Đạo đức kinh doanh
Những ngày này, cái tên địa ốc Alibaba được nhiều người nhắc đến, nhất là khi Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đang tập hợp hồ sơ và lấy ý kiến các sở, ngành hữu quan để định khung xử lý đối với sai phạm của doanh nghiệp này.
Câu chuyện của doanh nghiệp này một lần nữa khiến người ta đặt lại vấn đề đạo đức doanh nghiệp trong kinh doanh. Đành rằng, đã là doanh nghiệp thì phải tính tới lợi nhuận, nhưng phải chăng lợi nhuận là trên hết khi sẵn sàng hy sinh quyền lợi của cộng đồng?
Địa ốc Alibaba xưng là chủ đầu tư một dự án tại Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh). Không có gì đáng nói vì Dự án đã được UBND TPHCM phê duyệt quy hoạch phân khu 1/2.000 từ năm 2013).
Nhưng, vấn đề ở đây là doanh nghiệp đã gom tiền và giữ chỗ cho khách hàng trong khi không hề được quyền, có nghĩa là vi phạm pháp luật.
Dự án chưa được bồi thường giải phóng mặt bằng và còn rất nhiều hộ dân sinh sống ở đây. Dự án không chỉ sai phạm khi huy động vốn sai quy định đối với bất động sản hình thành trong tương lai theo Luật Kinh doanh bất động sản, mà còn vi phạm nhiều quy định khác.
Về vấn đề này, theo ông Huỳnh Thế Du- Chương trình giảng dạy Fulbright Việt Nam thì “nhiều người có xu hướng quan tâm túi tiền hơn là “túi” đạo đức.
Theo ông Du, đối với doanh nhân, mục tiêu hướng tới không phải là lợi nhuận đặt trên giá trị, mà phải đặt sự chính trực lên đầu và coi như một giá trị nền tảng.
Còn theo Luật sư Trương Thị Hòa thì người kinh doanh phải có cái tâm đạo đức trong kinh doanh.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào doanh nghiệp cũng phải giữ được đạo đức pháp lý vì đó là vấn đề rất quan trọng, bởi vì khi kinh doanh sẽ có những thời điểm doanh nghiệp gặp khó khăn.
Việc vi phạm đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân không phải bây giờ mới có, cũng không phải chỉ xảy ra đối với doanh nghiệp bất động sản Alibaba nói trên.
Đáng tiếc là nó xảy ra ở nhiều doanh nghiệp, nhiều nơi, nhiều lúc. Chính điều đó đã làm hỏng môi trường kinh doanh của Việt Nam, khiến cho doanh nghiệp khó “lớn” và mất uy tín.
Đó phải được coi là điều tệ hại, nhất là khi nền kinh tế thị trường ngày một rộng cửa và sự hội nhập kinh tế Việt Nam vào thế giới ngày càng sâu rộng.
Người ta cũng chưa quên vụ Khaisil- một thương hiệu lớn về lụa tơ tằm Việt Nam, lại cũng nhập nhèm trong việc bán sản phẩm.
Khi mà sản phẩm rất đặc biệt của Việt Nam nhưng lại bị “trộn” với sản phẩm kém chất lượng nhập giá rẻ từ nước ngoài, thì vấn đề không thể coi là chuyện nhỏ.
Vì đó chính là đạo đức kinh doanh đã bị hủy hoại, và theo đó là một nhãn hiệu hàng hóa đặc biệt của Việt Nam cũng bị hủy hoại theo.
Chẳng lẽ những vụ lừa đảo trong kinh doanh địa ốc, bất động sản vẫn cứ kéo dài dằng dặc, từ năm này qua năm khác?
Nếu như ở Hà Nội, người mua đất từng khóc ròng với cái tên Châu Thị Thu Nga gắn với Công ty Housing Group, dự án B5 Cầu Diễn bao nhiêu thì còn ở những địa phương khác, biết bao người cũng lại bị lừa.
Thật đáng buồn là với những gì đang diễn ra, người ta nhận thấy không ít điều bình thường thì giá trị đạo đức lại là khái niệm xa xỉ. Các mục tiêu bị đảo lộn, không ít người kinh doanh sẵn sàng vì lợi nhuận mà làm trái đạo đức, lừa đảo.
Ở chiều ngược lại, khách hàng cũng vì muốn có lợi nên mù mờ chạy theo đám đông giao tiền cho kẻ lừa đảo.
Tình trạng nhiều doanh nghiệp trong nước không sản xuất, không có quyền kinh doanh nhưng tự phong quyền cho mình, tự PR hình ảnh để lừa đảo người tiêu dùng không chỉ xuất hiện ở lĩnh vực bất động sản mà còn ở nhiều lĩnh vực khác.
Còn bao nhiêu doanh nghiệp đang lừa dối người tiêu dùng mà chưa bị “bóc mẽ”?
Câu hỏi này sẽ khó để trả lời, nhưng chắc chắc sự nghi ngại của người tiêu dùng sẽ tăng lên theo cấp số nhân khi mà vẫn tồn tại những doanh nhân chỉ chú ý tới túi tiền mà không coi “túi đạo đức” ra gì.
Trở lại với hành vi sai phạm của địa ốc Alibaba khi tự nhận là chủ đầu tư đã vi phạm hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản.
Nhưng đối với hành vi này luật chỉ quy định xử phạt từ 50 triệu đến 60 triệu đồng; cùng đó là buộc cung cấp thông tin đầy đủ hoặc cải chính thông tin không chính xác hoặc buộc gửi danh sách đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Dư luận cho rằng, xử phạt như vậy là quá nhẹ. Nhẹ đến độ doanh nghiệp không coi vào đâu, vẫn tiếp tục vi phạm và chịu phạt.
Vì rằng mỗi khi vi phạm họ kiếm lợi nhuận gấp trăm, ngàn lần tiền bị phạt. Như vậy, với biện pháp chế tài ấy, liệu có làm doanh nghiệp chùn tay?
Không, chắc chắn là không! Vì thế mới nói, việc kêu gọi đạo đức kinh doanh là cần thiết nhưng chưa đủ. Mà rất cần chế tài đủ mạnh để kinh doanh vào khuôn khổ, theo đúng quy định của pháp luật.
Đạo đức phải đi cùng với luật pháp, chỉ có như vậy mọi sự mới trở nên tốt đẹp, như người ta vẫn nói, đó là văn minh thương mại!