàn tỉnh có 8.804 hộ trong tổng số 15.858 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia đề án, chiếm 55,51%. Tổng kinh phí thực hiện đề án gần 349 tỷ đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn tạo việc làm, phát triển sản xuất hơn 279 tỷ đồng; kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội khoảng 54 tỷ đồng… Lan Hương |