Nhật hoàng Akihito ấn định ngày thoái vị, phá vỡ truyền thống 200 năm

Khánh Duy 02/12/2017 08:00

Vị Nhật hoàng được người dân hết sức mến mộ đã được ấn định ngày thoái vị vào hôm 30/4/2019, trở thành thành viên hoàng gia đầu tiên của Nhật Bản từ bỏ vị trí của mình trong suốt 2 thế kỷ qua.

Nhật hoàng Akihito (phải). (Nguồn: Reuters).

Quyết định trên được đưa ra tại một cuộc họp của Hội đồng Hoàng gia Nhật Bản và được Thủ tướng Nhật Shinzo Abe công bố trong hôm 1/12.

Hoàng thái tử Naruhito, người đã được định sẵn sẽ kế vị cha mình, sẽ lên ngôi chính thức từ ngày 1/5/2019, trở thành Nhật hoàng thứ 126 ngồi lên chiếc Ngai vàng Hoa cúc.

"Tôi sẽ nỗ lực hết mình để đảm bảo rằng lễ thoái vị của Nhật hoàng và lễ kế vị của Hoàng thái tử diễn ra một cách suôn sẻ, với sự chúc phúc của tất cả người dân của chúng ta" - Thủ tướng Abe nói.

Tại thủ đô Tokyo hôm 1/12, nhiều người dân đã thể hiện rõ sự buồn bã về việc Nhật hoàng Akihito.

"Ông ấy đã trở thành Nhật hoàng khi đất nước đang tìm kiếm một hình ảnh mới cho đất nước, và tôi nghĩ rằng lời cam kết của ông với hòa bình đã trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực của Nhật Bản. Tôi hy vọng rằng điều này sẽ tiếp tục" - Satomi Kitamura, một người dân ở Tokyo nói với Reuters.

Kenichiro Yasuda, một nhân viên ngân hàng, nói rằng ông cảm thấy buồn khi nghe thông tin trên. "Nhưng tôi cũng hiểu vì ông ấy đã già rồi. Thật tốt nếu người kế vị đã sẵn sàng", ông Yasuda nói.

Kế hoạch thoái vị

Vào tháng 8-2016, Nhật hoàng Akihito đã đưa ra một bài phát biểu hiếm thấy trực tiếp trên truyền hình, trong đó nói rằng tuổi tác và sức khỏe của ông hiện tại khiến ông khó có thể đảm nhiệm vụ trí hiện tại trong tương lai, một tuyên bố mà nhiều người ngầm hiểu là ý định thoái vị của ông.

Sau bài phát biểu nọ, Quốc hội nhật Bản đã thông qua một bộ luật lịch sử cho phép Nhật hoàng Akihito, 83 tuổi, được thoái vị nếu ông lựa chọn như vậy.

"Khi nhận thấy sức khỏe của mình đang suy giảm, tôi lo rằng nó sẽ gây trở ngại cho tôi trong việc thực hiện các trọng trách với tư cách một biểu tượng của đất nước, vai trò mà tôi đã cáng đáng cho đến nay" - Nhật hoàng Akihito nói trong bài phát biểu năm 2016.

Được biết hoàng gia Nhật Bản là gia đình hoàng tộc theo quan hệ cha truyền con nối lâu đời nhất trên thế giới, bắt đầu từ thế kỷ 14.

Nhật hoàng Akihito là truyền nhân trực tiếp của hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản, Jimmu, được cho có thời gian trị vì vào khoảng năm 660 trước CN.

Vị Nhật hoàng gần đây nhất từng tuyên bố thoái vị là Kokaku vào năm 1817, tức vào cuối thời Edo. Xét tổng quan, một vị Nhật hoàng không được phép thoái vị chiếu theo cơ sở pháp lý của Nhật Bản.

Biểu tượng của hòa bình

Nhật hoàng Akihito, sinh vào tháng 12/1933, trong những năm gần đây đã phải vật lộn với nhiều vấn đề về sức khỏe, trong đó ông đã trải qua một cuộc phẫu thuật tim và điều trị ung thư, như đề cập trong bài phát biểu năm 2016.

"Tôi bắt đầu suy nghĩ về tương lai, làm thế nào để thực hiện các trọng trách trong khi chăm sóc tốt cho bản thân, và điều gì là tốt nhất cho đất nước, cho người dân và cả cho các thành viên hoàng tộc" - Nhật hoàng Akihito nói.

Nhật hoàng Akihito vốn được xem là một hình tượng thúc đẩy hòa bình của Nhật Bản sau thời chiến. Ông từng nhiều lần thể hiện sự hối tiếc về những hành động của Nhật trước và trong Thế chiến II, trong đó có một chuyến thăm tới Trung Quốc vào năm 1992, dù không đưa ra lời xin lỗi chính thức.

Con trai ông, Hoàng thái tử Naruhito, cũng là người ủng hộ quan điểm của cha mình liên quan tới các hành động thời chiến của Nhật, nói rằng các hoạt động của đất nước ông trong thời kỳ chiến tranh cần được nhớ tới "một cách chính xác".

"Ngày nay, khi ký ức về chiến tranh đang phai mờ dần, điều quan trọng là phải nhìn lại quá khứ một cách khiêm nhường, và truyền đạt lại một cách chính xác tới những người không có hiểu biết trực tiếp" - Hoàng thái tử Naruhito nói trong một cuộc họp báo năm 2015.

Nhật hoàng Akihito từng phá vỡ truyền thống hơn 1.500 của gia đình hoàng tộc khi kết hôn với một thường dân, bà Michiko Shoda, vào năm 1959. Sau đó, con trai ông cũng làm tương tự vào năm 1993 khi tổ chức đám cưới với bà Masako, một nhà ngoại giao tốt nghiệp ĐH Havard.

Khánh Duy