Toa tàu kinh tế sẽ có thêm nhiều đầu kéo mới
Tăng trưởng kinh tế dựa trên các động lực cũ như tài nguyên, khoáng sản, chi phí lao động thấp, đầu tư và mở rộng tín dụng hiện nay đã không còn phù hợp. Theo báo cáo của Chính phủ, dự báo tình hình năm 2018, kinh tế thế giới tăng trưởng cao hơn năm 2017 nhưng không đồng đều và còn nhiều rủi ro. Chính phủ cũng đặt ra con số tăng trưởng từ 6,5% đến 6,7%. Vậy làm sao để tập trung tăng trưởng chất lượng. PV Báo Đại Đoàn Kết lược ghi ý kiến từ một số chuyên gia kinh tế.
Ông Trần Đình Thiên - viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Tăng trưởng GDP hàng năm có vẻ tốt, nhưng tăng trưởng dài hạn có vấn đề. GDP tăng trưởng không tồi, nhưng cơ cấu ít thay đổi, nền kinh tế chậm trưởng thành, DN Việt chậm lớn, khó lớn. Liệu những năm tới có đảo ngược được? Dựa vào cơ sở nào là những điều chúng ta cần quan tâm.
Trong 4 động cơ tăng trưởng của Việt Nam bao gồm kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, nông nghiệp và FDI chỉ có khu vực FDI “ăn nên làm ra” nhờ tận dụng được những lợi thế của nền kinh tế, ít bị trói buộc bởi các thể chế, chính sách và hạn chế được những tác động tiêu cực.
Nếu bỏ khu vực FDI sang một bên và chỉ phân tích ba khu vực còn lại thì bức tranh kinh tế Việt Nam sẽ ít tươi sáng hơn nhiều.Nguyên nhân chủ yếu là do ta, không phải do tác động từ bên ngoài.
Theo tôi, thời gian tới cần tập trung làm một số vấn đề. Thứ nhất, và quan trọng nhất là tạo động lực mang tính thị trường cho nền kinh tế. Có nghĩa là công khai và minh bạch. Khi phát biểu tại Tổ tư vấn kinh tế cho Thủ tướng Chính phủ, tôi đã nói là công khai minh bạch giống như thắp đèn sáng trong phòng, để chuột ngoài không vào được còn chuột trong phòng sẽ phải chạy ra… Nếu phòng tối, muốn đánh chuột cũng rất khó, không khéo lại đánh vào chân mình.
Thứ hai, căn cứ vào hội nhập để định hình mục tiêu, chứ không chỉ là căn cứ vấn đề của mình; và phải căn cứ vào cả các yêu cầu của cách mạng 4.0. Công nghệ 4.0 sẽ ập vào Việt Nam chứ không phải lan vào, có thể lấy ví dụ khi Ali pay vào Việt Nam, nó sẽ thay đổi hệ thống thanh toán, buộc chúng ta không thể bình chân.
Thứ ba, là thay đổi tư duy về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Mặc dù 95% lượng DNNN đã được cổ phần hóa trong giai đoạn 2011 – 2015 nhưng chỉ có 8% vốn được bán ra cho khu vực tư nhân. Nhà nước vẫn nắm trên 90% thì không giải đáp được bài toán sử dụng hiệu quả nguồn lực của nhà nước”.
Việc chuyển từ lập trường “cổ phần hóa” sang lập trường “tư nhân hóa” sẽ xác định rõ chức năng và vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường và nguyên tắc, cơ chế hoạt động của chúng theo cam kết hội nhập quốc tế. Thuật ngữ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã đáp ứng nhiệm vụ chính trị trong thời gian qua, tạo điều kiện rất tốt để tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước, nhưng kéo dài tiếp tục có thể sẽ làm chậm mục tiêu chuyển đổi nguồn lực sang khu vực có hiệu quả hơn. Tôi đề nghị có lẽ đến thời điểm này, khi Đảng đã xác định khu vực kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế, yêu cầu xóa bỏ mọi kỳ thị, phân biệt với khu vực này, thì nên thay thuật ngữ cổ phần hóa bằng tư nhân hóa”, để có sự rõ ràng về tư duy”.
Ông Trần Hoàng Ngân - giám đốc Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội
Có thêm nhiều động lực để tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới như cơ chế mới cho Thành phố Hồ Chí Minh. Lần này chúng ta sẽ thông qua luật về hành chính kinh tế đặc biệt, sẽ tạo thêm nhiều điều kiện cho kinh tế đặc khu phát triển, do vậy toa tàu cho nền kinh tế 63 tỉnh thành sẽ có nhiều đầu tàu, cộng hưởng cùng phát triển hơn.
Chúng ta đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế và hiệu quả của đầu tư công cũng được nâng lên rõ hơn. Trên nghị trường Quốc hội cũng đã bàn rõ hơn về vấn đề này để tìm động lực cho kinh tế phát triển.
Bên cạnh đó tôi thấy rằng, những yếu tố phi vật chất đang là yếu tố quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam. Khi Chính phủ sử dụng công nghệ 4.0 vào điều hành lãnh đạo của mình với minh chứng là thực hiện công nghệ điện tử cũng được coi là là 1 động lực phát triển kinh tế. Hay chúng ta đẩy mạnh cổ phần hóa lấy nguồn đầu tư vào phát triển hạ tầng. Như vậy là chi phí giao thông, chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp sẽ được giảm, doanh nghiệp được lợi thúc đẩy kinh tế tư nhân là động lực phát triển kinh tế.
Ông Shosuke Mori - phó giám đốc điều hành cấp cao bộ phận Ngân hàng Quốc tế của Sumitomo
Việt Nam có những lợi thế như: dân số đông; môi trường kinh doanh cởi mở và thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài; môi trường kinh tế, chính trị ổn định.... Những yếu tố này rất hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Nhật Bản nói riêng.
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, như cải cách doanh nghiệp nhà nước. DNNN là trung tâm dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam. Năm 2016 - 2017, sự đóng góp của khối DNNN chiếm khoảng 32% trong toàn bộ nền kinh tế Việt Nam, tức là tỷ trọng của khu vực kinh tế nhà nước đóng góp vào GDP là 32%. Mặc dù vậy, tăng trưởng của khu vực này lại rất thấp chỉ đạt 3,8%. Cho nên cũng trong thời gian qua Chính phủ Việt Nam đã có nhiều cải cách các doanh nghiệp nhà nước. Ví dụ như năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra những chuẩn mực, quy định, nghị định về quản trị DN và công bố thông tin dành cho DNNN.
Thách thức thứ 2 của nền kinh tế Việt Nam đó là cần phải phát triển và nâng cấp ngành công nghiệp trong nước và tạo ra giá trị ngày càng cao hơn. Xuất khẩu của Việt Nam ngày càng tăng nhưng xuất khẩu của ngành công nghiệp vẫn không tăng.
Rồi tỷ trọng mua hàng trong nước cũng rất thấp so với các nước trong khu vực châu Á, Việt Nam chủ yếu vẫn xuất khẩu nguyên liệu thô đến các quốc gia khác và sức mua trong nước của Việt Nam còn yếu. Trong khi đó sự cạnh tranh của ngành sản xuất không chỉ là chi phí lao động mà còn phải phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác như sự sẵn có của nguyên liệu đầu vào hay các chính sách về mua hàng trong nước… Do vậy để tăng sức mua trong nước, Việt Nam cần phải tăng cường năng lực cạnh tranh của các DN trong nước.
Ngoài ra cải cách thủ tục hành chính và tăng cường tính minh bạch đang là thách thức của Việt Nam, đồng bộ hóa các thủ tục hành chính thì sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh.