Điện lại tăng giá
Từ ngày 1-12, giá điện đã chính thức được điều chỉnh lên mức 1.720,65 đồng/kWh, tăng thêm 6,08% so với giá điện bình quân hiện hành (1.622,01 đồng/kWh).
Tại buổi họp báo công bố giá điện do Bộ Công thương tổ chức chiều ngày 1/12, nhiều ý kiến cho rằng, việc công bố tăng giá điện ngày hôm trước, mà hôm sau tăng ngay lập tức là bất ngờ, sẽ có ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp cũng như đời sống sinh hoạt của người dân.
Quang cảnh buổi họp báo.
Tính toán khi điều chỉnh giá
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Anh Tuấn- cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành giá bán lẻ điện năm 2017 thì giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh với mức giá mới là 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.622,01 đồng/kWh). Thời điểm điểu chỉnh là từ 1/12/2017.
Việc điều chỉnh giá bán điện lần này được thực hiện trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 đã được kiểm toán độc lập và kiểm tra bởi tổ công tác liên Bộ, trong đó có xem xét đến các yếu tố tăng giảm chi phí đầu vào và các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 và chi phí ước thực hiện năm 2017 theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán điện lẻ bình quân.
Mức giá cho từng nhóm khách hàng được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Ông Tuấn cho biết thêm, việc điều chỉnh tăng giá điện cũng dựa trên báo cáo đánh giá về giá thành điện năm 2016, được thực hiện bởi một tổ công tác do Bộ Công thương thành lập với các đại diện từ Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đại diện Hội Điện lực, VCCI, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
“Tổ công tác sau đó đã có kiểm tra để báo cáo với lãnh đạo Bộ. Sau khi kết thúc kiểm tra báo cáo giá thành thì có thông cáo báo chí gửi đến giới báo chí. Báo cáo này là một trong những cơ sở để quyết định tăng giá điện lần này nhưng không phải cơ sở duy nhất. Cụ thể, căn cứ Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ khung giá bán lẻ điện 2016 - 2020. Tiếp đó là kết quả kiểm tra giá thành điện năm 2016, cơ sở giá bán lẻ điện do EVN xây dựng. Làm sao để không phải xây dựng phương án tăng giá điện chỉ trong lần này mà xây dựng các phương án phát triển giá điện, xem xét ảnh hưởng đến chỉ số CPI, GDP”- theo ông Tuấn.
Vẫn còn “cơ chế mật”?
Trả lời câu hỏi của báo giới về việc, báo cáo của EVN cho thấy, tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2016 EVN lãi 2.658,20 tỷ đồng, vậy tại sao ngành điện vẫn quyết định tăng giá?
Việc tăng giá này đã tính toán đến những tác động đến các lĩnh vực khác của nền kinh tế hay chưa?
Ông Tuấn cho biết, số lãi là lãi chung của các hoạt động sản xuất kinh doanh điện như thu nhập hoạt động tài chính của công ty mẹ - EVN (từ lãi tiền gửi, thu nhập từ phí cho vay lại, lãi cho Genco, NPT vay lại; thu nhập hoạt động tài chính của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia; thu nhập hoạt động tài chính của các Tổng công ty Điện lực…
Còn hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016, theo cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, đã bị lỗ 593,46 tỷ đồng. Cũng theo vị này, EVN vẫn còn treo 1 khoản 9.000 tỷ đồng lỗ do biến động tỷ giá từ nhiều năm trước, đây là một con số rất lớn chưa được phân bổ vào giá thành điện.
“Theo yêu cầu thì lỗ phải đưa vào biểu giá điện ngay lập tức nhưng Chính phủ không làm như vậy luôn mà Bộ Tài chính đã đưa vào trong từng năm và có lộ trình cụ thể”- ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, khoản tiền EVN bị lỗ 9.000 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá mà đưa ngay vào giá bán lẻ điện thì áp lực rất lớn cho nên trong những năm trước đây thì thực hiện theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ là giãn việc đưa chênh lệch tỷ giá vào giá điện, trong lần này chúng ta cũng chỉ mới đưa vào một phần.
Trả lời thắc mắc về việc chia mức tính giá điện như trong biểu giá điện mới đã hợp lý hay chưa, khi mà dư luận cho rằng, chỉ có một số ít hộ được hưởng giá điện thấp, còn lại phần lớn người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vẫn phải trả giá điện cao khi sử dụng lên trên 400kwh/ tháng, ông Tuấn cho rằng, số hộ sử dụng kwh điện cao (trên 400kwh) chỉ chiếm 5,7% tổng số hộ sử dụng điện hiện nay, còn 78% số hộ sử dụng trong mức từ 200 – dưới 400 kwh/tháng, do đó, tác động tăng giá điện lên các hộ sinh hoạt không ảnh hưởng nhiều.
Đánh giá về quyết định tăng giá lần này của ngành điện, ông Nguyễn Minh Đức- đại diện tổ kiểm tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc thành lập tổ công tác kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành điện bao gồm nhiều thành phần như Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đại diện Hội Điện lực, VCCI, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… cho thấy đã có những bước tiến trong việc công khai minh bạch hoạt động của ngành điện.
Tuy nhiên, ngành điện mới chỉ thể hiện sự công khai minh bạch ở việc kiểm tra, có nghĩa là có đại diện của cả bên mua và bên bán điện.
Còn khi quyết tăng giá lại chỉ có sự tham gia của bên bán điện chứ chưa có sự tham gia của bên mua điện. “Tôi cho rằng, việc tăng giá là bao nhiêu, ở mức nào nên có sự tham gia đầy đủ của cả bên mua và bên bán, chứ không nên vẫn để ở “cơ chế mật” như vậy”- ông Đức nhận định.
Đồng quan điểm với đại diện VCCI, ông Nguyễn Mạnh Hùng- phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, giá điện là đầu vào của mọi ngành sản xuất, kinh doanh, mọi sinh hoạt của người dân, do đó, việc công bố giá điện không nên quá bất ngờ, vừa thông báo hôm trước, hôm sau đã tăng giá, sẽ gây ra cú sốc cho người dân, đặc biệt ảnh hưởng đến các kế hoạch sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo Cục Điều tiết điện lực, tác động việc tăng giá điện từ 1-12-2017: Các hộ nhóm kinh doanh dịch vụ tăng chi phí thêm 5,7%, khách hàng sản xuất là 1,4%, khách hàng sinh hoạt là các hộ sử dụng tới 50 kwh/tháng: tăng 3.250 đồng/tháng, tới 100 kwh là 6.600 đồng/tháng, 300 kwh là 23.000 đồng/tháng và tới 400 kwh là 34.800 đồng/tháng. Hiện có 5,4 triệu khách hàng chiếm 22,7% có tiêu thụ từ 50-100 kwh, Có 4,1 triệu hộ tiêu thụ (chiếm 17%) dưới 50 kwh tới 200 là 5,2 triệu hộ. Tăng giá điện làm tăng 0,07% giá sản xuất và làm tăng 0,08% CPI trong năm 2017. Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ các hộ nghèo, hộ chính sách với mức dưới 50 kwh, được hỗ trợ 51 nghìn đồng/tháng. Có khoảng 3,5-4 triệu hộ được hỗ trợ với 2.500 tỷ đồng/năm. |