Giáo viên cần được hưởng lương theo năng lực

Huyền Trang 29/11/2017 20:13

Để xây dựng được đội ngũ giáo viên (GV), đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo chuyên gia giáo dục- TS Nguyễn Tùng Lâm- cần phải có những thay đổi quyết định.


TS Nguyễn Tùng Lâm.

PV: Chỉ thị năm học 2017-2018, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh vai trò quan trọng của GV và cán bộ quản lý giáo dục. Khi mục tiêu giáo dục thay đổi, phương pháp dạy học thay đổi, năng lực đội ngũ cũng phải thay đổi theo để đáp ứng. Quan điểm của ông về vấn đề này?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Vấn đề xây dựng đội ngũ GV hiện nay là vấn đề rất quan trọng và cấp bách. Thậm chí không cần phải đợi đến khi có sách giáo khoa mới mà phải làm ngay. Vì nội dung sách giáo khoa thì còn thay đổi được nhưng năng lực GV không thể ngày một ngày hai mà phải có quá trình. Còn quan trọng ở chỗ nào? Thực ra việc đổi mới các nội dung, phương pháp giáo dục nói chung phải làm thường xuyên mới cập nhật được với sự tiến bộ của khoa học, vì các phương pháp đào tạo, đánh giá, đổi mới hiện nay nước nào cũng đang làm. Nhưng để thực thi lại là đội ngũ GV. Vì thế các nước họ cũng đang tập trung vào nâng cao năng lực và trình độ GV. Ở Hà Lan, tất cả GV mầm non và tiểu học phải có bằng thạc sĩ, Hàn quốc thi vào sư phạm vô cùng khó…

Theo ông, trong sự phát triển đội ngũ GV hiện nay đang gặp vướng mắc gì? Và đội ngũ này cần được đổi mới như thế nào?

- Hiện nay đội ngũ GV ở Việt Nam đang có ba trạng thái. Thứ nhất, bây giờ đang tuyển GV không được người giỏi, toàn lấy điểm thấp. Mà đây không phải hoàn toàn lỗi do ngành sư phạm. Do chúng ta không có kế hoạch nên nơi thừa nơi thiếu; Thứ hai là tiền lương thấp. Ông Bộ trưởng bảo các trường sư phạm cần học các trường công an quân đội. Nhưng công an, quân đội ra trường có biên chế lương gấp đôi thiên hạ, còn sư phạm thì có được vậy đâu?Bên cạnh đó, ngành công an, quân đội họ thực hiện có kế hoạch, thiếu đâu mới tuyển chứ không tuyển bừa bãi, còn sư phạm thì cứ mọc lên như nấm; Thứ ba là tình trạng GV đương chức hiện nay.

Tôi có nghiên cứu thấy rằng hiện nay GV của chúng ta có 4 loại: Thứ nhất là những nhà giáo hết sức tài năng, yêu nghề, sáng tạo, bao giờ cũng thuyết phục được học trò. Chương trình gì cũng dạy được, đòi hỏi gì họ cũng đáp ứng được. Chúng ta tự hào vì có đội ngũ này. Nhưng số đó hiện nay còn ít. Số thứ hai là những GV có tài thật, họ có khả năng nếu tập trung giảng dạy sẽ làm tốt. Những GV này, nếu ở nơi nào có nhà quản lý tốt biết động viên, biết khích lệ thì người ta sẽ làm được. Không thì họ sẽ không tập trung làm, mà đi làm thêm việc khác. Số đông nữa là GV làm việc rất nghiêm túc, rất chịu khó, đạo đức tốt, nhưng năng lực người ta quá hạn chế nên công việc đạt hiệu quả thấp. Còn phần nhỏ nữa là GV vừa thiếu năng lực, vừa thiếu phẩm chất.

Và bệnh của GV hiện nay là bệnh nghề nghiệp. Đáng lẽ về mặt tích cực là họ phải say mê với nghề, năng động sáng tạo. Nhưng mà họ lại làm việc một cách đối phó. Bệnh thành tích của giáo dục làm cho họ làm nhiều việc có tính chất hình thức thành ra không thành công. Như chương trình VNEN, thực chất là chương trình khoa học nhưng do chúng ta đưa vào không phù hợp, sát thực tế Việt Nam, làm bằng nhiều hình thức ép buộc GV khi người ta không có năng lực nên không thể thành công. Làm cái gì cũng phải xuất phát từ người thầy. Và người thầy phải chủ động, sáng tạo, yêu nghề, chấp hành được công việc. Từng GV, từng chương trình phải cố gắng làm, say mê yêu nghề.

Vậy thì việc bồi dưỡng đội ngũ GV sẽ phải được thực hiện rất bài bản, thưa ông?

- Đúng vậy. Nhưng vì tình trạng GV như thế nên công tác bồi dưỡng của chúng ta không kịp. Mà cách bồi dưỡng của chúng ta cũng rất cũ, không khoa học. Toàn phát tài liệu, dùng chuyên gia để bồi dưỡng cho hàng loạt người trên hội trường cũng chỉ là bồi dưỡng qua loa. Bồi dưỡng không thể đứng hội trường nói cho số đông. Bồi dưỡng tay nghề thì phải những người có nghề giỏi bồi dưỡng lại cho những người tay nghề chưa tốt, để người ta biết cách làm. Cái chính là người ta phải tự làm tự sáng tạo, rồi mới hình thành năng lực đáp ứng yêu cầu. Ví dụ như tôi trồng cây, tôi tưới nước, bón phân, cho tất cả những điều kiện nhưng anh phải tự hút, tự lớn chứ không thể chỉ dùng một nắm tài liệu hướng dẫn phải đổi mới thế này thế kia rồi quăng cho người ta…

Cho nên quan điểm của tôi là mỗi quận huyện phải tập hợp được những giáo viên giỏi từng bộ môn, từng công việc rồi tổ chức tập huấn cho họ tự khẳng định. Sau đó về truyền lại cho đồng nghiệp. Mỗi nơi nên thành lập các trung tâm, vì luôn luôn phải được thay đổi, nâng cao trình độ, chứ không phải làm một lần là xong. Còn việc thi GV giỏi hiện nay chỉ là diễn thôi không đem lại sự vui thú nghề nghiệp cho bản thân GV. Mà chúng ta phải thực sự thay đổi. Làm được đến đâu, ai đạt được thì nâng lương để khích lệ. Chứ không cần nâng đồng loạt cũng được. Họ thấy việc làm tốt mang lại đời sống ấm no cho mình thì họ sẽ cố gắng.

Hiện nay ba khâu trong đào tạo GV chúng ta giải quyết không đồng bộ. Khâu thứ nhất là đào tạo bồi dưỡng, tức là các trường sư phạm phải thay đổi trước. Đào tạo nghề thực sự chứ không phải chỉ lý thuyết khoa học. Phần tay nghề, tâm lý, giáo dục được đào tạo rất ít. Các sinh viên ra trường không có tay nghề. Thứ hai là sử dụng và chọn lọc. Đi đến đâu sử dụng? Ai giỏi ai tốt ai làm được, thì phải khuyến khích nâng lương. Và qua thời gian, người nào thấy chưa phù hợp phải cho người ta về nhà. Khâu thứ ba là đãi ngộ. Chúng ta phải thực hiện đồng bộ cả ba. Chứ hiện chúng ta cứ để phần đãi ngộ cứ treo lơ lửng. Ngành nọ đổi cho Bộ kia, thì tôi cho là không phù hợp. Để đất nước mình có được nền giáo dục tiên tiến thì tôi cho phải làm được điều đó. Việc cấp thiết thì phải lo ngay. Tại sao chúng ta cứ đổ hết nỗi lo vào cái đâu đâu, còn việc ngay trước mắt thì lại chẳng quan tâm.

Ông vừa nhắc đến việc tăng lương cho GV, nhưng không cần tăng đồng loạt. Nghĩa là sẽ trả lương theo công việc nhiều hay ít của từng GV?

- Tôi không đòi hỏi trả lương cho GV phải hơn ngân sách nhà nước cho. Nhưng quan điểm của tôi, nên cho các trường được tự chủ. Người ta sử dụng số lượng GV bao nhiêu là người ta phải tính. Hiện nay việc trả lương rất lạc hậu khi chỉ tính số giờ. Mà công việc ở trường rất nhiều, việc của GV chủ nhiệm rất nặng nhưng chỉ cho 4 tiết… Quan điểm của tôi đấy là một chức danh không phải ai dạy học cũng làm chủ nhiệm được. Những người làm quản lý một lớp này tôi gọi hiệu trưởng con. Họ lãnh đạo một lớp, hình thành phát triển nhân cách cho các em, dạy giá trị sống, kỹ năng sống, làm công tác đoàn đội, tư vấn tâm lý…

Cho nên theo tôi, tất cả đều phải quy ra tiền để trả công cho xứng đáng. Thứ hai, hiện nay chúng ta để chất xám, tiền bạc chảy vào các trường quốc tế, chảy ra nước ngoài rất nhiều. Tại sao chúng ta không tổ chức các trường chất lượng cao để thu lại? Quan điểm của tôi không xin thêm nhà nước, nhưng cho người ta được tự chủ, các trường đều nên được tự chủ từ mầm non. Tự chủ về xây dựng chương trình, tự chủ về nhân sự, tài chính, trả lương… Tôi chắc chắn giao các trường tự chủ, với ngân sách nhà nước chu cấp, thì tôi nghĩ họ sẽ tự biết bảo ban nhau, lương cũng tăng.

Có ý kiến cho rằng, mỗi một cơ sở giáo dục, tất cả thành bại đều ở người đứng đầu. Quan điểm của ông thì sao?

- Đúng vậy. Thành hay bại đều ở hiệu trưởng. Nếu là giám đốc nhà máy thì thường người ta sẽ xem xét đến vấn đề tạo ra được bao nhiêu lợi nhuận, nhưng trong giáo dục thì không đo lợi nhuận theo kiểu đó, mà đo là ông ấy tác động thay đổi nhân cách của học sinh như thế nào, tác động thay đổi nhân cách người thầy như thế nào. Bởi sản phẩm của giáo dục là nhân cách của thầy và trò. Sứ mệnh của người hiệu trưởng phải làm được điều đó. Như thế thì vai trò họ rất lớn. Nhưng nếu chúng ta cứ để vai trò rất lớn ấy cho người không đủ năng lực phẩm chất thì sẽ phản tác dụng. Biến nhà trường thành công cụ để ông thể hiện quyền lực, dẫn đến tha hoá.

Tôi đánh giá hiệu trưởng không phải chỉ là nhà quản lý, lãnh đạo mà quan trọng hiệu trưởng phải làm nhà giáo dục. Tuy nhiên hiện chúng ta đang coi nhẹ. Và để hoàn toàn phải chịu trách nhiệm, tôi muốn đưa phân cấp quản lý giao cho các trường tự chủ, nhưng không phải giao đồng loạt. Hiệu trưởng nào có năng lực, có phẩm chất, chịu trách nhiệm với dân với nước, đủ trọng trách sứ mệnh với nhà nước với dân thì giao… Giáo dục phải đến với từng con trẻ, từng học sinh một. Chúng ta cứ quen giáo dục độc lập, cứ giảng hết bài là xong. Quan trọng trong dạy học là thầy phải tổ chức cho học sinh trải nghiệm, có ý thức vận dụng chứ không phải mớ lý thuyết loanh quanh luẩn quẩn. Cho nên việc huấn luyện GV, huấn luyện hiệu trưởng phải đặt vai trò lên hàng đầu.

Xin cảm ơn ông!

Huyền Trang