Khánh Hòa: Nỗ lực phân bổ nguồn cứu trợ kịp thời đến với người dân bị thiệt hại
Tâm bão số 12 đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Khánh Hòa đã để lại hậu quả nặng nề. Đến nay, cả hệ thống chính trị của tỉnh vẫn đang nỗ lực giúp người dân từng bước khắc phục hậu quả thiệt hại, sớm ổn định đời sống, khôi phục lại sản xuất, chăn nuôi, góp phần giúp đồng bào trong tỉnh có điều kiện vượt qua khó khăn.
Ông Trần Ngọc Thanh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa.
PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa xung quanh vấn đề này.
PV: Bão số 12 đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản của nhân dân. Sau khi bão tan, Mặt trận tỉnh đã có lời kêu gọi các tầng lớp nhân dân chung tay hỗ trợ đồng bào thiệt hại. Kết quả đến nay như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Ngọc Thanh: Cơn bão số 12 đổ bộ vào tỉnh Khánh Hòa đã để lại hậu quả quá nặng nề.
Toàn tỉnh có 44 người chết, 1 người mất tích, 229 người bị thương; 2.817 căn nhà sập hoàn toàn, 115.585 căn nhà bị hư hại; hơn 300 trường học và 45 cơ sở y tế bị hư hỏng; 36.306 ha cây trồng bị ngập và hư hại; trên 370 nghìn gia súc, gia cầm bị chết và bị cuốn trôi; 1.609 tàu thuyền bị chìm và hư hỏng nặng; 35.785 lồng bè và hơn 1.750 ha ao, đầm nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại hoàn toàn; nhiều công trình thủy lợi, giao thông, hệ thống điện, thông tin liên lạc, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhà xưởng và các cơ sở sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, bị thiệt hại nặng… Tổng thiệt hại ước tính hơn 14.700 tỷ đồng.
Được sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, căn cứ vào tình hình thực tế, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã có thư kêu gọi gửi đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tỉnh. Đồng thời, các đồng chí lãnh đạo Trung ương, các bộ, ngành, tỉnh bạn đã trực tiếp vào thăm, chia sẻ và hỗ trợ cho nhân dân trong tỉnh.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã quyên góp hỗ trợ với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, nhường cơm sẻ áo, hỗ trợ đồng bào trong tỉnh khắc phục hậu quả. Tình cảm, trách nhiệm đối với nhân dân vùng thiệt hại đã lan tỏa sâu rộng, thôi thúc những tấm lòng thiện nguyện đến từng hộ có người thiệt mạng, bị sập nhà… san sẻ đau thương, mất mát.
Nhiều tổ chức, cá nhân đã âm thầm, lặng lẽ trực tiếp đến tận vùng bị thiệt hại nặng để chia sẻ, trao tặng những phần quà ý nghĩa giúp người dân cảm thấy ấm lòng hơn. Những tấm lòng, tình cảm đó thật đáng trân trọng.
Vậy Mặt trận tỉnh đã có những chỉ đạo và việc làm cụ thể nào, thưa ông?
Để nhanh chóng khắc phục hậu quả do cơn bão số 12 gây ra, giúp người dân bị thiệt hại sớm ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã triển khai văn bản đề nghị Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác vận động, huy động đông đảo các lực lượng: bộ đội, biên phòng, thanh niên, phụ nữ,.v.v…, phương tiện tại chỗ trên địa bàn và phối hợp tốt với các đơn vị tăng cường để hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại: sửa chữa nhà cửa, các công trình công cộng, tham gia tổng vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh... giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất.
Tổ chức nắm chắc tình hình thiệt hại, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người bị chết, bị thương, gia đình có nhà sập hoàn toàn, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Khẩn trương triển khai công tác tiếp nhận cứu trợ (thành lập bộ phận tiếp nhận và thực hiện tốt việc điều phối công tác phân bổ cứu trợ các cấp trên địa bàn) chú trọng công tác tập trung cứu trợ những khu vực bị thiệt hại nặng và hộ nghèo, không để hộ đói xảy ra trên địa bàn.
Ngay sau bão, Mặt trận đã kịp thời đến thăm, chia buồn, động viên và hỗ trợ các gia đình có người chết và bị thương nặng. Bên cạnh đó, Mặt trận cũng dành hơn 350 suất quà hỗ trợ để trực tiếp trao cho những hộ nghèo, hộ chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nhà bị ảnh hưởng do bão.
Đồng thời nhanh chóng chỉ đạo, hướng dẫn Mặt trận cơ sở tập trung thực hiện các hoạt động cứu trợ, trợ giúp người dân; vận động người dân phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ người khó khăn trong lúc hoạn nạn.
Mặt trận tỉnh tiếp nhận ủng hộ từ các đơn vị.
Từ nguồn kinh phí kêu gọi, tiếp nhận hỗ trợ, Mặt trận tỉnh đã hỗ trợ và tiếp tục thực hiện phân bổ như thế nào, thưa ông?
Tính từ ngày 5/11 (sau bão số 12 đổ bộ 1 ngày) đến nay, Mặt trận tỉnh đã tiếp nhận khoảng 45 tỷ đồng của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ người dân. Để nguồn hỗ trợ này đến đúng đối tượng, Mặt trận các cấp đang phối hợp với các ngành chức năng thực hiện thống kê, lập danh sách những hộ bị thiệt hại do bão.
Đồng thời, bình xét, niêm yết công khai danh sách những hộ bị thiệt hại ở khu dân cư, thôn, xóm để người dân giám sát. Trên cơ sở đó, Mặt trận tỉnh sẽ nhanh chóng chuyển nguồn hỗ trợ này cho người dân xây, sửa chữa lại nhà ở, khôi phục lại sản xuất, chăn nuôi, góp phần giúp đồng bào trong tỉnh có điều kiện vượt qua khó khăn, vươn lên sớm ổn định cuộc sống.
Bên cạnh việc tỉnh Khánh Hòa đã ứng ngân sách về cho huyện, thị, thành phố để hỗ trợ khắc phục thiệt hại về y tế, trường học, dân sinh…, trước mắt, Mặt trận tỉnh sẽ làm thủ tục chuyển gần 19 tỷ đồng từ nguồn vận động của Trung ương, các địa phương, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm… về Mặt trận các huyện, thị, thành phố để cùng với nguồn ngân sách của tỉnh hỗ trợ các hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, hộ chính sách, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có nhà sập hoàn toàn và tổ chức thăm người chết, người bị thương nặng do bão.
Cụ thể: hỗ trợ 20 triệu/nhà cho 609 nhà thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, hộ chính sách; hỗ trợ 10 triệu/nhà cho 177 nhà thuộc đối tượng hộ cận nghèo nhà bán kiên cố; hỗ trợ 7 triệu/nhà đối với 110 hộ cận nghèo nhà đơn sơ; hỗ trợ 5 triệu/nhà cho 911 hộ có hoàn cảnh khó khăn nhà bán kiên cố; hỗ trợ 4 triệu/nhà cho 207 hộ có hoàn cảnh khó khăn nhà đơn sơ.
Ngoài ra, Mặt trận tỉnh sẽ chuyển 22 tỷ về cho các địa phương (trong đó huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa mỗi địa phương 4 tỷ; huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn, mỗi địa phương 3 tỷ; thành phố Nha Trang, huyện Khánh Sơn, huyện Cam Lâm, thành phố Cam Ranh, mỗi địa phương 2 tỷ) để hỗ trợ sửa chữa nhà bị hư hỏng nặng và hỗ trợ giống…để khôi phục sản xuất đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn (mức hỗ trợ cụ thể tùy theo điều kiện kinh phí từng địa phương nhưng không vượt quá mức quy định chung của tỉnh).
Lãnh đạo Mặt trận tỉnh Khánh Hòa thăm hỏi, động viên và có những hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại do bão số 12.
Trong thời gian tới, Mặt trận và các đoàn thể sẽ tiếp tục tập trung vào những vấn đề gì, thưa ông?
Thời gian tới, Mặt trận các cấp và các đoàn thể tiếp tục phát động phong trào thi đua lao động, sản xuất, khắc phục hậu quả thiên tai. Triển khai sâu rộng các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”…
Tin tưởng rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức, nhân dân trong và ngoài tỉnh, với sự nỗ lực vươn lên của nhân dân Khánh Hòa, hậu quả thiên tai sẽ nhanh chóng được khắc phục, đời sống nhân dân sớm ổn định. Đặc biệt, Mặt trận sẽ không để người dân nào bị ảnh hưởng thiệt hại do bão số 12 thiếu đói.
Trân trọng cảm ơn ông!