Bạo hành trẻ em: Liệu có triệt được tận gốc?
Những vụ việc bạo hành, ngược đãi trẻ mầm non tại các cơ sở ngoài công lập (NCL) tái diễn nhiều lần trong thời gian qua, khiến dư luận thực sự băn khoăn về vai trò của các cơ quan có trách nhiệm trong việc quản lý các nhóm trẻ gia đình.
Bởi chừng nào mà việc mở trường còn dễ dãi, thì thực trạng trẻ bị bạo hành bởi chính những bảo mẫu vô lương tâm sẽ chưa thể chấm dứt.
Trẻ em cần được chăm sóc, quan tâm nhiều hơn.
Chưa được quan tâm đúng mức
Chiểu theo quy định hiện hành, việc mở trường mầm non tư thục phải tuân thủ các yêu cầu và quy trình chặt chẽ, với đầy đủ các quy định về điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực để thành lập trường...
Dẫu thế, những năm qua mô hình trường mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình tự phát mọc lên nhiều để đáp ứng nhu cầu cho lao động nghèo, lao động nhập cư, hoặc công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đa phần trong tình trạng mạnh ai nấy làm, bị buông lỏng quản lý, giám sát.
Theo nhận định của Bộ GD&&DT, mặc dù giáo dục mầm non NCL có số lượng trường, lớp tăng, tuy nhiên quy mô vẫn chưa đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh, nhất là công nhân lao động thuộc khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX).
Đánh giá 2 năm thực hiện Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các KCN-KCX, ông Nguyễn Bá Minh- vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT) cho hay, tính đến năm học 2016-2017, toàn quốc có 2.402 trường mầm non dân lập và tư thục chiếm tỷ lệ 16%.
So với năm học 2010 - 2011, số trường ngoài công lập tăng 1.044 trường. Những tỉnh/thành phố có tỷ lệ trường ngoài công lập cao như: Đà Nẵng 64,8%, Bình Dương 63,0%, TP HCM 60,8%.
Tuy nhiên một số địa phương mức độ đô thị hóa cao, tỷ lệ trẻ ngoài công lập khá lớn nhưng vẫn chỉ tồn tại ở quy mô các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục.
Trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi còn hạn chế. Nhiều nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục có quy mô lớn, vượt quá số trẻ so với quy định nhưng chưa đủ điều kiện thành lập trường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đối với trẻ.
Đội ngũ giáo viên ngoài công lập không ổn định, thường xuyên biến động ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.
Công tác quản lý các cơ sở giáo dục mầm non NCL ở một số địa phương còn nhiều bất cập, vẫn còn có nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục hoạt động khi chưa được cấp phép, số trẻ vượt quá quy định, còn xảy ra tình trạng mất an toàn đối với trẻ...
Ông Minh chia sẻ: Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng trường lớp mầm non ở các KCN-KCX, khu đông dân cư chưa được quan tâm đúng mức, trong khi khả năng đáp ứng nhu cầu gửi trẻ ở trường mầm non công lập không đảm bảo. Việc phối hợp giữa chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể và ngành GD-ĐT chưa chặt chẽ.
Sau mỗi vụ việc bạo hành trẻ tại những cơ sở tư thục, vấn đề đặt ra là phải quan tâm hơn nữa đến khoảng trống trong việc bảo vệ và chăm sóc trẻ ở những KCN- KCX và khu đông dân cư.
Nhưng dường như những nỗ lực cải thiện chưa nhích được là bao. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa: Việc xã hội hóa phát triển giáo dục mầm non NCL hiện nay chưa thu hút được các nhà đầu tư.
Họ chưa nhận được ưu đãi thích đáng về cơ chế chính sách, nguồn đầu tư, quyền sử dụng đất. Một số khu vực, do việc phát triển các KCN-KCX, khu đông dân cư chưa tính đến quy hoạch các thiết chế văn hóa, trong đó có cơ sở giáo dục mầm non.
Mặt khác, do đầu tư xã hội hóa cho các cơ sở giáo dục mầm non cần có vốn lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, nên chưa thực sự hấp dẫn nguồn lực của các nhà đầu tư.
Còn hệ lụy nếu tiếp tục buông lỏng
Như trên đã nói, quy định mở trường rất chặt chẽ, nhưng khảo sát trên thực tế, việc mở nhóm trẻ gia đình lại rất dễ dàng.
Nhiều người cho hay chỉ cần bỏ ra vài chục triệu là đã có thể mở được nhóm trẻ gia đình. Đơn cử như cải tạo lại nhà ở; tạo ra không gian chung, không gian nấu ăn; mua sắm thêm đồ chơi, tìm cách đối phó với cơ quan chức năng về đội ngũ giáo viên trông trẻ…
Theo phân cấp quản lý, nếu là trường mầm non thì phòng giáo dục cấp quận huyện cấp phép, cơ sở trông giữ trẻ do cấp xã phường cấp phép. Việc cấp phép (nếu có) thì đúng quy trình.
Việc thanh kiểm tra định kỳ, đột xuất nếu có cũng “đúng quy trình”, nhưng do làm kiểu “đối phó” nên khi có đoàn kiểm tra thì mọi thứ đạt chuẩn, còn những hình ảnh thực lại không giống như những gì trình diễn.
Câu chuyện bạo hành từ những nhóm trẻ gia đình, gần đây nhất là của cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (TP HCM), đã cho thấy việc phối hợp giữa các ngành chức năng với chính quyền địa phương trong công tác quản lý nhóm trẻ gia đình còn lỏng lẻo. Hơn thế lâu nay việc xử lý các cơ sở vi phạm cũng còn chưa quyết liệt, nên tất cả lại đâu đóng đấy.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho hay, mới đây Chính phủ đã có Quyết định 404 hỗ trợ nhóm trẻ phát triển độc lập tư thục. Theo đó 10 tỉnh thành đã thực hiện quyết định này, trong đó có TP HCM.
Các địa phương này đã hỗ trợ cơ sở vật chất, bồi dưỡng giáo viên để đủ cơ sở cấp phép nhóm lớp tư thục…
Tuy nhiên, để quản lý hoạt động của những cơ sở mầm non tư thục, bà Nghĩa cho rằng ngoài việc hỗ trợ cơ sở vật chất, công tác thanh tra kiểm tra cần đẩy mạnh hơn.
Cụ thể từ khâu cấp phép hoạt động phải làm chặt chẽ và tăng cường kiểm tra thường xuyên, đột xuất, xử lý nghiêm khắc những sai phạm.
Đặc biệt khi phát hiện những dấu hiệu có thể gây mất an toàn cho trẻ phải ráo riết yêu cầu các cơ sở mầm non khắc phục ngay để phòng ngừa nguy cơ.
Trở lại với những vụ việc bạo hành trẻ ở cơ sở mầm non tư nhân, hẳn những bảo mẫu gây ra nỗi đau về thể xác và tinh thần con trẻ trẻ sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm minh.
Nhưng rõ ràng trong những vụ việc ấy, dấu ấn trách nhiệm của chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành… vẫn còn vô cùng mờ nhạt.
Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em Ngày 1/12, hưởng ứng sự kiện của Việt Nam về việc khởi động sáng kiến toàn cầu “Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học”, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Lễ phát động “Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ trong gia đình và trường học” tại Trường THCS Thanh Xuân, quận Thanh Xuân (Hà Nội). Theo đó, các báo cáo cho thấy hiện nay bạo lực thân thể trẻ em vẫn đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Trung bình mỗi năm cả nước có khoảng trên 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại cần được hỗ trợ, can thiệp. Theo Bộ Công an, mỗi năm cả nước xảy ra 3.000-4.000 vụ bạo lực trẻ em, trong đó có khoảng 100 trẻ bị giết hại và 1.000 trẻ bị xâm hại tình dục được phát hiện… Cùng với đó, trong thời gian gần đây, nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra trong gia đình và nhà trường được phát hiện, khiến dư luận xã hội bất bình và lo ngại. Hậu quả của việc trẻ bị bạo hành không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn tổn thương tinh thần, trí tuệ cũng như tác động không tốt tới dư luận xã hội. Tại Lễ phát động, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã nêu ra những giải pháp để giảm thiểu và ngăn chặn vấn đề bạo lực thân thể đối với trẻ em, trong gia đình, nhà trường và xã hội. Cụ thể, các nhà trường cần thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức nhà giáo; Tích cực chỉ đạo và triển khai có hiệu quả Đề án “Giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020”; Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”; Xây dựng và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học; Triển khai công tác tư vấn học đường và thực hiện chương trình hành động phòng, chống bạo lực học đường, Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ ngày 16/5/2017 về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Bảo Thoa |