Thị trường xuất khẩu cá tra: Cần hành động hơn giải thích
Thị trường Trung Quốc nổi lên và dẫn đầu về nhập khẩu cá tra của Việt Nam, song sự rủi ro vẫn là nỗi lo của ngành cá tra đối với thị trường này. Trong khi đó, thị trường EU những năm gần đây lại sụt giảm do nhiều nguyên nhân, đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm đối với sản phẩm cá tra xuất khẩu của Việt Nam.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Cần Thơ.
Báo cáo tại Hội thảo, ông Võ Hùng Dũng- Phó Chủ tịch Thường trực VINAPA cho biết: Mỹ là thị trường luôn chiếm khoảng 20 – 30% cá tra xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, gần đây lại xuất hiện thị trường mới nổi là Trung Quốc, giá trị và cơ cấu kim ngạch xuất khẩu qua thị trường này ngày càng có xu hướng tăng (năm 2014 là 6,4%, năm 2015 là 10,3%, năm 2016 là 17,8% và 10 tháng đầu năm 2017 đạt 22,8%). Cuối năm 2017, Trung Quốc vượt qua Mỹ để dẫn đầu thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam.
Các hoạt động xúc tiến sang Trung Quốc không chỉ giới hạn ở vùng duyên hải mà sâu bên trong nội địa (Hồ Bắc, Tứ Xuyên). Đây là thị trường tiềm năng nhưng đang là điểm nóng của thế giới về vệ sinh an toàn thực phẩm, do đó kiểm soát hàng hóa qua tiểu ngạch là một vấn đề đang đặt ra. Thị trường Trung Quốc cũng đòi hỏi sản phẩm phải đảm bảo chất lượng và sản phẩm cá tra xuất sang đây cũng dần sẽ theo những tiêu chuẩn nhất định mà phía Trung Quốc yêu cầu.
Theo ông Trần Văn Công- Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, EU và Mỹ là hai thị trường xuất khẩu cá tra lớn của Việt Nam, luôn chiếm trên 45% tỷ trọng. Nhưng vài năm trở lại đây, xuất khẩu cá tra sang thị trường EU sụt giảm, từ chỗ chiếm tỷ trọng 24% năm 2012 xuống còn 15% năm 2016. Trong 9 tháng đầu năm 2017, kim ngạch sang EU đạt 154 triệu USD, chiếm tỷ trọng 11,8%, đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Mỹ.
Phó Chủ tịch VINAPA Võ Hùng Dũng cho biết, các vấn đề mà EU lo ngại đối với cá tra Việt Nam, Bộ NN&PTNT và Bộ Ngoại giao đã làm việc với phía EU cũng như các cơ quan truyền thông của họ để làm rõ các vấn đề mà phái đối tác nghi ngờ. Tuy nhiên, theo ông Dũng, chúng ta cần phải có chương trình hành động chứ không chỉ là giải thích với họ, nếu chỉ giải thích thôi thì không xong. Không nên dựa vào một thị trường duy nhất mà phớt lờ những cảnh báo của thị trường khác như EU...
Ông Lê Anh Ngọc (Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản) thông tin: Theo quy định chung của EU, để một nước hay vùng lãnh thổ được phép xuất khẩu các sản phẩm có nguồn gốc động vật vào EU thì phải được cơ quan thẩm quyền EU đánh giá tương đương về hệ thống luật pháp, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, chương trình giám sát quốc gia… Đối với thủy sản, Việt Nam đã được đánh giá từ năm 1998 và đến nay đã có 475 cơ sở chế biến thủy sản nằm trong danh sách của EU, trong đó có hơn 100 cơ sở chế biến cá tra. Việt Nam là một trong 5 nước dẫn đầu về kim ngạch thủy sản xuất khẩu vào EU.
Theo ông Ngọc, Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ hóa chất nhập khẩu sử dụng trong công nghiệp, xử lý kịp thời vướng mắc, thúc đẩy xuất khẩu thủy sản. Các tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về an toàn thực phẩm, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản áp dụng quy trình quản lý chất lượng đảm bảo, hỗ trợ doanh nghiệp chế biến xuất khẩu kết nối, xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo yêu cầu thị trường và truy xuất được nguồn gốc. Doanh nghiệp chế biến phải tăng cường kiểm soát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, đặc biệt là chất kháng sinh đối với các lô hàng xuất khẩu, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của các cơ quan chức năng…